Khi tự vượt qua chính mình

13:10 | 05/05/2022
(LĐTĐ) Từ một đứa trẻ mồ côi, rồi trở thành tay giang hồ khét tiếng ở miền Trung vào thập niên 90, nhưng Hùng “sầu” đã trải qua một quá trình hoàn lương đầy bão bão táp, đến nay trở thành một nghệ nhân điêu khắc có tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và khu vực Tây Nguyên.
Vượt qua “cái chết trắng” làm lại cuộc đời “Ngôi nhà” của những mảnh đời hoàn lương

Khi ông trùm hoàn lương

Ở ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM), không ai là không biết đến Lê Thừa Dương Hùng (50 tuổi, quê Quảng Trị), nổi tiếng với biệt danh Hùng “sầu”. Bởi lẽ, Hùng “sầu” không chỉ được biết đến là một tay giang hồ khét tiếng trước đây, nay đã “rửa tay gác kiếm” để trở thành một ông chủ của một xưởng gỗ đang cưu mang, dạy nghề cho những phận đời lầm lỗi muốn làm lại cuộc đời.

Khi tự vượt qua chính mình
Hùng “sầu" mở xưởng gỗ đào tạo những phận đời lầm lỗi để tương lai không đi vào vết xe đổ của mình.

Khi sinh ra, Hùng là một đứa trẻ không cha, lên 3 tuổi mẹ đi thêm bước nữa. Trong suốt 6 năm sau đó, Hùng phải sống trong những chuỗi ngày roi vọt “thừa sống thiếu chết” của cha dượng. Lên 9 tuổi, không chịu nổi cảnh đòn roi, Hùng bỏ nhà trốn vào Huế, bắt đầu những chuỗi ngày sống lay lắt ở “đầu đường xó chợ”. Cũng từ đó, hành trình tội lỗi của Hùng cũng bắt đầu. Lên năm 12 tuổi, Hùng được nhận vào một băng nhóm chuyên đi bảo kê, đòi nợ thuê. Sau vài năm được “đào tạo” bài bản bởi những đàn anh khét tiếng, năm 15 tuổi, Hùng “sầu” lần đầu tiên có cho mình “thành tích” với án phạt 18 tháng đi cưỡng bức lao động vì tội “Cố ý gây thương tích”.

“Tuổi thơ của tôi không tốt đẹp gì, tính chai lì khiến tôi trở nên vô cảm và làm việc xấu để giải tỏa nỗi buồn của mình. Tôi trách cuộc đời vì sao không được như người khác, vì sao họ có mẹ có cha nhưng tôi lại không có ai đùm bọc. Tôi không có giây phút nào thực sự vui vẻ, suốt ngày u sầu nghĩ về cuộc đời. Từ đó, anh em trong băng nhóm mới gọi tôi là Hùng “sầu”…”, ông Hùng kể.

Năm 1992, khi đang ở tuổi 19, Hùng bị bắt vì tội “Cố ý gây thương tích” và bị kết án 2 năm tù. Ở tù được 21 ngày, Hùng trốn trại và bị phát lệnh truy nã toàn quốc, sau đó trốn qua Campuchia và Lào, rồi cuối cùng bị bắt vào năm 1998 khi đang hoạt động trong một băng nhóm khét tiếng ở ngã tư An Sương (TP.HCM) và cuối cùng bị kết án 3,5 năm tù.

“Ở trong tù tôi đã suy nghĩ rất nhiều, có lúc định trốn nhưng nếu trốn rồi thì sau này cũng không thoát. Hơn nữa khi ra tù không có việc làm rất dễ quay lại đường cũ. Tôi lúc đó rất khao khát tự do, khao khát được làm lại cuộc đời”, ông Hùng nói.

Năm 2000, khi được ra tù sớm, Hùng quyết tâm hoàn lương để làm lại cuộc đời, mà bước đầu tiên chính là cai nghiện ma tuý. Nghĩ là làm, Hùng thuê một căn phòng trọ phía sau chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM), mua đầy đủ thức ăn, đồ uống, nhờ người thân khoá cửa ngoài rồi bắt đầu những chuỗi ngày cai nghiện. Sau 22 ngày vật lộn, Hùng đã cai nghiện thành công và đi tìm việc làm không lâu sau đó.

“Có lần chạy đi tìm việc ở trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) thì thấy mấy người thợ đang điêu khắc gỗ, thấy họ làm đẹp quá nên tôi cũng mê. Với nghề này không cần bằng cấp, chỉ cần có sức với kiên trì là làm được, nên tôi quyết tâm theo nghề này”, ông Hùng kể.

Nhưng với tiếng tăm của Hùng “sầu”, không ai dám nhận vào làm, vì họ không tin một tay xã hội đen lại vào xưởng gỗ để hoàn lương sau khi ra tù. Hết cách, Hùng tìm mua đồ nghề rồi về tự học điêu khắc ở nhà. Trong thời gian đầu, ông tìm cách đi học lỏm ở nơi khác, rồi hỏi nhiều thợ điêu khắc về các kỹ thuật trong nghề. Suốt 9 tháng tập tành với hàng trăm khúc gỗ lớn nhỏ, từ những hình thù thô kệch, xấu xí vào những ngày đầu, Hùng đã nâng cao tay nghề và cho “ra lò” những bức tượng rõ nét, sắc sảo hơn.

Cưu mang phận đời lầm lỗi

Năm 2001, Hùng được nhận vào làm trong một xưởng gỗ ở huyện Hóc Môn, từ đó tay nghề của ông cũng được rèn dũa bài bản hơn. Nghề điêu khắc như một cái duyên, chỉ sau 3 tháng làm việc, Hùng được thăng chức lên làm kỹ thuật trưởng, vị trí vốn chỉ dành cho những người thợ mộc lâu năm.

Sa ngã trong cuộc đời do hoàn cảnh đẩy đưa là điều khó tránh khỏi đối với không ít người, tuy nhiên điều quan trọng, sau cú ngã làm sao để vượt qua chính mình vươn lên tạo dựng cuộc sống cho mình bằng những việc làm chân chính và nếu có điều kiện thì giúp đỡ mọi người. Qua câu chuyện về cuộc đời của ông Lê Thừa Dương Hùng cũng là gương để những ai trót bước chân vào con đường lầm lỡ, hãy tỉnh dậy vượt qua bóng tối, sớm hoàn lương nhằm sống có ích cho gia đình và xã hội.

Khi công việc đã đi vào quỹ đạo, Hùng bắt đầu đi tìm lại những nạn nhân của mình trước đây để xin lỗi, như là một cách để rũ bỏ hết sự dằn vặt trong tâm trí của ông. Suốt 4 năm đi từ Bình Phước rồi về Huế để tạ lỗi với những nạn nhân của mình, Hùng bị đánh bao nhiêu lần không xuể, lần nào ông cũng không tránh né mà gồng mình chịu đựng. Vì ông biết, những trận đòn đó sao bằng nỗi đau mà mình đã gây ra cho gia đình họ.

Năm 2005, Hùng tích góp được 47 triệu đồng để mở Cơ sở điêu khắc Tịnh Tín (ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM), sau đó mua máy móc, vật dụng rồi đưa 6 học trò ngỗ nghịch ở quê vào dạy nghề.

“Tôi để bảng dạy nghề miễn phí trước xưởng, đặc biệt ưu tiên những trẻ mồ côi, những người từng đi tù về. Tôi không lấy học phí, bao cả ăn ở. Tôi không muốn xã hội có thêm những ông trùm khác, mấy chục năm cuộc đời tôi thấu hiểu hết rồi”, ông Hùng tâm sự.

Những năm đầu mở xưởng, ông Hùng phải tự mình đi mời chào sản phẩm khắp các quận huyện ở TP.HCM, có lúc phải chịu bán lỗ để có tiền tiếp tục duy trì hoạt động của xưởng. Lúc đó, những người cùng ngành ai cũng chê cười ông, không tin rằng, một xưởng mộc toàn là những kẻ từng vào tù, ra trại, bàn tay làm không ít việc ác lại có thể tạo ra những pho tượng tinh xảo.

Dẹp bỏ những lời dèm pha, Hùng cùng những người học trò đã chứng minh thực lực của mình với những sản phẩm có chất lượng cao. Nhiều người đã tìm đến xưởng và sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để được sở hữu một bức tượng điêu khắc của Hùng. Đến nay đã gần 20 năm, uy tín của cơ sở điêu khắc của Hùng lan rộng ra khắp khu vực phía Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

“Sau khi lập Công ty mộc mỹ nghệ Dương Hùng vào năm 2014, đến nay công ty tôi đang là nhà thầu chính cho toàn bộ phần gỗ ở dự án Đại Tùng Lâm của tập đoàn Tôn Hoa Sen. Ngoài ra, tôi đang triển khai nhiều dự án lớn ở khu vực Tây Nam Bộ với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng”, ông Hùng phấn khởi chia sẻ.

Nhắc lại những lứa học trò thuở xưởng mộc còn sơ khai, ông Hùng xúc động kể: “Lúc đó vào ở với tôi còn khổ, nhiều đứa nó nghịch ngợm phá phách, tôi phải thường trực ở bên để tránh nó lại đi làm việc xấu. Có đứa phá làng phá xóm không được, nó lại phá máy móc của tôi, bây giờ nhìn mấy đứa đã thành đạt tôi cũng ấm lòng”.

Ông Hùng khoe, hiện những thế hệ học trò trước đó mà ông đã đào tạo này đều ra mở xưởng mộc riêng, có đứa thì mua nhà tiền tỷ, có đứa thì mua luôn cả xưởng mộc, cũng có người chuyển sang kinh doanh. Nhưng tất thảy, học trò của ông đều đã hoàn lương, không còn là những đứa trẻ ngỗ nghịch, quậy phá như lúc còn mới vào xưởng. Nhiều lúc gặp lại, thầy trò ông Hùng lại ôm nhau khóc nức nở, rồi ngồi bên nhau kể lại chuyện ngày xưa.

Tính đến nay, đã có hơn 300 con người lầm lỡ tuổi từ 11 đến hơn 30 đến xin ông dạy nghề. Trong số đó cũng có người do gia đình không “trị” được nên phải mang con đến xin ông Hùng cưu mang, giúp đỡ. Vì những việc làm ý nghĩa đó, ông đã nhận được rất nhiều bằng khen của TP.HCM và Bộ Công an trong công cuộc giúp đỡ những người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng./.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này