Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

19:57 | 10/04/2022
Chế độ ốm đau với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường: Nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Người lao động bị mắc Covid-19: Sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội nào? Phải điều trị bệnh dài ngày, có được hưởng lương theo chế độ?

Đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt các gia đình mắc bệnh, có nhà bị nhiễm cùng nhau, nhưng cũng không ít gia đình lại lần lượt, người này khỏi thì người kia bị lây. Dẫn đến, có những ông bố, bà mẹ vừa là bệnh nhân, vửa phải nghỉ làm cả tháng để chăm con. Nhiều người băn khoăn không rõ theo quy định của pháp luật, người lao động được nghỉ ốm hưởng BHXH trong bao lâu?

Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Ảnh minh họa. (ảnh HL)

Luật BHXH đã quy định cụ thể về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tham gia BHXH tại Điều 25.

Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d và h Khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Hết thời hạn này này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, Điều 28 Luật BHXH quy định như sau:

1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng đó.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;

b) Bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

c) Bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này