Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người

09:28 | 06/05/2022
(LĐTĐ) Chiều 5/5, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến "Truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến Em Vui nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người: Hành động của cơ quan báo chí - truyền thông".
Khởi tố các đối tượng trong đường dây chuyên lừa bán thiếu nữ vào phục vụ quán karaoke Ra mắt nền tảng trực tuyến hướng đến nhóm thanh thiếu niên dân tộc thiểu số Nâng cao nhận thức phòng, chống buôn người

Mục tiêu của hội thảo nhằm giới thiệu nền tảng Em Vui tới các cơ quan báo chí – truyền thông và phát động chương trình “100 thông điệp về nạn buôn người, nạn tảo hôn, về dự án và về nền tảng Em Vui được báo chí truyền thông” với sự chung tay của các cơ quan truyền thông và mạng xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc dự án Em Vui, chia sẻ: Thông qua Hội thảo này Dự án mong muốn được chung tay với các phóng viên và các cơ quan truyền thông tích cực lan tỏa những thông điệp mạnh mẽ đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ và toàn xã hội đẩy lùi nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người.

Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người
Một nội dung tuyên truyền trên nền tảng Em Vui.

Được biết, nền tảng Em Vui là không gian kỹ thuật số nhằm trang bị cho thanh thiếu niên nam nữ dân tộc thiểu số kiến thức và kỹ năng để các em có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người.

Nền tảng Em Vui được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy với nhiều thông tin bổ ích và lý thú để các bạn thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu và chia sẻ kiến thức; nền tảng Em Vui còn là một không gian mở hướng đến sự kết nối và thu hút sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng sử dụng và lan tỏa các thông điệp, kiến thức hữu ích cho các bạn thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan của Chính phủ.

Đáng chú ý, nền tảng này bao gồm 1 website tại: https://emvui.vn, 1 ứng dụng điện thoại có thể tải về từ kho ứng dụng CH Play và App Store, 6 kênh mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter đều có tên là Dự án Em vui.

Trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày có gần 150 lượt truy cập, trong đó đa phần là các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án.

Tính đến ngày 30/4, Nền tảng trực tuyến Em Vui đã có hơn 40 video và tài liệu về các kiến thức liên quan đến an toàn trên mạng, sức khoẻ sinh sản, phòng chống tảo hôn và mua bán người… 1.342 người đăng ký thành viên; 28.000 lượt truy cập; hơn 32.000 lượt tương tác, bình luận, tham gia các bài học, tải tài liệu; 6 kênh mạng xã hội của Em Vui đã đăng tải gần 165 bài, thu hút được nhiều sự quan tâm của những người tham gia mạng xã hội trên cả nước.

Là một trong những đối tượng được thụ hưởng, em H.T.N, người Vân Kiều ở Quảng Bình, cho biết: “Em và nhiều bạn đang sử dụng ứng dụng Em vui hơn 2 tháng qua. Những phim truyện tranh trên Em vui rất hay, dễ hiểu, giúp chúng em dễ dàng học các kiến thức về phòng chống tảo hôn, mua bán người và nhiều kiến thức bổ ích khác. Nhờ vậy, giờ em có thể tự tin không sợ bị kẻ xấu lợi dụng”.

Nền tảng Em Vui là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) do Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ, được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp thực hiện với Tổ chức Plan International tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và các cơ quan khác. Dự án được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm từ 2020 đến 2023. Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ các em nam nữ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu các kiến thức về phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người, an toàn trên mạng, sức khoẻ sinh sản… cũng như tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này