Ngăn chặn những rủi ro trong dòng chảy tài chính

19:14 | 03/06/2022
(LĐTĐ) Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để kiểm soát sau 2 năm khủng hoảng do dịch Covid-19, nhưng thị trường tài chính vẫn đang bộc lộ những rủi ro mới. Tại Hội thảo công bố báo cáo thị trường tài chính Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, các chuyên gia kinh tế đã góp ý nhiều giải pháp để ngăn chặn rủi ro trong dòng chảy tài chính.
Bắt đối tượng đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, thị trường tài chính có tính liên thông rất cao, gồm các trụ cột chính là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất kỳ trụ cột nào trục trặc đều xuất hiện nguy cơ rủi ro hệ thống.

“Chính vì vậy, Việt Nam nên làm rõ mối liên quan này. Đặc biệt là tác động của lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tới hệ thống ngân hàng. Đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam, tôi cho rằng trọng tâm tiếp theo là Basel III. Cần có nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này trong thời gian tới; đồng thời, sớm đưa ra lộ trình áp dụng Basel III cho hệ thống ngân hàng”, ông Francois Painchaud lưu ý.

Ông Francois Painchaud cũng cho rằng, ngoài những vấn đề trên, điểm mấu chốt mà Việt Nam cần cải thiện là chất lượng thông tin trên thị trường tài chính. Bởi vì thông tin là rất quan trọng trong việc hỗ trợ ra quyết định, từ đó hạn chế và kiểm soát rủi ro. Việt Nam đang rất thiếu những báo cáo ngành có chất lượng. Thông tin cũng là điểm yếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Việt Nam. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thông tin minh bạch, trung thực, kịp thời. Từ đó, vận hành theo hướng tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Ngăn chặn những rủi ro trong dòng chảy tài chính
(Ảnh minh họa)

“Muốn có một thị trường tài chính ổn định, bền vững thì Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn về kế toán, quản trị cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam phải sớm áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Sau cùng, bên cạnh việc xây dựng pháp luật, Việt Nam cũng cần chú trọng hơn nữa việc giám sát trên thị trường tài chính. Quy định một đằng nhưng thực thi pháp luật đó như thế nào, tốt hay không tốt lại là chuyện khác", Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nêu ý kiến.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho rằng, cơ cấu thị trường tài chính cũng thể hiện cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Trên thị trường tài chính hiện nay tồn tại một số sự mất cân đối cần phải tháo gỡ.

“Chẳng hạn như tỷ trọng của vốn tín dụng ngân hàng hiện lớn hơn rất nhiều so với các kênh huy động vốn khác. Hoặc hiện tượng thị trường chứng khoán phát triển nóng như vừa qua cũng là biểu hiện của việc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chưa hài hòa. Trong giai đoạn đầu khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam hơi thiên về nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Nguyễn Minh Cường dẫn chứng.

Đối với thị trường tài chính, mối quan hệ cân bằng, lành mạnh giữa nợ công và nợ tư nhân là rất quan trọng. Ở nhiều nước, nợ công tăng mạnh và ở mức rất cao trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là xấu, bởi vì họ điều tiết để khi tỷ lệ nợ công cao như vậy, nợ tư nhân lại thấp đi.

Việt Nam hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về nợ tư nhân. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu ngân hàng cũng phản ánh tương quan nợ công và nợ tư nhân. Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, để hạn chế rủi ro nợ xấu ngân hàng thì chính sách tài khóa cũng quan trọng. Có thể cân nhắc tăng trần nợ công lên một chút để giảm tải cho hệ thống ngân hàng. Ông cũng nhấn mạnh phát triển thị trường vốn là xu thế không thể đảo ngược với Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm về thị trường chứng khoán, một vấn đề rất nóng trong thời gian vừa qua, GS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học (Đại học Kinh tế quốc dân) nói: “Hiện nay còn thiếu những thông điệp cảnh báo sớm, mạnh mẽ trên thị trường tài chính. Giá như có cảnh báo mạnh mẽ một cách chính thức, rằng thị trường chứng khoán đã đi quá xa so với nền kinh tế thực thì đã không có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian qua. Khi nền kinh tế thực chỉ tăng trưởng 2,5 - 2,7% trong giai đoạn dịch bệnh mà thị trường chứng khoán tăng trưởng đến 34% là bất thường. Chúng ta có cảnh báo nhưng thông điệp quá yếu ớt. Chỉ đến khi những vụ bắt bớ xảy ra, lúc đó các nhà kinh tế mới vào phân tích rằng thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản quá nóng”.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hệ thống ngân hàng đã cho thấy sự ổn định và an toàn hơn rất nhiều so với thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2010. Các bộ đệm dự phòng hay tỷ lệ an toàn vốn đã cải thiện rất nhiều, tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ mức 78% cuối năm 2016 được đẩy lên đến mức 152% năm 2021. Ngay cả khi các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, các ngân hàng vẫn đủ sức mạnh dù phải hoãn, giãn nợ, cũng như hỗ trợ các chương trình phục hồi kinh tế.

Đồng thời, trải qua nhiều thăng trầm với những bài học lớn trong quá khứ, nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam đã khôn khéo, linh hoạt và nâng tầm điều hành so với mặt bằng trong khu vực. Đơn cử, nhờ việc điều hành cung tiền, quản trị hệ thống linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đã giúp thanh khoản hệ thống dồi dào, đáp ứng đủ các nhu cầu về vốn chính đáng, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục. Thời gian tới, các nhà hoạch định cần phải duy trì sự linh hoạt này. Còn về thị trường cổ phiếu, điều quan trọng nhất để đảm bảo phát triển bền vững là tính minh bạch, đáp ứng các thông lệ và chuẩn mực.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này