Doanh nghiệp vận tải chật vật khi giá xăng, dầu “leo thang”

11:18 | 07/06/2022
(LĐTĐ) Giá dầu thế giới tăng cao kéo giá xăng, dầu trong nước tăng “phi mã” và trở thành lực cản lớn đối với quá trình vận hành, hồi phục kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải cho biết, giá xăng, dầu tăng cao liên tục trong thời gian qua đã gây thiệt hại nặng đến doanh thu.
Giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vận tải kêu trời Doanh nghiệp vận tải TP.HCM chật vật vì giá xăng dầu tăng "phi mã"

Chống chọi từng ngày trong “cơn bão” giá

“Mỗi chuyến xe, chi phí cầu đường, xăng xe,… hết gần 2 triệu đồng, thế nhưng hiện tại nhiều chuyến xe chỉ vỏn vẹn 6-7 khách với giá vé 140.000 đồng/khách. Tính ra tiền thu về chưa đến 1 triệu đồng/chuyến, không đủ chi phí chứ đừng nói có lãi”, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH XE Việt Nam ngậm ngùi nói.

Doanh nghiệp vận tải chật vật khi giá xăng, dầu “leo thang”
Giá xăng, dầu tăng cao liên tục khiến nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng.

Ông Nam cũng cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19, hành khách đi lại ngày càng ít, công ty thường phải dồn 2-3 chuyến xe chạy chung một giờ để tiết giảm tối đa. Nếu như trước đây, xăng, dầu chiếm khoảng 40% chi phí vận tải thì bây giờ lên tới 50-60%. Điều này khiến doanh nghiệp không có lãi và càng ngày càng lỗ sâu.

Điều khiến ông Nam lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng, dầu tiếp tục “leo thang”, thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhiều nhà xe sẽ không thể cầm cự được. Theo lẽ thường, giá nhiên liệu tăng thì sẽ tăng giá vé để bù đắp, nhưng trên thực tế, lượng khách còn quá thấp, việc điều chỉnh lúc này là không khả khi, thậm chí có nguy cơ mất khách.

Theo ông Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ sau đại dịch, giá xăng, dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản. “Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng”, ông Nam nói. “Giá xăng, dầu tăng kéo theo việc tăng giá nhiều dịch vụ, doanh nghiệp cũng không dám điều chỉnh giá đột ngột. Mỗi lần điều chỉnh giá phải mất một tháng, nhưng khi áp dụng thì giá xăng, dầu lại thay đổi, giá điều chỉnh lại không còn phù hợp”.

Riêng tuyến vận chuyển hành khách, theo ông Nam, rất khó điều chỉnh vì sợ phản ứng tiêu cực từ phía khách hàng trong khi lượng khách đang ngày càng ít đi. Do vậy, giá xăng, dầu đã tăng nhiều nhưng giá cước vận chuyển hành khách đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh và phải chấp nhận lỗ.

Kinh doanh trong lĩnh vực vận tải với hàng chục xe limousine phục vụ hành khách tuyến Thái Bình -Nam Định - Hà Nội; Ninh Bình - Hà Nội và đi sân bay Nội Bài hơn 10 năm qua, chưa bao giờ Công ty TNHH XE Việt Nam lại rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.

Không chỉ doanh nghiệp vận tải hành khách, mà các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng chật vật không kém. Ông Lê Cảnh Đông, Giám đốc Công ty Vận tải Đông Hoa chia sẻ, “đối với hoạt động logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí vận hành, chưa kể phí cầu đường và nhiều loại thuế phí khác. Trước mua thùng dầu chỉ tốn khoảng 170 triệu đồng, giờ tăng lên hơn 400 triệu. Đây là con số rất khủng khiếp. Thời gian qua giá dầu tăng hơn 100%, trong khi giá cước tăng không đáng kể khiến doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng”.

Với hơn 40 đầu xe container, trước đây mỗi tháng Công ty Vận tải Đông Hoa tiêu thụ hết khoảng 80.000 lít dầu, chi phí khoảng 600 triệu đồng thì nay chi phí tăng gấp 3 lần lên khoảng 1,7 tỷ đồng/tháng.

Tương tự, một công ty vận tải hàng hóa khác là Công ty Vận tải Bình Minh, tình trạng cũng không sáng sủa hơn. Theo ông Trương Ngọc Tú - Giám đốc Công ty Vận tải Bình Minh, hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa công ty vận tải biển (hàng rời) với khách hàng chuyên tuyến thường được ký theo quý (3 hoặc 6 tháng một lần). Do đó, khi giá dầu tăng cao đột biến tới 30%, trong khi cước vẫn giữ giá cũ theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng vận chuyển, gây áp lực lỗ lên các doanh nghiệp vận tải biển.

Nếu giá nhiên liệu cứ duy trì cao như ở mức hiện tại, sẽ khiến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình trạng cầm chừng. Và cản trở tốc độ hồi phục, tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn là ở chỗ, giá xăng, dầu tăng cao kéo dài sẽ kiến tạo mặt bằng giá cước vận tải mới ở mức cao và kéo dài tương ứng.

Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội được định vị ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội theo cách ấy.

Chật vật tìm cách thích ứng

Vì lỗ nên nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng để “trả nợ” các hợp đồng đã ký nhằm giữ chân khách hàng và chờ cơ hội đàm phán hợp đồng mới với giá cước mới có tính đến yếu tố biến động giá nhiên liệu vào. Bên cạnh đó, theo ông ông Lê Cảnh Đông, Giám đốc Công ty Vận tải Đông Hoa, doanh nghiệp vận tải sẽ phải xem lại các mặt hàng vận chuyển. “Nếu có lãi mới nhận đơn, không thì thôi, hạn chế các đơn hàng ở xa để hạn chế việc phải chạy xe rỗng”, ông Đông nói.

Theo nhiều doanh nghiệp, cơ chế điều hành giá xăng, dầu hiện đang đẩy phần thiệt về doanh nghiệp. Lý do hợp đồng vận tải thường ký theo tháng, quý, thậm chí theo năm. Nhưng giá xăng, dầu điều chỉnh ngày càng ngắn, từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Điều này làm doanh nghiệp vận tải mất chủ động về cân đối chi phí kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đường bộ có lượng tiêu thụ xăng, dầu càng lớn thì càng lỗ nặng.

Ngoài ra, để ứng phó tình trạng xăng, dầu tăng giá, doanh nghiệp cũng đã thay đổi phương tiện mới để tiết kiệm chi phí nhiên liệu, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý để cắt giảm chi phí đầu ra. Đồng thời, cắt giảm lợi nhuận để đồng hành với khách hàng qua giai đoạn khó khăn.

Nhằm ứng phó giá nhiên liệu tăng cao, ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên An quyết định đặt mua thêm hàng chục xe đầu kéo và container dài 17m thay vì 12m như thông thường. Việc dùng thùng container dài sẽ tăng sức chứa hàng hóa cho các chuyến vận chuyển đường dài nhằm kéo giảm chi phí. “Chúng tôi đang cố gắng để thích ứng, tăng khả năng vận chuyển của mỗi chuyến hàng, cố gắng gom nhiều đơn hàng vào một chuyến xe để không tăng giá cước trong giai đoạn này”, ông Việt Anh nói.

Khi giá xăng, dầu tăng “dựng đứng”, nhiều doanh nghiệp vận tải trở tay không kịp. “Doanh nghiệp đang rất khó khăn, xe vẫn phải lăn bánh nhưng doanh thu thì chỉ từ hòa hoặc lỗ. Hiện tại, chỉ có cách tạm thời dừng hoạt động, hoặc nhận đơn vận chuyển của khách hàng mới, khách hàng vãng lai với giá mới. Còn với khách hàng cũ thì xin ý kiến hỗ trợ từ họ để giảm phần nào chi phí, hạn chế lỗ”, ông Việt Anh cho biết thêm.

Trong hoạt động vận tải logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35% - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng. Cùng với đó mỗi đầu xe còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT…

Xác nhận thực tế này, đại diện một doanh nghiệp chuyên xe container tại Bắc Ninh cho biết, nếu giá xăng, dầu cao như hiện tại, doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước để bù chi phí. “Tuy nhiên, “cũng không thể tăng quá cao được, không thể “đua” với kiểu tăng như hiện tại của giá xăng, dầu được vì còn phải giữ chân khách hàng, cho nên khả năng là chúng tôi cũng chỉ hoạt động cầm chừng”, doanh nghiệp này bổ sung./.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này