Phúc Thọ: Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

16:53 | 11/05/2022
(LĐTĐ) Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phúc Thọ vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân và Bưu điện thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ba Vì trên chặng đường phát triển bứt phá Hà Nội đã huy động trên 30.820 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới Công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới

Thông tin tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là nền tảng, giữ vai trò, vị trí quan trọng và là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phúc Thọ. Việc ứng dụng công nghệ số được xem là chìa khóa mở ra tương lai mới cho nông nghiệp, chấm dứt mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị kéo dài nhiều năm qua.

Phúc Thọ: Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Phúc Thọ.

Được sự quan tâm của Trung ương, Thành phố, sự hướng dẫn của các sở, ngành và sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tế, tinh thần học hỏi không ngừng của người dân, đến nay huyện Phúc Thọ có 20/20 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện được Trung ương công nhận Huyện nông thôn mới năm 2020.

Từ năm 2019-2021, huyện có 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao; nhiều mô hình sản xuất an toàn được triển khai, nhân rộng như: vùng sản xuất rau an toàn 480 ha tại các xã Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc và Vân Phúc; 30 ha bưởi sản xuất theo hướng VietGAP tại các xã Vân Hà, Hiệp Thuận; 15,2 ha rau VietGAP tại các xã Xuân Đình, Hát Môn, Thanh Đa, Võng Xuyên, Thọ Lộc và 6 ha chuối VietGap tại Vân Nam; hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn; nhiều nông sản sạch địa phương đã được công nhận nhãn hiệu...

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của huyện, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến với môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, đưa Phúc Thọ trở thành vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội.

Xuất phát từ thực tiễn đó, đòi hỏi phải có nhận thức, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hơn nữa cả về quy mô, chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của huyện. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài ứng dụng khoa học công nghệ, người sản xuất còn phải tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, cách nghĩ mới, cách làm mới để hòa nhập với xu thế phát triển của kinh tế thị trường. Chính vì vậy, chuyển đổi số và liên kết sản xuất rất cần được chú trọng và phát triển.

Tại hội nghị, đại biểu đã nghe các chuyên gia giới thiệu về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; chuyển đổi số trong hợp tác xã nông nghiệp, trang trại; giới thiệu về nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giới thiệu, hướng dẫn tạo tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử; chia sẻ, phát biểu về việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp…

Trong khuôn khổ Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Thành phố, đại diện lãnh đạo huyện Phúc Thọ và các đơn vị có liên quan đã thực hiện ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp với 12 Hợp tác xã Nông nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu biểu trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Mạnh Quân - Phương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này