Những nét lạ ở Yên Trường

19:10 | 17/03/2022
(LĐTĐ) Vào làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), men theo những con ngõ nhỏ, tôi miên man chiêm ngưỡng cổng nhà cổ, giếng cổ và không gian rêu phong, gần gũi. Nơi đây, người dân vẫn gìn giữ được những nếp nhà cổ, không gian cảnh quan làng quê rất đỗi bình dị.
“Đánh thức” tiềm năng du lịch tại các làng cổ Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài Nét đẹp lạ kỳ trên miền đá ong xứ Đoài Neo giữ những nếp làng

Chốn bình yên nơi làng cổ

Hôm ấy, tôi tìm về Yên Trường cùng với nhà văn Nguyễn Văn Học. Anh bảo, cách đây chừng 5 năm, anh và một nhóm những người trẻ mê “phượt” làng cũng đã tìm về vùng đất thanh bình này để chiêm nghiệm.

Thời gian bẵng trôi, trong nhịp sống ồn ã, mong muốn sống chậm lại đôi chút nên anh chợt nghĩ nên tìm về lại chốn thanh bình một thuở, để lắng đọng và để “cảm” được cái tình của “chất làng” – một thứ đang dần phôi pha theo guồng quay của xã hội.

Những nét lạ ở Yên Trường
Dưới bóng cổ thụ hay dưới những pho cổng nhà cổ trong ngõ, thường có các cụ già râu tóc bạc phơ ngồi giao lưu, gắn kết tình làng nghĩa xóm. (Ảnh: Giang Nam)

Con đường dẫn vào làng Yên Trường dường như quanh năm được phủ một màu xanh mướt mát với hàng phượng vĩ chạy dài nằm ngay cạnh một hồ nước rộng. Tôi chợt nghĩ, phải chăng vùng đất này đang ngược từ quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa về với cái mạch làng mạc đầy chất dân dã, cổ kính. Nếu không phải vậy thì làm sao khi chỉ vừa nhìn cổng làng, những ngột ngạt nơi phố dường như được lùi xa.

Ở Yên Trường, điểm dễ nhận thấy nhất là những bờ tường bằng gạch đá ong vàng đậm như mật mía, đôi chỗ nhuốm màu rêu phong. Chạm tay vào những phiến đá xù xì, mát lạnh trên một cánh cổng cũ, nhà văn Nguyễn Văn Học bảo với tôi: Chất liệu chủ yếu của các cổng nhà này vẫn là bằng đá ong. Một số bức cổng đẹp, có tuổi ngắn hơn được xây bằng gạch đốt lò. Nhưng tất cả đã cũ lắm rồi, gạch hoang hóa rơi rụng nhưng hiện vẻ thời gian có chỗ phong rêu, có chỗ đỏ quạch.

Những nét lạ ở Yên Trường
Chiếc cổng nhuốm màu rêu phong của thời gian. (Ảnh: Giang Nam)

Quả vậy, cũng nằm trong dải xứ Đoài xưa, ngoài Yên Trường, nếu kiếm tìm ở các ngôi làng cổ hiện vẫn còn dấu tích của đá ong. Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) là ví dụ. Theo những người dân nơi đây, đặc tính của nhà đá ong là mùa hè thì mát mẻ như được ở trong hầm sâu, còn mùa đông lại ấm áp do chất đá dày, ngăn chặn sự thoát nhiệt.

Trải qua những lớp lang thời gian, qua bao mùa nắng mưa, những viên gạch đá ong càng cố kết nhau lại, càng trở nên rắn chắc. Vì đặc tính ấy nên xưa nay nhiều người vẫn thích xây dựng nhà ở bằng thứ vật liệu tự nhiên này. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều di tích nổi tiếng ở xứ Đoài cũng đều sử dụng vật liệu đá ong để xây dựng, tôn tạo công trình.

Đó là xu thế, song theo những cao niên làng Yên Trường, nếu như trước kia chỉ có những người nghèo, những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn mới dùng đá ong để xây dựng nhà cửa thì nay chỉ những đại gia, những gia đình có điều kiện mới dùng đá ong trong xây nhà hoặc trang trí.

Những nét lạ ở Yên Trường
So với "Tứ cựu danh thôn" là Đường Lâm, Cự Đà, Cựu Lễ, Ước Lễ thì Yên Trường có phần nhỏ bé hơn nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp làng quê yên bình đến nao lòng. (Ảnh: Giang Nam)

Vì sao ư? Bởi giá một mét tường đá ong cũng có giá trị xấp xỉ vài triệu đồng. Dù đắt, nhưng một số người có tiền và ưa hoài cổ thì thay vì xây những ngôi nhà cao tầng bề thế đã tìm về nét xưa cũ, chọn đá ong làm vật liệu. Thứ nữa, nếu như trước đây, đá ong chủ yếu dùng trong xây dựng đơn thuần thì gần đây, những khối đá lại là nguyên liệu để chế tác ra nhiều sản phẩm đặc sắc và dĩ nhiên, những sản phẩm này được ưa chuộng.

Gìn giữ cảnh quan làng quê

Đầu làng Yên Trường là ngôi đình cổ, chiếc hồ lớn và cây đa. Nghe kể, đình làng là điểm nhấn về lịch sử văn hóa của làng nên tọa lạc ở bãi đất cao, nhìn xuống ao lớn, bên kia là một gò đồi thấp. Điểm ít người biết, đình Yên Trường cũng từng là một trong những căn cứ cách mạng, quy tụ tinh thần đấu tranh yêu nước của người dân trong làng, ngoài huyện.

Tại bia đá tại đình hiện vẫn còn ghi, khoảng 20h ngày 16/8/1945 lực lượng Việt Minh đã tổ chức giành chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện; Tại đình, đầu năm 1946 cũng là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I và sau này là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến và là nơi trú quân, luyện tập của bộ đội địa phương trong kháng chiến chống Pháp.

Ở làng cổ thường có cổ thụ. Ở Yên Trường cũng vậy. Dưới bóng cổ thụ hay dưới những pho cổng nhà cổ trong ngõ, thường có các cụ già râu tóc bạc phơ ngồi đánh cờ. Có khi là sự giao lưu của người già và người trẻ, như để tạo sự gắn kết tình làng, tình người.

Những nét lạ ở Yên Trường
Nhiều du khách tìm về bờ rào xanh của ông Trịnh Nhân Kỳ để chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Giang Nam)

Cuộc sống ngoài kia có quá nhiều thay đổi, thế nhưng ở Yên Trường dù có những nét thay đổi, nhưng là sự thay đổi khá chậm so với muôn biến thiên của dòng đời. Hơn thế, màu xám rêu và những nếp nhà cổ cùng bóng dáng cây xanh đậm chất quê khiến thời gian như đang trôi chậm lại ở nơi này. Chẳng khó để thấy khi nơi đây người dân nhu mì, mộc mạc, giản dị nên cây cối cũng khoác một màu giản dị.

Ở Yên Trường, nhiều không gian nhà cổ, nhà cũ với tường đá ong được trồng hoa cho leo lên, tạo cảnh sắc tuyệt đẹp. Trong làng, ông Trịnh Nhân Kỳ nổi tiếng bởi nhà ông có một không gian cổ kính nhìn ra ao ngõ. Ông cũng là tác giả của công trình cổng và tường rào trước nhà bằng cây ô rô tuyệt đẹp mà khách đến đây đều trầm trồ thán phục.

Những nét lạ ở Yên Trường
Nét quê bình dị ở Yên Trường. (Ảnh: Giang Nam)

Ông Kỳ rất thích chơi cây cảnh. Từ thời thanh niên ông đã mê mẩn những hàng tường rào bằng dâm bụt, ô rô cũng như những gốc cổ thụ. Trước quá trình đô thị hóa, cây xanh trở nên hiếm dần, cổ thụ chỉ còn một vài cây, những chiếc tường cây thì biến mất. Ông ao ước có thể tự tay mình trồng và chăm sóc, tạo nên một hình cổng cây lớn để thỏa tình yêu. Vậy là từ năm 1992, ông bắt tay vào công việc.

Với sự kiên định và hơn hết là tấm lòng yêu hồn quê Việt, công trình của ông Kỳ đã được gia đình ủng hộ. Các con của ông thấy tự hào về sự tỉ mỉ của cha mình và tự hứa sẽ giữ gìn công trình đó. Còn những người hàng xóm, những du khách khi thấy công trình của ông chỉ biết thán phục.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này