Không ngừng nâng cao chất lượng sống công nhân

09:04 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Mặc dù còn nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ), đặc biệt là CNLĐ ngoại tỉnh trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có nhiều đổi thay tích cực. Nhu cầu về nhà ở, nơi gửi trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa thể thao, cơ sở hạ tầng từng bước được đáp ứng. Điều này có được là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và Công đoàn Thành phố, thể hiện rõ nét nhất trong việc hằng năm lãnh đạo Thành phố và Công đoàn đều phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với CNLĐ.
Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động Tổ chức Chương trình “Đối thoại tháng 5” - Tháng Công nhân năm 2022 Lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ gặp gỡ, đối thoại với công nhân

Đời sống công nhân có nhiều đổi thay

Tôi tới thăm nhà trọ của CNLĐ Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long trong những ngày “bình thường mới” sau thời gian bị xáo trộn nhiều bởi đại dịch Covid-19. Chia sẻ với phóng viên, nhiều công nhân cho biết, hai năm qua, đời sống CNLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng đã được cải thiện đáng kể do được các cấp ủy, chính quyền Thành phố và tổ chức Công đoàn thường xuyên quan tâm.

Không ngừng nâng cao chất lượng sống công nhân
Công nhân nêu tâm tư, nguyện vọng tại một hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với công nhân lao động.

“Khái niệm “công nhân 3 không” đã xa lắm rồi. Khoảng chục năm trước đây thì đúng là sau giờ tan ca, công nhân ngoại tỉnh chỉ biết về phòng trọ tán gẫu với bạn bè hoặc đi ngủ sớm, không sách báo để đọc, không có ti vi, mạng internet để xem tin tức, nhưng từ khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng một điểm sinh hoạt văn hóa công nhân (năm 2014) ở ngay trong khu nhà ở công nhân, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như dàn âm thanh, máy vi tính có kết nối internet, tủ sách, báo, tạp chí, sân bóng bàn, cầu lông, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao thì sau giờ làm việc, công nhân đã có địa điểm lui tới để chơi cầu lông, bóng bàn hoặc đọc báo, vào mạng internet đọc tin tức”- công nhân Nguyễn Hồng Nhung, ở trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết.

Cùng với phấn khởi vì được chăm lo về đời sống tinh thần, nhiều công nhân khác chia sẻ niềm xúc động trước sự quan tâm của Thành phố tới nhu cầu thiết yếu của những công nhân có con nhỏ là có được trường mầm non cho con em mình.

“Trước đây, công nhân ở trọ rất vất vả trong việc tìm trường, lớp mầm non gửi con để đi làm, nhưng khoảng từ năm 2015 tới đây, điều đó đã giảm đáng kể. Lý do là Trường Mầm non Kim Chung (cơ sở 2) được Thành phố khánh thành, đưa vào sử dụng đã trở thành nơi gửi gắm con em tin cậy và phù hợp cho công nhân”- một công nhân tên Hằng cũng trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung cho biết.

Không chỉ Nhung và Hằng, nhiều công nhân khác khi được hỏi cũng cho biết, được sự quan tâm của chính quyền, tổ chức Công đoàn và các ban, ngành, đoàn thể Thành phố, những đổi thay tích cực đang dần hiện hữu trong các khu công nghiệp nói chung, đời sống vật chất tinh thần của công nhân nói riêng. Có thể thấy rõ điều này khi đi tham quan các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn Thành phố. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trong hầu hết các khu công nghiệp đã được xây dựng, chỉnh trang; cầu đi bộ dành cho công nhân tại một số khu công nghiệp đã được khánh thành, các tuyến xe buýt tới khu công nghiệp cũng được vận hành, giúp cho công nhân sinh hoạt được thuận tiện hơn. Nhiều khu nhà ở cho công nhân đã và đang được xây dựng hứa hẹn sẽ phục vụ tốt hơn về chỗ ở cho công nhân lao động.

Tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết vướng mắc

Đề cập tới thay đổi về chất và lượng trong đời sống CNLĐ, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, với vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động, thời gian qua, LĐLĐ Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hướng về cơ sở, về người lao động. Trong đó, LĐLĐ Thành phố đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân Thành phố với nhiều nội dung quan trọng, đồng thời tăng cường việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, hội nghị đối thoại giữa chính quyền Thành phố với CNLĐ, coi đây là một “kênh” hiệu quả để lãnh đạo Thành phố nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe tiếng nói công nhân.

Sau hai năm không tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với CNLĐ Thủ đô năm 2022 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 12/5 tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long với sự tham gia của 250 đại biểu, trong đó có 150 công nhân, 10 đại diện doanh nghiệp và 20 Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.

Hội nghị sẽ đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công nhân; tiếp thu giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đội ngũ công nhân với lãnh đạo Thành phố; đánh giá khái quát tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt các Khu Công nghiệp và Chế xuất; những đề xuất, kiến nghị của các cấp Công đoàn, đoàn viên, người lao động với lãnh đạo Thành phố; trao đổi giữa các Sở, ban, ngành Thành phố với các đại biểu về những nội dung có liên quan...

Theo đó, Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với CNLĐ được Ủy ban nhân dân Thành phố và LĐLĐ Thành phố phối hợp tổ chức trực tiếp hàng năm, nhân dịp Tháng Công nhân, tại các Khu Công nghiệp và chế xuất của Hà Nội hoặc Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô với nội dung, phương thức tổ chức thiết thực cùng không khí cởi mở, gần gũi và tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo Thành phố.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân và LĐLĐ Thành phố, tính từ năm 2016 đến nay, đã có 5 hội nghị được tổ chức, có 112 lượt CNLĐ và đại biểu dự hội nghị trực tiếp phản ánh ý kiến với 156 nội dung được đề cập. Ngoài ra, có 639 ý kiến kiến nghị bằng văn bản của CNLĐ gửi đến lãnh đạo Thành phố. Các ý kiến, kiến nghị của CNLĐ tập trung về các vấn đề như: Đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng các Khu công nghiệp, giao thông vận tải, quy hoạch xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa công nhân, khu vui chơi cho trẻ em, nhà xã hội bán cho CNLĐ; giá điện, nước sinh hoạt; vấn đề môi trường; tình hình an ninh trật tự; việc thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ tai nạn lao động cho CNLĐ; bán hàng bình ổn giá; đời sống, việc làm của CNLĐ; giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và người lao động …

Đối với các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị đối thoại, các đồng chí lãnh đạo Thành phố đã trực tiếp trả lời và có hướng giải quyết ngay đồng thời, ngay sau các cuộc đối thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cũng ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan giải quyết các đề xuất của CNLĐ.

Thông qua các hội nghị đối thoại, các đề xuất, kiến nghị của CNLĐ đã được các cấp, các ngành của Thành phố triển khai thực hiện ngay như: Sửa chữa các hạng mục hư hỏng, xuống cấp tại khu nhà ở cho công nhân khu Kim Chung, huyện Đông Anh; sửa chữa đường giao thông cục bộ úng ngập tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai; lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường trong các khu công nghiệp...

Cùng với Thành phố, ở cấp quận huyện, trong giai đoạn 2016-2020, LĐLĐ và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cũng phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã với CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn; đối thoại về chính sách đối với CNVCLĐ trên địa bàn.

Thông qua đối thoại, các cấp chính quyền Thành phố đã khẳng định được sự quan tâm đối với CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn, đồng thời giúp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương nắm bắt, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, từ đó có kế hoạch chỉ đạo giải quyết kịp thời, tránh bức xúc, khiếu kiện, đình công xảy ra, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của CNLĐ và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này