Gìn giữ di sản văn hóa xứ Đoài

14:11 | 26/05/2022
(LĐTĐ) Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đây là quá trình vận động tất yếu để thích ứng và phát triển. Tuy nhiên, trong nhịp đô thị hóa có không ít giá trị văn hóa đang âm thầm mai một khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Văn hóa xứ Đoài cũng không ngoại lệ. Vấn đề đặt ra hiện tại không đơn thuần chỉ gìn giữ tinh hoa xứ Đoài mà còn làm sao để nó ngày càng phát huy giá trị trong không gian đô thị Hà Nội.
Nỗ lực khơi dòng di sản văn hóa xứ Đoài Đánh thức tiềm năng du lịch từ giá trị di sản

Giàu bản sắc và giá trị văn hóa

Xứ Đoài là tên gọi dân gian của vùng đất nằm ở phía Tây kinh đô Thăng Long xưa. Định danh này thường được nhắc tới như những tiểu vùng văn hóa đặc thù trong một tổng thể thống nhất của văn hóa châu thổ Bắc Bộ. Khu vực này vốn là đất bản bộ của người Việt, sau đó lại được coi là một trong tứ trấn - phên giậu bảo vệ Thăng Long - Hà Nội.

Gìn giữ di sản văn hóa xứ Đoài
Xứ Đoài hiện còn lưu giữ nhiều di sản kiến trúc đình chùa đặc sắc. Ảnh: Giang Nam

Qua những biến động của thời gian, xứ Đoài ngày nay là tồn tại đặc thù, nó không phải địa danh hành chính và cũng không phải tên gọi chính thức. Nói cách khác, biên độ không gian mà nó quy chiếu đến được nhìn nhận khác nhau và tùy thuộc vào quan điểm của các nhà nghiên cứu.

Tuy vậy, những giá trị di sản văn hóa xứ Đoài còn tồn tại rất đồ sộ. Chẳng hạn, tại điểm nổi danh bậc nhất xứ Đoài là Sơn Tây đến nay vẫn còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa giúp ích lớn trong việc nghiên cứu cũng như thể hiện tinh thần dân tộc. Trên vùng đất địa linh này có không ít những thủ lĩnh ghi danh vào lịch sử trong thời kỳ chống các chính quyền đô hộ phương Bắc như Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền... Đây cũng là quê hương của những danh nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng khắc Khoan, Giang Văn Minh, Khuất Duy Tiến. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, xứ Đoài đã đóng góp hàng trăm nhà khoa bảng nổi danh được khắc tên trên bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngoài ra, xứ Đoài với vùng lõi là thị xã Sơn Tây còn là một vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa mang nét riêng, rất độc đáo. Đó là hệ thống di tích nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như: Làng cổ Đường Lâm, đền Và, thành cổ Sơn Tây. Ở vùng đất này còn có chùa Mía - một trong những ngôi chùa có nhiều tượng phật cổ nhất miền Bắc, đền Phùng Hưng, đình Mông Phụ, những ngôi nhà cổ bằng đá ong có niên đại từ 100 đến 400 năm…

Giàu bản sắc và giá trị văn hóa song trong quá trình đô thị hoá hội nhập Hà Nội, diện mạo làng xã cổ truyền xứ Đoài đã thay đổi rất nhiều. Không khó để thấy ví dụ này ở ngay tại Làng cổ Đường Lâm khi nhu cầu và thực tế về không gian sinh sống và sản xuất do dân số tăng lên, đặc biệt là dân cư từ các vùng miền đổ về làm việc trong các khu công nghiệp, khu đô thị mới mới khiến cho nhịp sống và văn hoá xứ Đoài chịu nhiều áp lực mai một. Đã có thời điểm những mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu cuộc sống của người dân bị đẩy đến đỉnh điểm và chính quyền địa phương đã phải cố gắng để điều tiết, cân bằng.

Theo PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), xu hướng biến đổi văn hoá xứ Đoài do ảnh hưởng của đô thị hoá bắt đầu từ các nhân tố con người - xã hội - môi trường, từ văn minh nông nghiệp (nông thôn) sang văn minh công nghiệp (đô thị).

PGS.TS Phạm Văn Dương cũng chỉ rõ, quá trình này có thể tóm lược ở các điểm như: Lao động nông nghiệp giảm xuống, lao động công nghiệp tăng lên; trình độ dân trí quan hệ xã hội và lối sống đô thị tăng lên, quan hệ cộng đồng làng xóm, lối sống nông nghiệp và giá trị truyền thống giảm dần; nghề truyền thống có xu hướng giảm dần, các loại sản xuất khác theo hướng hiện đại hoá tăng lên; truyền thống trao đổi hàng hoá được thay đổi sang hình thức kinh doanh dịch vụ buôn bán thị trường; không gian, môi trường cảnh quan văn hoá làng truyền thống giảm xuống, nhường chỗ cho công trình nhà cửa kinh tế kỹ thuật và môi trường đô thị...

Được và mất trong “vòng xoáy” đô thị hóa

Thực tế, bản thân người viết đã qua nhiều vùng miền của Hà Nội, cả ngoại thành lẫn nội thành và thấy rằng đô thị hóa là bước phát triển tất yếu của nhiều ngôi làng ven đô Hà Nội. Chẳng khó để thấy, hiện một số làng đã biến đổi thành phường hoặc kết hợp với làng khác để hình thành đơn vị hành chính mới như các làng: Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Mai Động, Kim Liên, Trung Tự, Thịnh Hào, Hoàng Mai, Đại Mỗ, Tây Mỗ...

Gìn giữ di sản văn hóa xứ Đoài
Lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa mang nét riêng, rất độc đáo của xứ Đoài.

Trong vòng xoáy đô thị hóa nhiều làng đã không giữ được hoặc chỉ giữ lại được rất ít các giá trị văn hóa. Một trong số đó là làng Định Công (thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai) là ví dụ. Xưa ngôi làng này vốn nổi tiếng vì có nghề chạm bạc, nhưng nay chỉ còn một số rất ít người làng giữ nghề. Cùng trong niềm tiếc nuối ấy còn là sự biến mất của những không gian thoáng đãng ngày xưa. Định Công đang chịu sức ép của đô thị hóa và tăng dân số một cách chóng mặt, tất cả con ngõ của làng đều oằn mình vì quá tải.

Hay xa hơn, hiện nói đến “làng ven đô”, người ta nghĩ ngay đến những huyện thuộc xứ Đoài xưa như Hoài Đức, Đan Phượng… tại những nơi này, giá bất động sản đang tăng lên, đồng nghĩa với việc mỗi ngày “chất làng” lại vơi đi. Ở các vùng này, các loại hình diễn xướng dân gian truyền thống như: Hát chèo Tàu, hát Trống quân đang đối diện với thực tế về việc gìn giữ, truyền nối, bảo tồn và thực hành trong đời sống.

Trở lại câu chuyện gìn giữ di sản văn hóa xứ Đoài trong “cơn lốc” đô thị hóa. Phải khẳng định xứ Đoài được coi là một vùng đất “địa linh nhân kiệt", từng tấc đất, ngôi làng nơi đây đều dày đặc những di sản văn hóa. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì xứ Đoài đã trở thành một phần của Thủ đô. Với tiềm năng văn hóa của mảnh đất này, các ban, ngành chức năng của Hà Nội luôn xác định, không chỉ gìn giữ những tinh hoa văn hóa xứ Đoài mà còn phải làm cho nó ngày càng phát huy giá trị trong không gian mới.

Chẳng khó để thấy điều này ở thị xã Sơn Tây. Trên địa bàn thị xã có 75/244 di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng. Công tác quy hoạch di tích trên địa bàn được quan tâm thực hiện. Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã được phê duyệt và thực hiện; đồng thời lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích Làng cổ Đường Lâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý theo hướng đồng bộ, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Rõ ràng, việc tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó, văn hóa cần được ứng xử ngang bằng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quan trọng hơn là phải có giải pháp để khai thác các di sản văn hóa như một nguồn tài nguyên có giá trị đặc biệt. Xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt. Có thể coi đây là không gian cô đọng của văn hóa Việt Nam, đồng thời lại có rất nhiều nét đặc sắc riêng, là một kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa. Để làm tốt việc giữ gìn và phát huy văn hóa xứ Đoài trước những biến thiên thời gian và “vòng xoáy” đô thị hóa cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này