“Thăng Long tứ trấn” nơi lắng hồn núi sông ngàn năm

10:01 | 19/04/2022
(LĐTĐ) Cụm di tích “Thăng Long tứ trấn” gồm đền Kim Liên, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh và đền Voi Phục đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đó là sự ghi nhận, vinh danh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của 4 di tích trên, góp phần tạo dựng những nét độc đáo, đặc sắc riêng của mảnh đất Thăng Long -Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Rộn ràng lễ hội truyền thống đền Kim Liên Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích "Quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên" Thăng Long tứ trấn được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Vừa qua, tại đền Kim Liên, quận Đống Đa đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Thăng Long tứ trấn” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trao.

Ngược dòng lịch sử, trong quá trình định đô, bên cạnh việc xây dựng trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, triều Lý còn đưa Thăng Long trở thành trung tâm lớn về tôn giáo của quốc gia Đại Việt. “Thăng Long tứ trấn” hay “Tứ trấn Thăng Long” là cụm từ thường dùng để chỉ bốn di tích, bốn ngôi đền linh thiêng, tiêu biểu trấn giữ bốn phương của kinh thành.

Tương truyền vào buổi đầu định đô ở miền đất này, với những đóng góp lớn lao của các vị thần cho vương triều Lý, bốn ngôi đền đã lần lượt được dựng lên: Phía Đông là đền Bạch Mã, thờ Thần Long Đỗ; phía Tây là đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang; phía Nam là đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn; phía Bắc là đền Trấn Vũ, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.

“Thăng Long tứ trấn” nơi lắng hồn núi sông ngàn năm
Người dân rước Bằng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn.

Bốn ngôi đền này cũng được coi là điểm giới hạn cho bốn phương vị Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long các thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn. Ngày nay, thuộc địa giới hành chính ba quận: Quận Đống Đa là đền Kim Liên; quận Hoàn Kiếm là đền Bạch Mã; quận Ba Đình là đền Voi Phục và đền Quán Thánh. Bởi vậy, từ suốt hơn một ngàn năm qua, trong không gian văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, các di tích thuộc Thăng Long tứ trấn, luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng.

Nằm ở phía Đông, đền Bạch Mã được khởi dựng dưới thời nhà Đường khi Cao Biền xây La thành vào năm 866. Sau đó, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010 nên được xây dựng lại.Đền được xây theo hình chữ Tam, bên ngoài là phương đình 8 mái.

Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là hệ thống mái hình vỏ cua (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc. Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tăng thêm không gian cho di tích, tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy của di tích so với nhiều di tích vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đền hiện còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17, có lẽ được bổ sung trong việc tu bổ và năm Chính Hòa thứ 8 (1687). Ngôi đền còn lưu giữ được 18 bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, 17 đạo sắc phong do triều đình nhà Nguyễn ban tặng, cùng nhiều đồ thờ tự quý khác.

Đền Voi Phục nằm về phía Tây thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), là nơi từ thờ thần Linh Lang - vị thần được tin là giúp nhà vua coi sóc sự an bình cho phía Tây Hoàng thành. Cổng nghi môn được làm dạng tứ trụ như những trục vũ trụ đem sinh khí từ tầng trên truyền xuống trần gian. Hai bên cổng có bia hạ mã và đôi voi chầu phục. Phía trước lối đi giữa là một giếng vuông mang ý nghĩa tụ thủy tụ phúc, nơi xưa kia lấy nước cúng. Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây “chạm tròn” bằng đá, một sản phẩm khoảng giữa thế kỷ XIX và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính được chạm nổi, mang nét chuẩn mực.

Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên ngày nay) và phố Quán Thánh trông ra hồ Tây, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xây theo kiểu nội “đinh”, ngoại “quốc”, ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán”, do vua Thiệu Trị ngự đề.

Điều đặc biệt ở đền Quán Thánh là ở hậu cung đặt pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm 1677. Pho tượng cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Tượng có đầu tròn, đội mũ ni, tai to, khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài… toát lên thần thái của một Đạo sĩ. Ngoài pho tượng đồng nổi tiếng trên, đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác: Chiếc khánh đồng từ thời Tây Sơn, đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng vạc đồng, lư hương đồng… và 52 bộ hoành phi câu đối từ các thời kỳ.

Đền Kim Liên được xây dựng trên một gò đất cao thuộc làng Kim Hoa vốn là một trong 36 phố phường hợp thành kinh đô Thăng Long đời Lê. Theo các tài liệu lịch sử, đền Kim Liên được khởi dựng từ thời Lý, thờ thần Cao Sơn đại vương - vị thần đã bảo hộ, phù trì giúp nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên trong cuộc sống.

Tại Đền hiện đang lưu giữ nhiều di vật, cổ vật hết sức quý giá, trong đó tiêu biểu nhất là bản gốc 33 đạo Sắc Phong của các vua nhà Lê, nhà Nguyễn (có Sắc Phong được ban tặng cách đây đã 402 năm) và tấm bia đá “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” do Thượng thư Bộ Lễ - Đông các Đại học sĩ Lê Tung phụng soạn vào năm Canh Ngọ (1510), nội dung ca ngợi công đức của thần Cao Sơn Đại Vương, cũng như các vị thần được thờ tại đền Kim Liên.

Có thể nói, các di tích thuộc Thăng Long tứ trấn là minh chứng rõ nét về tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm đấu tranh, lao động bền bỉ để chinh phục, cải tạo thiên nhiên của cha ông ta vào buổi đầu định đô, mở nước; góp phần cung cấp nhiều thông tin giá trị về phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cư dân và quy mô của kinh đô Thăng Long xưa./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này