Doanh nghiệp đuối sức vì chi phí logistics tăng

17:08 | 14/04/2022
(LĐTĐ) Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu thêm nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thì giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển cũng “phi mã”. Trước những áp lực về giá nguyên liệu và chi phí logistics, nhiều doanh nghiệp đang đuối sức.
Hà Nội sẽ xây dựng 2 cảng cạn ở Gia Lâm và Hoài Đức phát triển dịch vụ logistics Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá

Doanh nghiệp oằn mình gánh chi phí logistics

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”, ông Trần Việt Huy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, khảo sát của tổ chức này cho thấy dù kinh tế đang hồi phục và quay trở lại nhịp sống bình thường nhưng gần 50% doanh nghiệp trong ngành vẫn còn suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới vẫn còn nhiều nơi bị tắc nghẽn.

Doanh nghiệp đuối sức vì chi phí logistics tăng
Ảnh minh họa: BT

Theo ông Huy, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang thay đổi xu hướng thương mại toàn cầu. Bảo hộ thương mại đang diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia thay vì toàn cầu hóa giờ đây muốn đưa sản xuất về nước mình, tăng trừng phạt lẫn nhau. Đại dịch cũng đẩy mạnh thương mại điện tử, kéo theo cách phân phối khác với kênh truyền thống trước đây theo hướng tổ chức giải quyết đơn hàng lớn. Chuỗi cung ứng và chi phí logistics bị thay đổi, đội giá lên nhiều lần.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chi phí logistics đã tăng cao từ năm ngoái đến nay do các yếu tố dịch bệnh và bất ổn chính trị thế giới. Thậm chí, chi phí logistics đang ngang ngửa 50 - 70% giá trị hàng hóa.

“Các công ty mua hàng đang cân nhắc lại về việc đặt hàng cũng như chậm vận chuyển những đơn hàng đã đặt. Họ muốn tranh thủ lúc giá container rẻ hơn mới chuyển hàng đi. Điều này khiến tồn kho tại doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến dòng tiền”, ông Phương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T chuyên về xuất khẩu nông sản cho biết giá cước vận tải biển tiếp tục leo thang, từ vài nghìn USD/container xuất sang Mỹ nay lên hàng chục nghìn USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Tùng cũng đặt nghi vấn các hãng tàu bắt tay nhau đẩy giá thuê container, thậm chí cố tình tạo khan hiếm quá mức ở Việt Nam.

Cùng quan điểm với ông Tùng, bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc Trải nghiệm khách hàng của TMX Việt Nam cho hay, nhiều container được vận chuyển với mức phí bảo hiểm rất lớn gây tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam, bởi phần lớn lượng hàng xuất khẩu đường biển của Việt Nam phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do giá cước và phụ phí thuê container rỗng tăng cao.

Theo bà Tạ Hà - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, theo chỉ số vận tải Freightos, giá thuê tàu cho mỗi container 40 feet vẫn ở gần mức cao nhất mọi thời đại trên các tuyến vận tải toàn cầu.

Cụ thể: giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) 1.600 - 2.500 USD/cont tùy hãng; Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 - 5.300 USD/cont; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000 - 14.000 USD/cont (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston...) dao động ở mức cao từ 19.000 - 22.000 (tùy hãng).

Đó là chưa kể nếu xuất khẩu hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ, các doanh nghiệp đang rất khó đặt chỗ do những cảng này có ít hãng tàu nhận vận chuyển, có những tháng còn bị cắt bớt chuyến và có sự chênh lệch giá lớn, thậm chí cả ngàn USD giữa các hãng tàu. Việc đặt container đi các tuyến khác cũng đang rất khó khăn với mức độ khó tùy theo từng tuyến, từng hãng tàu.

Tìm mọi giải pháp để giảm chi phí

Theo bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS Vietnam & US, chi phí và thời gian vận chuyển luôn là bài toán đau đầu cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống. Muốn hàng đi nhanh thì phải chịu chi phí cao, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp đứng trước lựa chọn chi phí logistics cao hay thời gian tiêu thụ hàng hóa ở thị trường đích bị hạn chế. Do đó, bà Jolie Nguyễn khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản để có thể chống chịu phần nào với những thách thức trong logistics. Doanh nghiệp nông sản cần xây dựng khu vực nhà cấp lạnh sơ bộ ngay từ khâu sơ chế, đồng thời chuẩn bị kho lạnh và vận tải lạnh với nhiệt độ tối ưu cho từng mặt hàng để duy trì chất lượng sản phẩm.

Về phía các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hầu hết các ý kiến đều cho rằng trong bối cảnh chi phí sản xuất, vận chuyển đang tăng cao theo giá xăng dầu, thì việc giảm các chi phí khác cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Bởi bất kỳ sự gia tăng thêm chi phí nào cho doanh nghiệp vào thời điểm này sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, thêm áp lực chi phí trực tiếp lên hàng xuất khẩu. Việc miễn giảm này sẽ giúp giảm chi phí logistics, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để kéo giảm chi phí logistics, ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn IPPG cho biết, IPPG đã thành lập hãng hàng không chuyên kinh doanh vận chuyển hàng hóa và nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý. IPPGcũng đã ký ghi nhớ với Hãng Boeing sẽ mua 10 chiếc máy bay để phục vụ vận chuyển, trong đó sẽ khai thác 5 máy bay trong năm đầu tiên, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 máy bay.

Dưới góc độ quản lý, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan lại cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến chi phí logistics khó kéo giảm thời gian qua như tình hình dịch bệnh Covid-19 của một số quốc gia vẫn giữ chính sách “Zero Covid”, giá xăng dầu tăng, chiến sự Nga-Ukraine. Ngoài ra một số thủ tục hành chính còn thủ công, nhiều quy định ban hành ra chưa theo kịp thực tiễn, trong quản lý chuyên ngành còn chồng chéo.

Ông Tám cũng thừa nhận dù có nhiều biện pháp cắt giảm thiết thực nhưng doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp để có thể giải phóng hàng hóa nhanh hơn. Do đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, các văn bản vi phạm pháp luật, các nghị định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, chia sẻ dữ liệu, theo hướng tiếp tục không yêu cầu doanh nghiệp nộp những giấy tờ đã có trên hệ thống. Hiện Tổng cục cũng đặt ra mục tiêu ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh. Trong năm 2022, các bộ ngành phối hợp đẩy mạnh triển khai kết nối trao đổi chứng từ điện tử thông qua Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử với các đối tác thương mại như Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu...

Về phía các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hầu hết các ý kiến đều cho rằng trong bối cảnh chi phí sản xuất, vận chuyển đang tăng cao theo giá xăng dầu, thì việc giảm các chi phí khác cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Bởi bất kỳ sự gia tăng thêm chi phí nào cho doanh nghiệp vào thời điểm này sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, thêm áp lực chi phí trực tiếp lên hàng xuất khẩu. Việc miễn giảm này sẽ giúp giảm chi phí logistics, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu thêm nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến chi phí vận tải tăng cao, thì việc miễn, giảm thu phí sẽ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này