Nông dân huyện Đan Phượng: Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp

17:44 | 25/05/2022
(LĐTĐ) Năm 2022 đã đi được gần nửa chặng đường để đạt các mục tiêu nông nghiệp kỳ vọng, nông dân huyện Đan Phượng vẫn đang trên đà bứt tốc để áp dụng các biện pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, phù hợp với quy hoạch.
Huyện Đan Phượng: Người lao động hào hứng trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Nông dân xã Trung Châu tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế Chính quyền huyện Đan Phượng đối thoại với người lao động
Nông dân huyện Đan Phượng: Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nông dân huyện Đan Phượng vẫn quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp

Để quá trình sản xuất nông nghiệp được hiệu quả, nông dân huyện Đan Phượng triển khai toàn diện các hoạt động từ mô hình kinh tế đến bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó là thực hiện các công tác hỗ trợ nông dân vay vốn làm nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mặc dù trong thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao, kéo theo thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí phân bón tăng, giá một số nông sản lại giản, nhưng người nông dẫn vẫn quyết tâm bám đất làm nông nghiệp theo đúng định hướng.

Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân hàng năm đạt 1.955ha, trong đó diện tích lúa đạt 527ha, ngô 287 ha, đậu tương 18 ha, rau các loại 450 ha, hoa 530 ha, cây màu khác 143 ha. Trong 5 tháng đầu năm nay, Hội tích cực vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đảm bảo phù hợp với quy hoạch, bền vững với diện tích chuyển đổi thêm được thêm 16,5 ha (gồm hoa 14,5 ha, rau 2ha).

Về chăn nuôi, các hộ vẫn đang tích cực phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đến thời điểm này, tổng đàn trâu, bò đã có trên 2.778 con; đàn lợn trên 85.711 con; đàn gia cầm trên 189.720 con; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 151 ha. Các hộ nông dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để phát sinh trên diện rộng.

Nông dân huyện Đan Phượng: Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp
Mô hình vườn rau, màu, dưa ở xã Thọ An

Đánh giá tình hình chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết: “Nhìn chung nông dân phấn khởi do tình hình an ninh trật tự ở nông thôn cơ bản ổn định, nông dân chấp hành tốt các quy định, tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hữu cơ, công nghệ cao; tích cực tham gia các phong trào thi đua, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên, cơ sở hạ tầng ở nông thôn được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt.

Tuy nhiên một bộ phận nông dân vẫn sản xuất manh mún, chủ yếu công nghệ thấp nên năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh của nông sản chưa cao. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, thức ăn chăn nuôi tăng, giá một số nông sản giảm. Do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá làm một số khu vực sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định, lợi nhuận thấp nên một số diện tích bị bỏ hoang... ảnh hưởng đến đời sống nông dân”.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, Hội Nông dân huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tích cực tham gia giữ gìn môi trường nông thôn, tuyến phố văn minh, đoạn đường tự quản.

Nông dân huyện Đan Phượng: Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp
Nông dân huyện Đan Phượng tiếp tục phủ xanh đất nông nghiệp bằng các mô hình trồng cây ăn quả

Cụ thể, Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các xã xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn gồm phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, xây dựng tuyến đường nông dân sáng, xanh, sạch đẹp, đoạn đường nở hoa,… như xã Liên Hồng thực hiện tuyến đường hoa, xã Song Phượng trồng nấm thương phẩm, xã Thọ An an xử lý rơm rạ, xã Thọ Xuân thu gom vở bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xã Hạ Mỗ xử lý rác tại nhà và chăm sóc hàng cây, xã Phương Đình trồng cây xanh,…

Cùng với đó, Hội chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các cơ sở đăng ký 6 công trình, phần việc thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về liên kết sản xuất, trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng lúa tại các xã Hồng Hà, Đồng Tháp, Trung Châu, Đan Phượng, Hạ Mỗ; đăng ký 3 mô hình Dân vận khéo về tuyến đường hàng cây, đoạn đường hoa nông dân tại xã Đan Phượng, xã Thượng Mỗ; tuyến đê kiểu mẫu sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn tại xã Liên Trung, xã Hạ Mỗ...

Để hỗ trợ hội viên nông dân làm kinh tế, Hội cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ vay vốn. Thông qua các nguồn vốn đã giúp hàng nghìn hộ có việc làm, thu nhập, dự kiến góp phần giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, cận nghèo, giảm hàng tỷ đồng chi phí cho nông dân so với lãi suất phải đi vay ngân hàng thương mại, góp phần hạn chế tín dụng đen; nhìn chung các nguồn vốn cho vay có chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn.

Nông dân huyện Đan Phượng: Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp
Để có đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Hội rất chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ khoa học và các kỹ năng đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Nổi bật hơn, Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng tuyên truyền tới nông dân, khuyến khích nông dân tham gia các mô hình khuyến nông để tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao; điển hình là mô hình trồng măng tây 1,8 ha theo hướng VietGAP tại xã Phương Đình.

Cùng với đó là duy trì các mô hình trồng nho, chăm sóc cây ăn quả. Hội cũng mở rộng mô hình cây nho hạ đen giống cây trồng năng suất chất lượng cao với 3 hộ tham gia với quy mô trên 1,5 ha tại xã Trung Châu, Hạ Mỗ, Đan Phượng. Về cây lúa, Hội thực hiện nhân rộng mô hình trồng lúa ST 25 tại xã Tân Lập, lúa Lai thơm 6, CS 6 tại Đan Phượng, Phương Đình, Hạ Mỗ, Tân Hội, Tân Lập với diện tích 5 ha.

Để thực hiện các biện pháp nông nghiệp công nghệ cao, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị cung cấp giống cây trồng và các trung tâm nông nghiệp hữu cơ để thực hiện các biện pháp gieo trồng công nghệ cao, thực hiện xử lý chế phẩm theo các mô hình hữu cơ, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, phối hợp Công ty giống rau Việt Á phun thuốc sâu thảo mộc Anisat 4,15ha rau, quả giống lai. Phối hợp Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp, Trung Tâm phát triển và Hội nhập tổ chức tập huấn và cấp phát 200 nắp đậy và 50kg chế phẩm vi sinh emuniv để xử lý rác thải tại nhà cho 200 hộ làm phân bón hữu cơ. Phối hợp Công ty Phương Nam tập huấn và cấp cho hội nông dân 16 xã, thị trấn với 1.850 gói chế phẩm sumitri thực hiện mô hình ủ 100 tấn phân gà, lợn, chim, đậu, phân loại rác thải tại nhà xử lý hoai mục làm hữu cơ bón cho nho, rau, khoai tây, lúa…

Nông dân huyện Đan Phượng: Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp
Trong những tháng cuối năm, các hộ nông dân Đan Phượng đang tiếp tục hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các mô hình nông nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cũng cho biết, để có đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Hội rất chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ khoa học và các kỹ năng đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đây cũng là xu thế kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tất yếu mà người nông dân cần nắm bắt để tạo cơ hội cho sản phẩm của mình có thị trường tiêu thụ rộng mở hơn. Để giúp nông dân thích ứng và tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Đan Phượng còn phối hợp Bưu điện huyện khai trương 2 cửa hàng kết nối tiêu thụ nông sản tại xã Thượng Mỗ và Thị trấn Phùng.

Trong những tháng cuối năm, các hộ nông dân Đan Phượng đang tiếp tục hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các mô hình nông nghiệp để tăng năng xuất sản phẩm, quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp; phát huy vai trò giai cấp nông dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chung sức phấn đấu xã lên phường, huyện lên quận trong những năm tới.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này