Cơ hội vươn lên tầm cao mới

19:26 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Hơn 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011), 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống đã được phê duyệt và công bố rộng rãi trong nửa đầu tháng 4 vừa qua chính là những mảnh ghép cuối để Hà Nội hoàn thành việc lập, phê duyệt 100% đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Đây là chính là tiền đề cho nhiều cơ hội mới, diện mạo mới để Thủ đô phát triển xứng tầm, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân.
Giải trình làm rõ trách nhiệm chậm lập quy hoạch đô thị vệ tinh Quy hoạch đô thị phải đáp ứng nhu cầu phát triển

Dấu ấn một chặng đường

Trong những năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo, thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách; xây dựng chiến lược, kế hoạch tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch theo thứ tự, tầng bậc, bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng hạ tầng khung làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch được thực hiện theo thứ tự, tầng bậc, làm cơ sở cho quản lý phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Kinh tế đô thị từng bước khẳng định được vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, gia tăng giá trị lao động tại mỗi vùng và cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Cơ hội vươn lên tầm cao mới
Hà Nội đang có cơ hội mới để phát triển xứng tầm.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, tính đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng lớn các quy hoạch. Cụ thể, đã phê duyệt 33/33 đồ án quy hoạch chung; 33/35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị; 32/32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện. Tỷ lệ diện tích phủ kín của quy hoạch xây dựng đạt 95,05%. Các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù được đồng bộ triển khai. Các quy hoạch lập mới và điều chỉnh từng bước đã giải quyết được các vướng mắc trong quá trình đầu tư, tạo thuận lợi cho cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị, nông thôn.

Đáng chú ý, bước sang năm mới 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu sông Đuống đồng thời tổ chức công bố theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, cơ quan thường trực Chương trình số 05-CTr/TU đã triển khai các nhiệm vụ chính trị trọng tâm gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị.

Giờ đây, các đồ án Quy hoạch chung đô thị đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt đảm bảo phủ kín 100%, bao gồm cả giao thông tĩnh, không gian ngầm, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc 4 quận nội đô, quy hoạch các phân khu… những quy hoạch này góp phần không nhỏ tháo gỡ khó khăn cho Thành phố.

Văn minh, hiện đại và phát triển bền vững

Là một trong những địa bàn chịu nhiều tác động của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hai phường Chương Dương và Phúc Tân có diện tích rộng 173ha, dân số 28.000 người. Đây là hai phường có quỹ đất rộng và đông dân nhất quận nhưng hạ tầng lại đang rất xuống cấp, nhất là các tuyến đường giao thông. Do đó, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ sở thuận lợi để quận Hoàn Kiếm tiếp tục nghiên cứu tái thiết bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực ngoài bãi sông Hồng.

Thực tế, theo số liệu thống kê, trong phạm vi quy hoạch hai bên sông Hồng hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ), hai bên sông Đuống có khoảng 14.000 người (khoảng 3.808 hộ). Đây chính là cơ sở pháp lý để thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng. Nội dung này có ý nghĩa hết sức thiết thực để ổn định đời sống nhân dân khu vực ngoài đê, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân nhiều năm nay.

Đặc biệt, cả hai đề án cũng đều nhấn mạnh trọng tâm bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông. Theo đó, với phân khu đô thị sông Hồng, ngoài phát triển 3 không gian chủ đạo, Thành phố định hướng khai thác thềm cảnh quan ở những khu vực xen kẹt bởi đặc điểm của khu vực ngoài bãi sông là có các thềm cảnh quan có thể kết hợp thành công viên hay tiện ích để phục vụ người dân. Đây là quỹ đất tốt có thể khai thác, bổ sung cho chức năng còn hạn chế ở khu vực nội đô lịch sử cũng như khu vực đô thị mở rộng. Với sông Đuống, hiện cơ bản phát triển theo hướng các vùng nông nghiệp sinh thái, là nguồn động lực hỗ trợ cho các khu đô thị mới phát triển ở quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Là người gắn bó với Quy hoạch đô thị nhất là Quy hoạch Thủ đô khi từng đảm nhiệm chức vụ Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là thời điểm quan trọng khi Thành phố đang thực hiện đồng bộ khối lượng công việc lớn liên quan đến quy hoạch. Do đó trong quá trình lập quy hoạch, các cấp, ngành phải quán triệt phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả” từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý./.

Để quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống khi triển khai đạt được hiệu quả, mục tiêu đề ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý chặt chẽ bảo vệ đê điều, kè, bờ sông, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch. Bên cạnh đó cần có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ theo quy định, không để phát sinh thêm về diện tích đất ở, số hộ dân sinh sống ngoài đê, ngoài quy hoạch. Đồng thời rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực dòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bị sạt lở nguy hiểm theo quy định.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này