Vĩnh biệt ông Tạ Quang Chiến, người cận vệ cuối cùng được Bác Hồ đặt tên

18:13 | 13/06/2022
(LĐTĐ) Lễ viếng ông Tạ Quang Chiến, người cận vệ cuối cùng được Bác Hồ đặt tên trong nhóm 8 người gồm Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi, sẽ diễn ra vào sáng mai (14/6) tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Gặp lại người cận vệ được Bác Hồ đặt tên

Theo thông tin từ gia đình, ông Tạ Quang Chiến (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Văn), sinh ngày mùng 2/5/1925, thường trú tại phố Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội, cán bộ lão thành Cách mạng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, nguyên Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VII, do tuổi cao, sức yếu, đã từ trần vào ngày 11/6, hưởng thọ 98 tuổi.

Vĩnh biệt ông Tạ Quang Chiến, người cận vệ cuối cùng được Bác Hồ đặt tên
Ông Tạ Quang Chiến - người cận vệ cuối cùng được Bác Hồ đặt tên đã qua đời hôm 11/6, hưởng thọ 98 tuổi.

Lễ viếng ông Tạ Quang Chiến được tổ chức vào sáng mai (14/6) tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Tháng Tông, Hà Nội.

Ông Tạ Quang Chiến có quê gốc ở Hải Dương nhưng sinh ra ở Thanh Hóa. Ngay từ thuở nhỏ, ông theo cha mẹ sinh sống ở Hà Nội. Sau cách mạng tháng Tám thành công, một vinh dự đặc biệt đến với ông khi tuyển chọn bổ sung vào tổ cận vệ Bác Hồ. Lúc đó ông vừa tròn 20 tuổi.

Sau khi ra Lời kêu gọi quốc kháng chiến 19/12/1946, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Một số cán bộ phục vụ Bác từ những ngày đầu Chính phủ thành lập, nay cùng Bác trở về chiến khu. Bộ phận đi cùng Bác rất gọn chỉ có 8 người, làm đủ mọi việc, từ công tác văn phòng, thư ký đến bảo vệ, liên lạc hậu cần... phục vụ Bác.

Bác đặt tên cho 8 cận vệ là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Chàng thanh niên Nguyễn Hữu Văn từ đó mang tên Tạ Quang Chiến.

Lúc còn sống, ông từng tâm sự: “Những ngày ở Việt Bắc, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn và gian khổ. Ngoài trách nhiệm bảo vệ, anh em chúng tôi còn lo cơm nước cho Bác và chăm sóc Bác lúc ốm đau. Mỗi khi thấy Bác mệt, kém ăn, mất ngủ, lòng chúng tôi se lại, thương Bác vô cùng và cảm thấy mình như có lỗi với Bác”.

Biết ông Chiến giỏi bơi lội, trong những lần bảo vệ Bác đi thăm các đơn vị, địa phương ở nơi xa, qua sông, suối hoặc những lúc Bác đi tắm, đồng chí Kháng thường bố trí ông đi cùng để bảo vệ an toàn cho Bác. Những chuyến công tác Bác thường đi bộ là chủ yếu, Bác đi bộ rất nhanh và khoẻ. Mỗi ngày đi được khoảng từ 50 km đến 70 km. Để đỡ mệt nhọc, Bác thường vừa đi đường vừa kể chuyện vui cho các chiến sĩ nghe.

Đầu năm 1957, ông Chiến thôi làm công tác cảnh vệ và được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó sang Liên Xô học tiếp về chuyên ngành sử. Năm 1960, ông Chiến chuyển sang làm Vụ trưởng Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn. Sau đó, ông làm Tổng Cục trưởng Thể dục Thể thao (nay thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ông là đại biểu Quốc hội khóa VII (1981-1987).

Những năm sau này dù qua các cương vị công tác khác nhau, nhưng thời gian hơn 10 năm được bảo vệ phục vụ Bác Hồ đã để lại trong lòng ông Tạ Quang Chiến một dấu ấn rất sâu sắc. Xin vĩnh biệt người cận vệ cuối cùng đã hết lòng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến gian truân nhất.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này