Đề xuất cơ chế để tăng tốc các dự án nhà ở xã hội

13:03 | 14/04/2022
(LĐTĐ) Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa có báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, UBND đề xuất Thành phố được ban hành quy định biện pháp phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện của Thủ đô…
Gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội: Cần sớm được triển khai Để người lao động thực sự tiếp cận được nhà ở Nỗ lực cao nhất để cung cấp nhà ở chất lượng cho người dân thu nhập thấp

Phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung

Về phát triển nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội đề xuất được chủ động bố trí, sắp xếp các quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tập trung, mô hình nhà ở căn hộ chung cư cao tầng để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện về đất đai, dân cư của Thủ đô, đảm bảo tỷ lệ quỹ nhà ở xã hội theo quy định và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt.

Đề xuất cơ chế để tăng tốc các dự án nhà ở xã hội
Dự án Nhà ở xã hội Thanh Lâm - Đại Thịnh tại huyện Mê Linh. Ảnh: VGP

Cụ thể, Thành phố đề xuất được bố trí quỹ đất tương đương 20% đất ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thay thế ở vị trí khác trên cơ sở đề xuất quỹ đất thay thế của UBND cấp huyện.

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt và mức độ đô thị hóa, Thành phố được quyết định các khu vực, địa bàn hoặc loại đồ án quy hoạch chi tiết đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không phải dành quỹ đất ở tại dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10ha, doanh nghiệp dự án được phép nộp tiền tương ứng với qũy đất 20% để phát triển nhà ở xã hội. Thành phố được quyết định bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tương đương vào trong các khu nhà ở xã hội trên địa bàn để tránh phát triển dự án nhà ở xã hội nhỏ, manh mún, sử dụng đất không hiệu quả.

Đồng thời, Thành phố đề xuất được sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất ở 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị thực hiện trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội bằng tiền bổ sung Quỹ đầu tư phát triển Thành phố để hỗ trợ, cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

“Được phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hệ thống hạ tầng, theo lộ trình phù hợp với nhu cầu của thị trường và điều kiện của Thành phố; được điều chỉnh quy hoạch tại một số ô đất tại các khu, cụm công nghiệp để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp; không phát triển nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng”, Báo cáo nêu.

Đề xuất nêu trên được đưa ra trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tiễn về nhà ở. Hiện nay, việc bố trí khu vực phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại chưa hợp lý, thiếu đồng bộ về chất lượng chung giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội tại cùng một khu vực.

Trong khi đó, theo UBND Thành phố, nếu chủ đầu tư nhà ở thương mại nộp tiền cho phần đất có giá trị cao ở các dự án nhà ở thương mại thì sẽ giúp cho ngân sách Hà Nội có thêm kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư, đặt hàng nhà tái định cư có chất lượng tốt hơn.

Do đó, cần có cơ chế cho phép chủ đầu tư được lựa chọn nộp tiền hoặc bố trí đất (20%) ở các dự án nhà ở thương mại có diện tích từ 2ha trở lên đối với đô thị loại đặc biệt, loại I, hoặc 5ha trở lên tại các đô thị loại II, III để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với dự án trên 10 ha, sẽ vẫn thực hiện việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội như quy định hiện hành.

Thành phố được ban hành chính sách ưu đãi về nhà ở cao hơn

Đáng quan tâm, thành phố Hà Nội đề xuất được ban hành chính sách ưu đãi về nhà ở cao hơn quy định hiện hành cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Trung ương và Thành phố; cho cán bộ, sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố (gồm ưu đãi bố trí quỹ đất, đầu tư, ưu đãi về thuê, thuê mua, mua nhà tương tự đối tượng mua nhà ở xã hội...).

Vì hiện nay trên địa bàn Thành phố có đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức viên chức thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể của Trung ương, Thành phố, cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang của Trung ương và Thành phố, trong đó còn có tỷ lệ không nhỏ các cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ còn khó khăn về nhà ở.

Do đó, việc đảm bảo về nhà ở cho các cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ làm việc trong hệ thống chính trị là một nhu cầu cấp thiết, cần được thực hiện để đảm bảo sự ổn định về tư tưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Được quy định biện pháp thu hồi đất, giao đất

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đề nghị quy định chính sách phát triển nhà ở thông qua cải tạo, xây mới nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp, chỉnh trang nhà ở các ô phố.

Chủ trương phát triển nhà ở xã hội là nhà chung cư

Theo UBND thành phố Hà Nội, qua rà soát, nhu cầu nhà ở xã hội của Thành phố giai đoạn sau năm 2020 khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó khả năng đáp ứng giai đoạn 2021-2025 chỉ khoảng 1,25 triệu m2. Do đó, Thành phố chủ trương phát triển nhà ở xã hội là nhà chung cư để có quỹ nhà ở xã hội lớn hơn, đáp ứng cho nhiều đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội hơn.

Thực tế giá nhà đất ở thấp tầng liền kề trên địa bàn Thành phố là rất lớn (vài tỷ đồng/căn nhà) trong khi nhà ở xã hội là nhà chung cư (căn hộ) chỉ dao động từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/căn hộ. Vì vậy, việc phát triển nhà ở xã hội theo loại hình nhà chung cư là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, nguồn lực đất đai của Thành phố.

Cụ thể, với các nhà ở cũ có một chủ sở hữu là Nhà nước thì Thành phố đầu tư sử dụng vốn ngân sách hoặc từ Quỹ đầu tư phát triển Thành phố để triển khai lập quy hoạch, đầu tư xây dựng. Sau khi hoàn thành, Thành phố cho người sử dụng thuê (nếu có nhu cầu), trường hợp còn quỹ nhà sau khi xây dựng mới sẽ tổ chức đấu giá thu hồi vốn.

Đối với các nhà ở cũ thuộc đa sở hữu (trong đó có Nhà nước), Thành phố bố trí kinh phí ngân sách lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực từ Nhà nước, xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức hợp tác công tư để cải tạo, xây dựng mới, các chủ sở hữu nhà ở có trách nhiệm đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Nhà ở.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất được quy định biện pháp thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây mới nhà ở cũ, nhà nhiều hộ, hoán đổi các ô quy hoạch để xây dựng mới nhà ở tái định cư tại chỗ cho người dân hoặc bố trí tái định cư tại các vị trí khác nhằm ưu tiên dành quỹ đất tại các khu vực này để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, công cộng, thương mại, dịch vụ.

Cùng với đó, được ban hành quy định biện pháp về hỗ trợ đầu tư, xây dựng, phát triển quỹ nhà tái định cư (bao gồm cả biện pháp đặt hàng trong các dự án nhà ở thương mại) nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư, tạo sự đồng thuận của người dân./.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này