Tháo dỡ “chuồng cọp” mở lối thoát hiểm

09:20 | 31/05/2022
(LĐTĐ) Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy ở các căn hộ tập thể, có lồng sắt kiên cố, không có lối thoát hiểm. Việc cơi nới thêm phần diện tích sử dụng tại các khu chung cư, nhà tập thể cũ tạo thành những “chuồng cọp, lồng chim” gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời cũng đặt ra nhiều lo ngại về việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
Cháy “chuồng cọp”: Không chỉ còn là cảnh báo Vận động nhà dân mở “chuồng cọp” làm cửa thoát hiểm

Nhan nhản “chuồng cọp, lồng chim”

Trên địa bàn Thành phố, không khó để bắt gặp những “chuồng cọp” gia cố thêm ở phần ban công của các căn hộ tập thể cũ của Hà Nội như: Khu tập thể Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Giảng Võ (quận Ba Đình), Kim Liên (quận Đống Đa), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)... được làm kiên cố.

Theo tìm hiểu, tại những khu tập thể cũ này đã được xây dựng cách đây khoảng 40 năm, bề mặt thành tường đều đã mục nát, xuống cấp, lại đang phải “oằn mình” gồng gánh những chiếc lồng sắt chồng chéo, ken đặc lên nhau, khiến nhiều người đi qua đều cảm thấy rùng mình vì lo sợ các khu nhà này có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Thực tế này càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng chật chội, chồng chéo không lối thoát ở các khu tập thể cũ. Nếu xảy ra hỏa hoạn, người dân khó để thoát ra, lực lượng chức năng cũng mất “thời gian vàng” để triển khai công tác cứu hộ, vì các lối thoát như ban công, cửa sổ... đều bị bịt kín bởi những song sắt kiên cố, tốn nhiều thời gian phá dỡ.

Tháo dỡ “chuồng cọp” mở lối thoát hiểm
Việc cơi nới thêm phần diện tích sử dụng tại các khu chung cư, nhà tập thể cũ tạo thành những “chuồng cọp, lồng chim” đặt ra nhiều lo ngại về việc thoát hiểm khi có sự cố hoả hoạn.

Nhiều người dân sinh sống tại các khu tập thể cũ chia sẻ, nguy hiểm như vậy, ai cũng biết, nhưng các hộ dân sinh sống tại các khu tập thể này vẫn cơi nới, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là vì phải mở rộng không gian diện tích sinh hoạt ở những căn hộ vốn đã quá chật hẹp, sau đó phải hàn những rào sắt kiên cố để làm nơi phơi quần áo, nhà bếp, thậm chí nhà vệ sinh... tại các phần diện tích cơi nới thêm. Bà Trần Thị Oánh (khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình) cho biết, gia đình anh chị tôi đã sống ở đây mấy chục năm rồi. Nhà đông người nên có cơi nới ra thêm một chút nhưng vẫn rất chật chội. Tuy nhiên do hoàn cảnh khó khăn nên không thể chuyển đi sinh sống ở chỗ khác.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến năm 2022, thành phố Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994 (một số ít nhà xây dựng trước năm 1954) tập trung chủ yếu tại các quận nội thành.

Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng; diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ, quá tải số người, nhiều hộ dân tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian chung và do không được duy tu bảo trì thường xuyên nên hệ thống hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đồng thời cũng đặt ra nhiều lo ngại về việc thoát hiểm trong các sự cố hoả hoạn.

Thực tế cho thấy, các “chuồng cọp” càng kiên cố bao nhiêu thì càng rủi ro cho chính chủ nhà bấy nhiêu. Nhiều vụ cháy nhà dù được phát hiện sớm, nhưng vì “chuồng cọp” khiến nạn nhân không thể thoát ra ngoài. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại gặp khó trong việc tiếp cận hiện trường, di chuyển vào trong để cứu người do gặp rào cản, cần thời gian để phá dỡ khung sắt thép.

Liên quan đến vụ cháy xảy ra tại căn nhà của hộ gia đình tại P116, B9 tập thể Kim Liên, ngõ 6, phố Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa, tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng đã xác định đám cháy do lửa phát cháy tại tầng 1 căn nhà.

Đáng nói, mặc dù đám cháy không lớn, lực lượng chữa cháy có mặt kịp thời và dập tắt đám cháy sớm, tuy nhiên do căn nhà dạng nhà ống, người dân tự ý cơi nới, rào chắn (làm chuồng cọp) xung quanh, nhà nhỏ không có đường thoát làm tăng nhiệt cao và khói bốc nhanh. Vụ cháy dẫn đến hậu quả làm 5 người chết và 2 người bị thương. Vụ việc này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tới các cơ quan quản lý về tình trạng cơi nới bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm tại các khu tập thể cũ.

Nhân rộng mô hình mở lối thoát nạn thứ 2

Theo thống kê, trên địa bàn quận Hà Đông có 1.387 nhà ở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà tập thể đang bố trí lắp đặt lồng sắt “chuồng cọp”. Tính đến ngày 11/2, Ủy ban nhân dân các phường đã vận động được hàng nghìn hộ gia đình tự giác tháo dỡ lồng sắt “chuồng cọp" mở lối thoát nạn thứ 2.

Tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, có 66 tòa nhà tập thể cũ, chủ yếu cao 5 tầng. Hơn 1 năm nay, nhiều căn hộ khu tập thể cũ đã được cắt mở lồng sắt, tạo lối thoát hiểm từ “chuồng cọp”. Ngay sau khi rà soát, khảo sát, nắm tình hình địa bàn, lực lượng chức năng quận, phường đã tuyên truyền, vận động các gia đình mở cửa thoát hiểm tại các nhà tập thể cũ. Sau khi được tuyên truyền, nhiều hộ dân đã đồng tình, hưởng ứng. Khu G1 phường Thanh Xuân Bắc có 70 hộ gia đình sau khi được tổ chức đoàn thể vận động cơ bản đều đồng thuận và đã hoàn thành 100% việc mở lối thoát hiểm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thanh Xuân Bắc Nguyễn Hoàng Điệp cho hay, sau hơn một năm chính quyền và các đoàn thể vận động, hướng dẫn, hơn 3.350 hộ đã mở lối thoát hiểm, còn trên 300 hộ phường sẽ tiếp tục vận động.

Tháo dỡ “chuồng cọp” mở lối thoát hiểm
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường Trúc Bạch đã chủ động tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2.

Còn tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, sau khi được tuyên truyền, vận động về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường Trúc Bạch đã tích cực, chủ động tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2. Đặc biệt, phường cũng đã huy động lực lượng liên ngành tham gia hỗ trợ các hộ dân về thiết bị, vật tư trong quá trình hàn, cắt và tạo cửa thoát hiểm.

Ông Phạm Ngọc Đức, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Trúc Bạch cho biết, hàng năm, Ủy ban nhân dân phường đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy; hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn khi sự cố xảy ra để người dân nhận thức rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Ngoài việc hỗ trợ người dân tạo lối thoát hiểm, với những hộ gia đình khó khăn, phường đã tặng mỗi nhà một bình cứu hỏa, vận động người dân mua thang dây thoát hiểm và mặt nạ phòng khí độc để chủ động ứng phó nếu có đám cháy xảy ra…

Có thể nói, đối với các chung cư cũ chưa thể cải tạo, xây mới, thì việc mở lối thoát hiểm từ các công trình cơi nới bất đắc dĩ này, dù chỉ là giải pháp tình thế song cần thiết. Về lâu dài và căn cơ hơn, việc xóa "chuồng cọp" không thể chỉ trông chờ vào ý thức, sự tự giác và "biết sợ" của người dân hay việc mở lối thoát hiểm, mà cần đẩy mạnh các dự án cải tạo chung cư cũ bằng cơ chế, chính sách phù hợp…/.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này