Chuyện lão nông thành tỉ phú gà lạnh

11:22 | 24/05/2022
(LĐTĐ) Từ một nông dân với đôi bàn tay trắng, ông Đinh Ngọc Khương đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, vượt qua nhiều lần thất bại để trở thành tỉ phú gà lạnh như ngày hôm nay.
Cựu chiến binh vươn lên làm kinh tế giỏi Làm giàu nhờ… đà điểu

Thành công từ nhiều lần thất bại

Vào một ngày tháng 5, từ thành phố Hồ Chí Minh, vượt qua gần 100km, chúng tôi tìm đến trang trại gà của ông Đinh Ngọc Khương (54 tuổi), tại ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Ông Khương được người dân địa phương và các tỉnh lân cận biết đến nhờ có “bí quyết” nuôi gà lạnh (chuồng nuôi khép kín, có hệ thống máy lạnh làm mát không khí, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn...), đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính ông là người được Trung ương hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân sản xuất giỏi xuất sắc nhất toàn quốc năm 2021.

Chuyện lão nông thành tỉ phú gà lạnh
Ông Đinh Ngọc Khương, người được mệnh danh là tỉ phú gà lạnh.

Khi chúng tôi tới, ông vẫn còn tất bật việc chăm sóc đàn gà mà theo ông là “Giành thời gian cho gà nhiều hơn cả cho vợ”.

Tranh thủ nghỉ ngơi, ông Khương chia sẻ về cuộc đời của mình: “Năm 15 tuổi do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học, rời quê hương Nam Định để vào Nghệ An bắt đầu con đường “lập nghiệp”.

Thời gian đầu tôi làm phụ hồ, tuy nhiên làm được 5 tháng thì hết việc, sau đó đành phải khăn gói đi ngược lên tỉnh Cao Bằng để mưu sinh, nhưng vùng đất này cũng không giữ chân tôi được bao lâu. Vậy là tôi quyết định “Nam tiến” để tìm cơ hội đổi đời bằng nhiều nghề khác nhau như bán trái cây, làm công nhân”…

Xác định “có an cư mới lạc nghiệp”, khoảng đầu năm 2001, ông quyết định chọn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để khởi nghiệp. Với số tiền chắt chiu ít ỏi trong tay sau nhiều năm làm thuê, ông quyết định đầu tư vào trang trại chăn nuôi bò.

Nhưng hình như sự thất bại vẫn cứ đeo bám ông, bởi khi vừa mở trại được một thời gian thì dịch lở mồm long móng xuất hiện, đàn bò của ông chả mấy chốc đã “lụi” dần. Không chấp nhận thua cuộc, ông quyết định “dẹp” đàn bò để nuôi heo và gà. “Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên rất khó khăn, nhưng tôi vẫn không nản chí”, ông Khương chia sẻ.

Khi tỉnh Bình Dương mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, người đàn ông tự cho mình ít chữ ấy, quyết định ngày ngày cắp sách đi học, tối về lại lên mạng tìm tòi thêm.

Có được ít kiến thức cũng là lúc ông nhận thấy nuôi gà truyền thống bấp bênh, không ngần ngại ông Khương quyết định chuyển sang nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Năm 2017, ông Khương quyết định vay mượn người thân, bạn bè đầu tư chuồng trại.

Có duyên với gà lạnh

Theo ông Khương, mô hình nuôi gà đẻ ứng dụng công nghệ cao là thay đổi từ trại hở sang trại kín, có hệ thống máy lạnh, hệ thống dẫn thức ăn, dẫn nước làm mát.

Do đó sẽ giảm thiểu vấn đề dùng kháng sinh, đặc biệt không cần nhiều công nhân, nếu thời gian nuôi bằng mô hình nuôi gà hở cần đến 60 ngày thì với trại lạnh, chỉ cần 52 ngày là có thể cho xuất bán gà thịt.

Hiện trang trại của ông có diện tích khoảng gần 30.000m2, được đầu tư, xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn sinh học, nuôi gà đẻ theo quy trình khép kín, với đàn gà hơn 400.000 gà thương phẩm và 40.000 gà bố mẹ, bình quân mỗi ngày, đàn gà bố mẹ cho 15.000 - 17.000 trứng.

Những quả trứng to và đẹp sẽ được ông Khương chọn để đưa vào máy ấp nhằm cho ra đàn gà giống có sức đề kháng và sự phát triển tốt. Hiện ông Khương đã đầu tư 12 máy ấp hiện đại để sản xuất gà giống.

Thời gian cao điểm khi chưa có dịch bệnh, trại gà lạnh của ông nuôi 600.000 con gà thương phẩm, 1 tháng xuất 20.000 con, trung bình xuất 900 tấn gà/tháng.

Nhằm bảo đảm bao tiêu đầu ra cho nguồn gà thương phẩm, hiện ông Khương đang liên kết với 2 công ty trên địa bàn. “Ngành nông nghiệp hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đây là cơ hội cho nông dân tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, chi phí rẻ”, ông Khương chia sẻ.

Năm 2021, mặc dù thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến thị trường, khiến giá gà xuống thấp, giá thức ăn tăng cao, khiến trại gà bị lỗ trong những tháng dịch bệnh.

Tuy nhiên, doanh thu của trại vẫn đạt 90 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022 sẽ đạt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao trong mô hình chăn nuôi nói chung và gà lạnh nói riêng là “chìa khóa” để “mở cánh cửa” mới cho nông dân.

Ngoài ra theo ông Khương, hiện mô hình nuôi gà lạnh chưa được áp dụng nhiều tại Bình Dương và người dân nếu có điều kiện thì nên đầu tư vào mô hình này.

Theo ông Khương, mô hình này mặc dù đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên để theo nghề, người nông dân không chỉ cần vốn mà phải có chút am hiểu về chăn nuôi.

Khi đặt câu hỏi: “Thành công của ông hôm nay bắt nguồn từ những yếu tố gì” ? Ông Khương trả lời: “Đó là kết quả sau những lần thất bại, và sự tự tìm tòi học hỏi không ngừng qua nhiều kênh khác nhau”.

Sự thành công của ông Đinh Ngọc Khương đã được nhiều người dân địa phương và các tỉnh lân cận biết đến, đã có rất nhiều người tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm về chăn nuôi gà mô hình gà lạnh.

Hiện trại gà của ông đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương. Ông cũng đã truyền nghề cho hàng trăm người đến từ các tỉnh khác nhau trên cả nước.

“Ai tìm đến tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, truyền hết những gì mình học và đúc kết được. Bởi theo tôi, thành công của mình hôm nay nếu biết chia sẻ cho người khác thì thành công đó mới có giá trị”, ông Khương cho biết./.

Thành Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này