Đường Vành đai 4 - tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô

12:35 | 10/06/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là vấn đề cấp bách Trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế

Cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng

Phiên thảo luận đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các đại biểu, về nhiều vấn đề quan trọng như: Phạm vi và quy mô dự án, giải phóng mặt bằng, tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, đánh giá hiệu quả các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất có liên quan, việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai dự án…

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, khẳng định đây là hai dự án có tính đột phá chiến lược, tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng TP Hồ Chí Minh.

Đường Vành đai 4 - tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội). (ảnh: QH)

Đại biểu nhấn mạnh, cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Cả hai dự án đều đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, đã được phân tích rất kỹ.

Theo đại biểu, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh thành. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TP Hồ Chí Minh gặp phải. Đại biểu cho biết đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài...

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng nhìn nhận, khi triển khai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ dự án cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3. Đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ thì cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Tạo động lực mạnh mẽ, kích thích sự phát triển

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) nhìn nhận, khi được triển khai, 2 dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ, kích thích sự phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP Hồ Chí Minh.

Đường Vành đai 4 - tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre). (ảnh: QH)

Đại biểu cho rằng, hai dự án này có nguồn vốn đầu tư, rất lớn, lần đầu tiên có sự phối hợp đồng bộ trong sử dụng nguồn vốn trung ương với nguồn vốn địa phương, có cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, theo đại biểu, nguồn vốn trung ương đã được xác định rất cụ thể, nhưng nguồn vốn các tỉnh thì lấy từ nguồn vốn tăng thu, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các tỉnh, thành phố đều đã được bố trí chặt chẽ, đầy đủ danh mục các dự án. Vì vậy, đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn này.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc đầu tư 2 dự án này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025, Chính phủ đã chuẩn bị kỹ hồ sơ đề án để trình Quốc hội.

Đường Vành đai 4 - tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). (ảnh: QH)

Theo đại biểu, hai dự án quan trọng này đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước, có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.

Cho rằng đây là dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, đại biểu đề xuất Chính phủ giao cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.

Góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) khẳng định việc triển khai thực hiện dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

Dự án có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế xã hội đồng bộ trong khu vực.

Đường Vành đai 4 - tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên). (ảnh: QH)

Theo đại biểu, việc đầu tư hoàn thành dự án đường vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở lên.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội được chia thành bảy dự án thành phần do các địa phương quyết định đầu tư, đã xác định rõ nguồn vốn để thực hiện và tổ chức triển khai. Các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Đây là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ dự án.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, làm tốt việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu được phép thực hiện, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín để tham gia thực hiện dự án.

Đồng thời cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương của dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi tuyên án được phê duyệt...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định hai dự án có vai trò, vị trí quan trọng với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng, việc triển khai các dự án không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị kinh tế tăng lên, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư - người dân...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này