Tổng LĐLĐ Việt Nam - ILO Việt Nam:

Tham vấn ý kiến chuyên gia, cán bộ Công đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội

14:46 | 19/03/2022
(LĐTĐ) Ngày 18/3, tại thành phố Cần Thơ, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị tập huấn về đối thoại, tham vấn ý kiến chuyên gia, cán bộ Công đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cụm thi đua 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đăng ký 79.454 sáng kiến Hơn 17 nghìn sáng kiến đã được cập nhật trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam 3 bước về thủ tục cho F0 điều trị tại nhà cần cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Tham dự có ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Andre Gama - Chuyên gia An sinh xã hội của ILO và đại diện 13 LĐLĐ tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham vấn ý kiến chuyên gia, cán bộ Công đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam và ông Andre Gama - Chuyên gia An sinh xã hội của ILO chủ trị Hội nghị.

Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Tổng LĐLĐ Việt Nam và ILO đã trao đổi một số nội dung về an sinh xã hội, các tiêu chuẩn quốc tế và những thách thức tại Việt Nam; Công đoàn Việt Nam với việc bảo vệ quyền lợi người lao động tham gia và hưởng chính sách BHXH; sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các nội dung về thực trạng thi hành chính sách BHXH thời gian qua và góp ý, đề xuất sửa đổi trong thời gian tới. Bà Lê Thị Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An cho biết về diện bao phủ và quy mô tham gia BHXH tại địa phương còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động. Chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực sự đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ hưu trí và tử tuất, một thời gian dài không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn: Theo quy định của Luật BHXH điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Thực tế, trong thời gian qua công nhân lao động rên địa bàn tỉnh Long An làm việc khu vực ngoài Nhà nước chưa có người nào được hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH.

Chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng: Hiện nay tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Bà Lê Thị Cúc kiến nghị kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho phù hợp với thực tiễn tình hình mới hiện nay, đó là: Cần có sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác đồng bộ, chặt chẽ để phát huy chính sách BHXH đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội bao phủ khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động. Giảm số năm đóng BHXH làm điều kiện để người tham gia BHXH được hưởng lương hưu xuống còn 10 năm nhằm hạn chế người lao động rút BHXH một lần ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, cần có quy định nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Tham vấn ý kiến chuyên gia, cán bộ Công đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội
Bà Lê Thị Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An kiến nghị kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho phù hợp với thực tiễn tình hình mới hiện nay.

Bà Huỳnh Thị Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Cần Thơ đề xuất mức đóng BHXH nên phân thành 3 nhóm đối tượng là: Lực lượng có thu nhập ổn định, lao động phi kết cấu và công nhân lao động. Chính sách BHXH tự nguyện nên bổ sung chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp để người tham gia được chăm lo, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Thông tin về điều kiện để người lao động F0 hưởng BHXH, bà Lý Hoàng Minh - Phó Trưởng phòng, Ban thực hiện chính sách BHXH (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, Bộ Y tế vừa có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ hưởng BHXH cho lao động là F0 điều trị tại nhà, bệnh viện dã chiến. Các loại giấy tờ này sẽ làm căn cứ để cơ quan BHXH thanh toán, chi trả chế độ. Phương án hai, Bộ đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ này có giá trị như Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và quy định mẫu, thẩm quyền cấp vào Thông tư 56 sửa đổi.

Các loại giấy tờ bao gồm: Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp; Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính Covid-19 do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; Giấy xác nhận mắc Covid-19 của trạm y tế xã phường, trạm y tế lưu động, Tổ Covid cộng đồng, y tế cơ quan, doanh nghiệp; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trạm y tế xã phường cấp; Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; Phiếu xác nhận đã điều trị Covid-19 của các Bệnh viện dã chiến.

Phát biểu tại Hội nghị, chuyên gia An sinh xã hội của ILO - ông Andre Gama cho rằng việc giải quyết quyền lợi về BHXH cho người lao động phải tuân thủ theo quy định của Luật BHXH hiện hành của Việt Nam, cũng có những vấn đề giải quyết thông qua các quy định, thậm chí Tòa án. Tuy nhiên, nếu thông qua Tòa án thì cần nhiều thời gian hơn, trong khi người lao động khó khăn cần chi tiêu cho cuộc sống. Do đó nên ưu tiên lựa chọn giải pháp hòa giải để giải quyết nhanh, kịp thời. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thanh tra lao động và cơ chế thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn.

Bình luận về việc nhiều lao động tại Việt Nam rút BHXH một lần, theo ông Andre Gama, cần đẩy mạnh các truyền thông để nâng cao nhận thức và xây dựng lòng tin của người lao động với hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Hiện nay, công nghệ, thị trường lao động, cơ cấu dân số thay đổi nên chính sách pháp luật cũng cần có sự thay đổi định kỳ phù hợp với thực tế để bảo vệ người lao động Việt Nam.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách thì cần phải có lộ trình, trước mắt cán bộ công đoàn cần nỗ lực, trách nhiệm để đảm bảo người lao động được đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này