Công nhân vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội

08:39 | 16/05/2022
Thực tế cho thấy công nhân tỉnh lẻ khó mua nhà, kể cả nhà ở xã hội, bởi lẽ tiền lương không đủ để họ đảm bảo cho cuộc sống của cả gia đình ở thành phố. Thậm chí, dù có thâm niên làm công nhân hơn 10 năm.
Dần mở nút thắt cơ chế nhà ở và nhà ở xã hội cho công nhân Phải có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân

Khó chờ đến tuổi hưu

Anh Công (sinh năm 1981, quê Hà Tĩnh) làm công nhân ở Khu Công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được 13 năm. Hơn chục năm gắn bó với công ty, với thành phố, anh vẫn quyết tâm làm một vài năm nữa rồi về quê với vợ con.

Anh Công hiện thuê trọ một mình tại thôn Mai Châu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh). Khi chưa có gia đình, anh Công từng có suy nghĩ sẽ mua nhà ở Hà Nội. Song, đến khi có 2 con nhỏ, vợ anh nghỉ hẳn việc để về quê chăm con, anh mong muốn mua nhà nhưng không thể thực hiện được.

Công nhân vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội
Xóm trọ anh Công thuê gần 10 năm nay tại Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hương Hạnh

Về quê, vợ xin làm công nhân với mức lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng, không được tăng ca. Nếu tính tổng thu nhập của 2 vợ chồng cũng chỉ ngót nghét 15 triệu đồng/tháng.

“Số tiền này chỉ đủ chi tiêu, nhiều khi còn thiếu hụt. Tôi làm công nhân lâu năm lương cơ bản cao còn không thể mua nhà, nói gì đến những người mới làm được vài năm” - anh Công cho biết.

Phòng trọ anh Công thuê có giá 500.000 đồng/tháng, cả tiền điện nước hết khoảng 700.000 đồng. Làm công nhân hơn 10 năm, lương cơ bản của anh là 7,4 triệu đồng/tháng, tính cả phụ cấp, anh nhận 9 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca, làm thêm, anh Công nhận khoảng 11 triệu đồng/tháng. Số tiền này, anh chắt bóp chi tiêu để gửi về cho vợ con 7-8 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi về dự định tương lai, anh lắc đầu, nói: “Làm 1-2 năm nữa rồi nghỉ thôi. Sống ở trên này không thể ở trọ mãi được. Tôi định lấy bảo hiểm xã hội 1 lần rồi về quê chăn nuôi hoặc kinh doanh. Chắc được khoảng 100 triệu đồng”.

Lấy vợ muộn năm 36 tuổi, con mới được 4 tuổi nên nam công nhân này càng mong muốn về quê sớm với vợ con, ổn định gia đình. “Sau này có tuổi, yếu đi, sức khỏe ngày một kém, không ai người ta tuyển mình nữa. Dù có gắn bó với công ty lâu đến đâu thì cũng phải tìm cho mình một con đường đi. Bây giờ đi hỏi 10 công nhân, có mấy ai có thể ở lại làm đến lúc đủ tuổi hưu”, anh Công nói.

Suất lương chia nhỏ

Cả 2 vợ chồng anh Bùi Văn Mến (quê Hoà Bình) đều làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long 14 năm nay. Học hết lớp 9, anh Mến xin theo công trình 3 năm rồi mới xin làm trong nhà máy. Lập gia đình, anh chị có 2 mặt con, bé gái Ngọc Anh 7 tuổi, bé trai 4 tuổi tên Văn Tiến. Cả gia đình đều đang thuê trọ ở gần khu công nghiệp, trung bình mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng thuê nhà (bao gồm điện, nước).

Có thâm niên lâu năm, thu nhập của anh Mến và vợ được hơn 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này, anh Mến chia 3 triệu đồng cho con học; 5 triệu đồng ăn uống; 1 triệu đồng hiếu, hỉ; 400.000 đồng xăng xe; tiền nhà; sữa,... tính sơ sơ cũng mất một suất lương.

“Suất lương còn lại phải đề phòng lúc ốm đau, sắm sửa thêm cho gia đình, tính ra lương của chúng tôi không nhằm nhò gì so với mức sống hiện nay” - người bố 2 con nói.

Anh Mến bảo, bao năm làm công nhân cũng tích cóp được vài trăm triệu đồng. Anh cũng đã lên kế hoạch vay thêm ngân hàng, mua một căn nhà ở xã hội để cả gia đình có thể an cư, con cái có điều kiện phát triển.

“Nhưng khó lắm, mình không có phần” - nam công nhân cho hay. Ở lại không được, các con ngày một lớn, anh Mến nhiều lần bàn với vợ, bao giờ con gái lớn học đến giữa cấp 2, cả gia đình sẽ về quê. “Ít ra về quê còn có nhà của ông bà để tá túc” - anh Mến chia sẻ.

Theo Lương Hạnh - Minh Hương/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/cong-nhan-van-kho-tiep-can-nha-o-xa-hoi-1045277.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này