Sức bật từ công tác quy hoạch

12:45 | 29/03/2022
(LĐTĐ) Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội đang bước vào giai đoạn nước rút thực hiện những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị và trật tự xây dựng. Với những định hướng đã xác định trong hệ thống quy hoạch hiện hành, cơ chế đặc thù được xác định trong Luật Thủ đô, tin rằng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế.
Để kinh tế ban đêm thực sự hiệu quả: Quan trọng khâu quy hoạch và quản lý Hạn chế quảng cáo tại một số khu vực nội đô Hà Nội

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Dấu ấn đậm nét cho sự thay đổi của Hà Nội trong thời gian qua đó là Hà Nội cơ bản hoàn thành các loại quy hoạch, thể hiện qua nhiều vấn đề lớn. Việc hoàn thiện này là một trong những thành tựu lớn, những công cụ, định hướng cơ bản, một minh chứng cho việc Hà Nội đã quyết liệt triển khai quy hoạch.

Sức bật từ công tác quy hoạch
Công tác quy hoạch vẫn luôn được Thành phố quan tâm .

Trong quá trình phát triển của Hà Nội, những yếu tố tác động đến người dân được chú trọng hơn. Ví dụ, Hà Nội đạt được tỷ lệ bình quân về nhà ở, học sinh đi học rất lớn. Hiện, diện tích bình quân về đất ở trên đầu người ở Hà Nội khoảng 27m2/người. Nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, khu ký túc cho sinh viên đã được quan tâm. Đây là mức rất cao so với chỉ tiêu của cả nước.

Tuy nhiên, song song với những thành tựu, quá trình đô thị hóa cũng để lại không ít thách thức. Đó là những áp lực gia tăng dân số ở khu vực nội đô; hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đang chịu áp lực lớn; tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên nhiều tuyến đường mới được mở rộng; các tác động đô thị hóa với vùng ven đô...

Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu là yêu cầu hết sức quan trọng. Do đó, ngày 2/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố” (gọi tắt là Chỉ thị 14).

Trong đó, quy hoạch được xác định phải đi trước với phương pháp và cách làm khoa học, có tầm nhìn và chiến lược phát triển đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành, sát với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của Thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong quá trình lập quy hoạch cần sự tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo tính thực tiễn, khách quan và khả thi.

Đặc biệt, phải làm tốt việc công bố, công khai quy hoạch để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận. Mặt khác, cần xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng…

Cũng theo Chỉ thị 14, cơ quan có thẩm quyền Thành phố phải rà soát, sắp xếp, tiêu chuẩn hóa hệ thống biển hiệu, quảng cáo ngoài trời, quản lý vỉa hè, lòng đường; kiên quyết không để phát sinh tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”, nhất là ở các tuyến phố mới. Ngoài ra, Thành phố khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, các giải pháp công nghệ trong việc quản lý, vận hành bãi đỗ xe, giảm thiểu tình trạng dừng, đỗ xe sai quy định... Các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Là người gắn bó với Quy hoạch đô thị nhất là Quy hoạch Thủ đô khi từng đảm nhiệm chức vụ Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Chỉ thị 14 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm Thành phố đang thực hiện đồng bộ khối lượng công việc lớn liên quan đến quy hoạch. Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, quá trình lập quy hoạch, các cấp, ngành phải quán triệt phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả” từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Cách làm mới, bài bản, khoa học

Cùng với những nỗ lực tăng cường kỷ luật, kỷ cương, một nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng hết sức vinh dự được giao cho Hà Nội khi vào ngày 7/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dấu mốc quan trọng khi đã có định hướng để UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt Đồ án quy hoạch trong năm 2022 theo quy định của Chính phủ.

Theo nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô vừa được Chính phủ phê duyệt có 17 nội dung được thể hiện trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội 10 năm tới, bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, Thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được thực hiện theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau.

Trước đây, các quy hoạch trên địa bàn Thành phố thường được thực hiện rời rạc theo từng ngành, lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông… Sơ bộ, Hà Nội có tới 20 quy hoạch kinh tế - xã hội; 76 quy hoạch ngành, lĩnh vực. Hệ thống quy hoạch quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, không thống nhất dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý của Hà Nội, đồng thời cũng chưa cho thấy được sự phát triển tổng thể của Thủ đô.

Trong khi đó, Hà Nội còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập; 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang trong quá trình xây dựng dự thảo…

Giờ đây, với quan điểm định hướng đổi mới quy hoạch, tất cả sẽ được tích hợp, đa ngành, nhằm giải quyết hài hòa được 3 mục tiêu lớn trong quá trình phát triển. Đó là, làm rõ những định hướng, quan điểm về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quan điểm phát triển, gắn kết hạ tầng và cuối cùng là việc tổ chức sắp xếp lại không gian. Công việc nhìn chung là hết sức bộn bề, tuy nhiên với quá trình đô thị hóa đang diễn ra hết sức nhộn nhịp như hiện nay, cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo nhằm bảo đảm hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô đúng tiến độ đã đề ra, đồng thời chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này