Một lần đến Trường Sa tác nghiệp

17:22 | 29/03/2022
(LĐTĐ) Với mỗi phóng viên, được ra Trường Sa tác nghiệp, được ngắm nhìn và đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào và là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Hà Nội: Phát động ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2022 Trường Sa mãi mãi trong tim

Sức sống mới trên quần đảo Trường Sa

Nhớ lại đầu năm 2020, chúng tôi được tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân ra thực hiện nhiệm vụ thay, thu quân và chúc Tết quân dân trên trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đến với quần đảo Trường Sa, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đó chính là một sức sống mới đang bao phủ và thấm tràn trên mảnh đất thiêng liêng và anh hùng này.

Một lần đến Trường Sa tác nghiệp
Phóng viên báo Lao động Thủ đô giao lưu với các chiến sĩ trên đảo An Bang (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Mai Quý

Đảo Trường Sa lớn - “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa, đã được đầu tư xây dựng sân bay, ga hàng không, trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thị trấn Trường Sa, Trường Tiểu học, Trung tâm Y tế Thị trấn Trường Sa… Trên đảo còn có Nhà khách Thủ đô do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa để phục vụ những đoàn khách ra thăm đảo.

Tại tất cả các đảo đã được lắp đặt và khai thác hiệu quả hệ thống năng lượng sạch. Quan sát thấy, mỗi đảo đều có hệ thống tua-bin gió hiện đại, cao hàng chục mét, được bố trí xây dựng xung quanh đảo để đón gió từ nhiều hướng. Trên các mái nhà ngói đỏ cũng được phủ thêm một màu xanh bóng loáng của những tấm pin mặt trời để khai thác tối đa nguồn năng lượng sạch từ mẹ thiên nhiên.

Ngoài hệ thống điện mặt trời và điện gió đã đáp ứng gần như tối đa nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động an ninh quốc phòng và sinh hoạt, trên các đảo còn được trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Thực tế cho thấy, từ khi chủ động được nguồn điện và nguồn nước sạch, cuộc sống của quân và dân trên các đảo đã được cải thiện rõ rệt. Đảo được thắp sáng mỗi đêm, cán bộ, chiến sĩ được xem ti vi, được nghe đài đều đặn. Các hoạt động sinh hoạt của người dân và hoạt động khám chữa bệnh, dạy học trên đảo cũng đã thuận tiện hơn rất nhiều. Nguồn nước ngọt không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của quân và dân trên đảo mà còn giúp cán bộ, chiến sĩ có nước để tăng gia sản xuất, tưới tiêu, tô thêm màu xanh, sức sống cho biển đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa ngày nay không chỉ có những thay đổi tích cực về diện mạo, cơ sở hạ tầng mà đời sống tinh thần của quân và dân trên các đảo cũng không ngừng được cải thiện. Theo ghi nhận, trên các đảo đều được bố trí sắp xếp tủ sách với đa dạng các đầu sách về pháp luật, lịch sử, văn học, nghệ thuật... Nhiều đảo có sân bóng nhân tạo, sân bóng chuyền và được lắp đặt các thiết bị tập thể dục để ngoài thời gian huấn luyện, làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ trau dồi kiến thức, rèn luyện sức khỏe. Nhờ vậy, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện, qua đó tạo động lực để mỗi chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Những chiến sĩ không mặc áo lính ở Trường Sa

Trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ngoài các cán bộ, chiến sĩ khoác trên mình bộ quân phục còn có những người chiến sĩ không mặc áo lính. Đó là những người thầy giáo, y, bác sĩ và các hộ dân, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã tình nguyện ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sinh sống, công tác. Trong chuyến đi, chúng tôi có dịp gặp gỡ thầy giáo Bành Hữu Tình, đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa.

Trò chuyện với chúng tôi dưới tán cây bàng vuông xanh mướt, thầy Tình cho biết: “Trước khi ra đảo Trường Sa lớn dạy học, tôi đã có 13 năm công tác tại các trường tiểu học của tỉnh Khánh Hòa. Từ khi là sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tôi đã có mong muốn được gieo con chữ cho những học sinh ở Trường Sa và được góp sức mình để tiếp bước cha anh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tuyển giáo viên ra Trường Sa công tác, tôi đã tình nguyện viết đơn đăng ký và được lựa chọn”.

“Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng và anh hùng, thật xúc động và tự hào biết bao. Đón chào tôi là những cái bắt tay ấm áp, những nụ cười rạng rỡ của các cán bộ, chiến sĩ và người dân, cùng với đó là tiếng chào hỏi lễ phép của các em nhỏ đang sinh sống trên đảo. Thời khắc đó tôi biết rằng mình sẽ có những tháng ngày đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, của đời dạy học ở chính nơi đây”, thầy Tình chia sẻ.

Trên các đảo như: Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây… còn có những chiến sĩ không mặc áo lính là các hộ dân đã tình nguyện đăng ký ra đảo sinh sống. Cuộc sống của các hộ dân ngoài đảo cũng giống như trong đất liền, họ ở trong những ngôi nhà khang trang, vững chãi, đủ sức chống chọi với bão giông và con em của các hộ dân cũng được đi học, được quan tâm, chăm lo về mọi mặt.

Trong thời gian ở trên đảo Trường Sa lớn, chúng tôi có được gặp gỡ, trò chuyện với gia đình anh Nguyễn Minh Vinh, đang sinh sống trên đảo. Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống ở trên đảo, anh Vinh nói: “Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước và mong muốn được góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, gia đình tôi đã tình nguyện đăng ký ra Trường Sa sinh sống. Ở ngoài đảo, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và chính quyền địa phương, cuộc sống của chúng tôi cũng được đảm bảo như ở trong đất liền”.

Hằng ngày, khi biển lặng, anh Vinh cùng các ngư dân ra biển đánh bắt hải sản, ngoài ra, anh cũng tham gia đội Dân quân tự vệ của Thị trấn Trường Sa. Còn vợ anh là chị Võ Thị Sông ở nhà lo cơm nước, dạy dỗ các con, làm những công việc nội chợ, tăng gia sản xuất. Những chiếc vỏ ốc, vỏ sò đủ màu sắc qua bàn tay khéo léo của chị Sông trở lên đẹp lung linh trong hình hài của cành hoa, cây cảnh hay bức tranh làng quê Việt. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật làm từ những chiếc vỏ ốc, vỏ sò đó đều được chị Sông cất giữ cẩn thận để làm quà cho người thân và những vị khách từ đất liền ra thăm đảo.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Vinh cũng giống như bao ngôi nhà khác trên đảo, được xây dựng kiên cố, khang trang và đầy đủ tiện nghi. Tại vị trí trang trọng nhất trong nhà, vợ chồng anh chị đặt bàn thờ Bác Hồ để thể hiện sự tôn kính và khắc ghi công lao của những thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, cũng là để giáo dục cho các con của anh chị về truyền thống vẻ vang của dân tộc và nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho những mầm non tương lai của đất nước.

Thời khắc chúng tôi chia tay các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để trở về đất liền cũng là lúc giữa biển trời lộng gió vang lên câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi!” trong bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long như một lời khẳng định Trường Sa luôn ở trong trái tim chúng ta và Trường Sa hôm nay đã gần với đất liền hơn bao giờ hết./.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này