Hướng mở cho việc cải tạo chung cư cũ

17:08 | 14/04/2022
(LĐTĐ) Cải tạo chung cư cũ là vấn đề cấp thiết được thành phố Hà Nội đặt ra nhiều năm qua, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm do vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật, quy hoạch, đất đai. Với sự ra đời của Nghị định 69/2021/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021) cùng với quyết tâm cải thiện chỗ ở cho người dân, tái thiết đô thị, Hà Nội đã đang tập trung đưa ra chính sách, giải pháp đột phá nhằm giải quyết những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm nay trong lĩnh vực này.
Đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc lớn nhất trong cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Khoảng 60.500 tỷ đồng xây dựng, cải tạo 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D

Kỳ vọng từ những chính sách mới

Hiện nay, Hà Nội có khoảng trên 1.500 chung cư cũ, chiếm hơn 60% tổng số chung cư cũ cả nước, phần lớn được xây dựng từ năm 1960 đến 1994, cá biệt có một số nhà xây dựng trước năm 1954. Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Trên thực tế, tại Hà Nội mới chỉ thực hiện được 1% việc xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ. Do vậy, từ nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân sống tại các chung cư cũ đều mong muốn được ở nhà mới hơn, tốt hơn, phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện nay.

Hướng mở cho việc cải tạo chung cư cũ
Hà Nội đã và đang tập trung đưa ra chính sách, giải pháp đột phá nhằm giải quyết những vướng mắc đã tồn tại trong việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Ảnh: Kim Tiến

Ông Lại Viết Bang (nhà A8, Khu tập thể Khương Thượng) cho biết, ông cùng gia đình khác sinh sống tại các chung cư cũ hiện nay đều rất háo hức, mong đợi Đề án về cải tạo chung cư cũ. Đây là cơ hội để gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác có nhà mới. Tuy nhiên, cũng theo ông Bang, trước đây, người dân dù đồng thuận cải tạo chung cư cũ nhưng lại đưa ra yêu cầu hệ số đền bù căn hộ rất cao, thường gấp 2 đến 3 lần diện tích căn hộ cũ. Không ít trường hợp người dân, nhất là ở tầng 1 có diện tích kinh doanh “mặc cả” giá đền bù với chủ đầu tư, nhưng khi chủ đầu tư đồng ý lại đẩy giá lên cao hơn, do vậy, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021, người dân chúng tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi. Bên cạnh đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội cũng đã cập nhật kịp thời các nội dung vào Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trước đây, tạo thuận lợi cho cải tạo chung cư cũ trong thời gian tới khiến người dân chúng tôi càng kỳ vọng hơn”, ông Bang cho hay.

Tương tự, bà Phạm Thị Nga (Nhà B2, Khu tập thể Trung Tự) cho biết, hiện nay rất nhiều hộ gia đình đang sinh sống trong những khu tập thể 5 tầng cũ, được xây dựng từ những năm 70 và đã xuống cấp. Khi có Nghị định mới về cải tạo chung cữ cũ người dân rất mừng. Đặc biệt, khi được các cấp chính quyền, chuyên gia mời tham dự các Hội nghị tuyên truyền, bà Nga cũng như nhiều hộ dân khác hiểu rõ hơn về chủ trương, Nghị định và có niềm tin hơn trong việc cải tạo chung cư cũ. Cũng theo bà Nga, chủ trương mới này có rất nhiều điểm rất mới, thuận tiện hơn cho việc đồng thuận của người dân.

Mới đây, tại quận Đống Đa, công tác tuyên truyền về Nghị định 69/2021/NĐ-CP đã được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng. Theo đó, quận cũng đã tổ chức tuyên truyền tại phường Trung Tự, Kim Liên và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự Đặng Minh Chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ 1/9/2021, với nhiều quy định mới trong cải tạo chung cư cũ.

Điển hình như: Nghị định phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho UBND cấp tỉnh, thành phố từ trách nhiệm chỉ đạo đến bố trí ngân sách, quản lý đất, cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế di dời và được quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với địa phương. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án, quyết định hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ từ một đến hai lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong Giấy chứng nhận hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. Chủ đầu tư thực hiện dự án được lựa chọn khi có ít nhất 70% số chủ sở hữu căn hộ tham gia biểu quyết và tối thiểu 75% số các chủ sở hữu căn hộ tham gia đồng ý…

“Tỉ lệ phần trăm người ủng hộ không phải đạt 100% như trước đây, tỉ lệ này cơ bản đáp ứng được sự hài lòng, đồng lòng của người dân đối với việc cải tạo chung cư cũ. Từ khi Nghị định mới chính thức có hiệu lực, UBND phường cũng đã tuyên truyền Nghị định mới, các chính sách của Thành phố, quận đến cơ sở để người dân nắm rõ sâu hơn về nhu cầu, tiện ích của việc cải tạo chung cư cũ. Qua khảo sát, hầu hết người dân đều mong muốn được ở nhà mới hơn, tốt hơn, phù hợp với nhu cầu hiện nay”, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự cho biết.

Những cú “hích” trong cải tạo chung cư cũ

Trên thực tế, những năm qua, cùng với quyết tâm cải thiện chỗ ở cho người dân, tái thiết đô thị, Hà Nội đã và đang tập trung đưa ra chính sách, giải pháp đột phá nhằm giải quyết những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm nay trong lĩnh vực này. Trong tháng 12/2021, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 5289/QĐ-UBND ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, Thành phố phấn đấu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

Hướng mở cho việc cải tạo chung cư cũ
Nhiều chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Kim Tiến

Trong tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số về thành lập Tổ công tác của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, Tổ công tác có 25 thành viên gồm: Chủ tịch UBND các quận, huyện và các Giám đốc nhiều sở, ngành. Tổ công tác do ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Tổ trưởng. Tổ công tác sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.

Bên cạnh đó, tại các quận, việc triển khai tuyên truyền, khảo sát, kiểm định các chung cư cũ cũng được chú trọng quan tâm. Tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, quận Đống Đa có số lượng các nhà chung cư cũ cao nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên địa bàn quận có 14 khu tập thể lớn với 461 nhà, đơn nguyên; tổng diện tích đất tự nhiên của các nhà chung cư là 215ha với dân số khoảng 108,594 người. Đa phần, các nhà chung cư, tập thể cũ trên địa bàn quận được xây dựng từ những năm 1960-1980 của thế kỉ trước. Đến nay, cơ bản đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp.

“Công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cũng đã được xác định là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Chương trình công tác số 03, 05 về xây dựng, phát triển, chỉnh trang đô thị của Quận ủy Đống Đa nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, quận đã phân công đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và hệ thống chính trị tại cơ sở cùng vào cuộc để phát huy được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; huy động các nguồn lực của xã hội tham gia”, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết.

Hay tại quận Thanh Xuân cũng đã bắt đầu triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn. Từ đầu tháng 2/2022, UBND quận Thanh Xuân yêu cầu các lực lượng chức năng quận tổ chức rà soát, đề xuất danh mục, phạm vi ranh giới dự án cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ/nhóm chung cư cũ/tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ cần nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom trên địa bàn quản lý…/.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này