Vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, sử dụng tài sản công gây bức xúc trong nhân dân

16:44 | 25/04/2022
(LĐTĐ) Vẫn còn xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn: Phải tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất Chiến dịch Giờ trái đất: Nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021.

Kết quả đạt được chưa cao

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhìn tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ.

Tuy nhiên, có lúc, có nơi, có việc còn bất cập, kết quả đạt được chưa cao; kết quả THTK, CLP trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể như việc ban hành văn bản quy định chi tiết về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực để có hiệu lực đồng thời với văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để.

Vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, sử dụng tài sản công gây bức xúc trong nhân dân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trinh bày báo cáo của Chính phủ. (ảnh: Quốc hội)

Vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả còn thấp nhất là trong nông nghiệp; tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên, vi phạm về môi trường vẫn còn xảy ra...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, Thường trực Ủy ban thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ và cho rằng, trong bối cảnh năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước, vốn tại doanh nghiệp là 72.068 tỷ đồng, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc chậm ban hành Chương trình tổng thể THTK,CLP của Chính phủ hằng năm và 5 năm đã ảnh hưởng đến tiến độ và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành Chương trình THTK,CLP của các bộ, ngành, địa phương.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

Mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, nhưng nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn diễn biến phức tạp.

Vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, sử dụng tài sản công gây bức xúc trong nhân dân
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh trình bày báo cáo thẩm tra. (ảnh: Quốc hội)

Việc chậm phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu; gây lãng phí lớn về nguồn lực NSNN và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022...

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch đất đai còn chậm; tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai; còn tình trạng vi phạm trong việc xác định giá đất.

“Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí ngân sách Nhà nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tập trung điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các "nút thắt, điểm nghẽn" chưa có quy định chi tiết, hoặc chưa hướng dẫn cụ thể; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ; chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện pháp luật về THTK,CLP...

Vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, sử dụng tài sản công gây bức xúc trong nhân dân
Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: Quốc hội)

Xác định rõ ràng trách nhiệm của tập thể và cá nhân

Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến thành viên Thường vụ cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, cũng như đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Góp ý vào báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác THTK, CLP. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu phải nói thẳng, không giấu giếm, tốt thì biểu dương, kém thì phê bình, kiểm điểm; không nói một số nơi một số bộ, ngành, mà cần nêu đích danh. Với kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cũng phải nêu rõ, cụ thể vấn đề cần kiến nghị...

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với năm 2020 có một số tiến bộ, với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra, nhưng cần cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong đó lưu ý các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa; Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu; Nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng…

Đồng thời, cụ thể thêm các bộ, ngành, địa phương, các điển hình thực hiện tốt và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt theo 7 lĩnh vực của Luật THTK, CLP và xác định rõ ràng trách nhiệm của tập thể và cá nhân; bổ sung số liệu tình hình để nêu rõ những lĩnh vực cần phải có giải pháp quyết liệt để tiết kiệm, chống lãng phí...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này