Multimedia
18/07/2021 16:51
Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

18/07/2021 16:51

Xứ Đoài là một vùng văn hóa cổ với hàng loạt đình và chùa cổ, có giá trị về kiến trúc và điêu khắc. Có đi mới biết, nơi xứ Đoài ngoài nếp làng bền bỉ tồn tại qua nhiều thế kỷ, lối ứng xử mộc mạc, gần gũi của những người dân chân chất, nơi đây còn có nét độc đáo làm nên điểm nhấn đặc trưng, đó là những khối đá ong xù xì tựa như ngọc quý ẩn sâu trong lớp lang rêu phong của thời gian.
Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Xứ Đoài là một vùng văn hóa cổ với hàng loạt đình và chùa cổ, có giá trị về kiến trúc và điêu khắc. Có đi mới biết, nơi xứ Đoài ngoài nếp làng bền bỉ tồn tại qua nhiều thế kỷ, lối ứng xử mộc mạc, gần gũi của những người dân chân chất, nơi đây còn có nét độc đáo làm nên điểm nhấn đặc trưng, đó là những khối đá ong xù xì tựa như ngọc quý ẩn sâu trong lớp lang rêu phong của thời gian.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Bao lần đi qua dải đất Quốc Oai - Thạch Thất - Bình Yên - Sơn Tây (Hà Nội) là bấy nhiêu lần tôi cứ miên man nghĩ về đá ong. Và thế là, chẳng nghĩ ngợi nhiều khi nhận được lời rủ đi “phượt”, tôi dong xe rong ruổi cùng nhà văn Nguyễn Văn Học – một người đam mê kiếm tìm nét cổ ở làng quê Việt trên mảnh đất xứ Đoài. Theo đường cao tốc Láng – Hòa Lạc ngược về phía Tây Thủ đô chừng 30km, chúng tôi tìm đến xã Bình Yên (huyện Thạch Thất), nơi còn mang đậm dấu ấn của văn hóa xứ Đoài xưa, cũng là nơi được biết đến với nguồn đá ong phong phú và chất lượng vào loại tốt nhất cả nước.

Đến Bình Yên bây giờ khó để bắt gặp những xưởng chế tác đá ong. Bởi lẽ, vòng xoáy kinh tế thị trường cứ mải cuốn lớp người trẻ theo nhịp hối hả, họ ưa thích tìm đến các công xưởng, nhà máy làm việc hơn là dãi dầu nắng mưa, ngồi đẽo gọt những phiến đá ong ẩm mùi hương đất. Thứ nữa, dịch Covid-19 khiến tình hình kinh tế, sản xuất đình trệ, đời sống người lao động vì thế mà cũng khó khăn hơn, các xưởng đá khó duy trì, đảm bảo được tiền công nuôi thợ nên cũng phải tạm dừng hoạt động ít nhiều.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Cho đến nay, khi hỏi về đá ong, nhiều người già trong vùng vẫn hoài niệm, có thời điểm người người, nhà nhà trên vùng đất này đều gắn mình hoặc gián tiếp gắn với nghề đá ong. Bóng hình còm cõi, kéo chiếc xe bò chở mươi viên đá ong sang mạn Quốc Oai hay ngược lên Sơn Tây vẫn hằn in trong tâm trí người quê. Đá ong nuôi sống họ, nuôi sống gia đình họ, nuôi sống tương lai và hi vọng. Nay mọi thứ khác hẳn, số lượng các cơ sở chế tác đá hiện còn đếm được trên đầu ngón tay, cánh thợ thạo việc cũng chỉ độ hơn trăm người.

Qua tìm hiểu, đá ong là tài nguyên sẵn có ở các huyện Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì nhưng chất lượng tốt nhất là ở Bình Yên. Đá ong ở Bình Yên cũng có hai loại, lộ thiên và nằm trong lòng đất. Trước đây người dân thường tranh thủ khai thác đá lộ thiên, nay chỉ còn đá nằm trong đất. Ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu – một trong những người được mệnh danh “đôi bàn tay vàng” trong vùng bảo với tôi, mỏ đá ong “trời phú” cho vùng quê Bình Yên nằm men theo các quả đồi, dưới từng thớ đất màu mỡ bên bờ sông Tích.

Trước đây, đá ong thường được bà con khai thác làm vật liệu xây dựng làm nhà cửa, tường rào, đình chùa, chum vại, kè bờ ao hay lát đường làng, ngõ xóm. Đá trong lòng đất cũng chia ra ba lớp là: Sản, thăn, chân. Lớp sản ở trên cùng có đặc điểm kết cấu kém, dễ bở. Phần thăn ở giữa là tốt nhất vì hoa của đá nhỏ, có độ kết cấu chắc. Loại chân ở dưới cùng cũng được khai thác, nhưng thường được người thợ tận dụng chủ yếu để làm những công trình đơn giản hơn như tường rào, bờ bao.

Để có được nguồn nguyên liệu đá ong, thợ đá phải đi săn lùng, thăm dò và xin phép khai thác từ chính quyền địa phương. Thứ nữa, người thợ phải dùng dụng cụ đặc biệt có tên gọi là “thó”, xén từng mạch đá theo những kích thước mong muốn để đưa khối đá lên. Sau khi di chuyển đá về xưởng, những người thợ sẽ dùng dao gọt đẽo dần dần thành những viên có hình thù vuông vức. Do làm hoàn toàn thủ công nên dù tay thợ nào đào giỏi, “đánh vật” cả ngày cũng chỉ đào được 15 đến 20 viên là nhiều.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Ông Vương Văn Hùng bảo với tôi, dù hiện có máy móc hỗ trợ song với đá ong, các thao tác thủ công vẫn là chính. Trước vậy, bây giờ cũng vẫn vậy. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là trước chỉ có những người nghèo, những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn mới dùng đá ong để xây dựng nhà cửa thì nay chỉ những đại gia, những gia đình có điều kiện mới dùng đá ong trong xây nhà hoặc trang trí. Vì sao ư? Bởi giá một mét tường đá ong cũng có giá trị xấp xỉ vài triệu đồng. Dù đắt, nhưng một số người có tiền và ưa hoài cổ thì thay vì xây những ngôi nhà cao tầng bề thế đã tìm về nét xưa cũ, chọn đá ong làm vật liệu. Thứ nữa, nếu như trước đây, đá ong chủ yếu dùng trong xây dựng đơn thuần thì gần đây, những khối đá lại là nguyên liệu để chế tác ra nhiều sản phẩm đặc sắc và dĩ nhiên, những sản phẩm này được ưa chuộng.

Trong suốt thời gian làm nghề của mình, ông Hùng tự hào bảo, bản thân đã từng đi khắp từ Bắc vào Nam, làm rất nhiều công trình bằng đá ong phục vụ yêu cầu của khách. Vừa chia sẻ những bức hình ấn tượng để tôi ngắm nhìn công trình, ông vừa hướng dẫn chúng tôi những điểm khó, những kỳ thuật tinh xảo của người trong nghề. Chẳng hạn, để làm được chiếc cổng bằng đá, ngoài việc tính toán kỹ thuật, kết cấu, người thợ cần phải có hoa tay và trình độ, bởi rất khó tạo ra các họa tiết.

Hay hiện tại người tiêu dùng thường chuộng các sản phẩm như các con sư tử chặn chân lên quả cầu, những chú chuột, chú trâu ngộ nghĩnh, những đầu rồng, voi, hổ lực lưỡng rồi lộc bình, chậu hoa, giếng nước… Tất cả những sản phẩm này đều không có bản vẽ quy chuẩn, sản phẩm làm ra đều theo con mắt và “hoa tay” người thợ. Có lẽ cũng vì thế mà mỗi sản phẩm làm ra từ đá ong đều là riêng biệt, không thứ nào giống thứ nào.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài
Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Nhà văn Nguyễn Văn Học bảo với tôi, ngoài vựa đá ong Bình Yên trên vùng Thạch Thất, sự hiện hữu của thứ “sản vật trời cho” này còn được thấy bóng dáng ở những ngôi làng cổ như Đường Lâm (Sơn Tây), Cốc Thôn (Ba Vì)… những nơi này, dù không phải điểm khai thác song hiện đá ong vẫn còn bóng dáng ở rất nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, rộng 5 gian với tường, móng xây bằng đá ong, mái lợp ngói ta (dân vẫn quen gọi là ngói mũi).

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Trải qua thời gian, kèo, cột, xà nhà đã bị phai mầu, hoen ố. Nhưng bức tường nhà, nền móng màu vàng thổ mặc nhiên ngấm bao nắng mưa mà vẫn không phai mầu. Chẳng thế mà, đến nay đá ong vẫn còn phảng phất đâu đó trong những ca từ, lời thơ: “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/ Em đã bao ngày lệ chứa chan…” (Trích bài thơ Mắt người Sơn Tây của cố thi sĩ Quang Dũng)

Quả thực, ở vùng đất xứ Đoài, nếu kiếm tìm ở các ngôi làng cổ hiện vẫn còn dấu tích của đá ong. Đó là những căn nhà mang đặc trưng của miền Bắc với kết cấu hầu hết đều được cấu thành đá ong. Làng cổ Đường Lâm là ví dụ. Theo những người dân nơi đây, đặc tính của nhà đá ong là mùa hè thì mát mẻ như được ở trong hầm sâu, còn mùa đông lại ấm áp do chất đá dày, ngăn chặn sự thoát nhiệt.

Băn khoăn trước đặc tính không phải loại vật liệu xây dựng nào cũng có này, tìm hiểu sâu hơn thì tôi mới biết, việc hình thành đá ong cũng tương đối đặc biệt. Loại đá này là kết quả tất yếu của biến đổi địa chất. Nói cách khác, đá ong chính là sự kết tủa và ngưng đọng của ô-xít sắt, nhôm, đồng và các khoáng chất, được tạo ra từ sự phong hóa mạnh mẽ của lớp đá mẹ.

Quá trình hình thành đá ong tương đối dài, từ đó tạo nên độ dày mỏng và sự phong phú về chủng loại… Dẫn giải cách thức hình thành tương đối khó, tuy nhiên có một điều dễ thấy hơn cả là đá ong vốn xốp, lỗ chỗ như tổ ong. Do thành phần cấu tạo chủ yếu là ô-xít sắt và nhôm, nên lúc còn nằm sâu dưới lòng đất thì khá mềm, nhưng khi đào lên gặp không khí, càng để lâu càng cứng. Trải qua những lớp lang thời gian, qua bao mùa nắng mưa, những viên gạch đá ong càng cố kết nhau lại, càng trở nên rắn chắc. Vì đặc tính ấy nên xưa nay nhiều người vẫn thích xây dựng nhà ở bằng thứ vật liệu tự nhiên này. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều di tích nổi tiếng ở xứ Đoài cũng đều sử dụng vật liệu đá ong để xây dựng, tôn tạo công trình. Thành cổ Sơn Tây, lăng Ngô Quyền, chợ Mía… là những công trình điển hình như thế.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Cũng xoay quanh đá ong, tôi chợt nhớ đến câu chuyện sau bữa cơm trưa với chị Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây. Chị bảo, “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì” là câu cửa miệng của người xứ Đoài nhằm chỉ sự khắc nhiệt của nắng gió ở vùng đất này. Nắng ở Sơn Tây cháy rát là thế, nhưng làn da của các thiếu nữ nơi đây lại trắng sáng nhờ những mạch nước nguồn trong mát ẩn sâu trong lớp đá ong.

Lại nữa, trong Hội thi “Trái mít ngon, an toàn xã Sơn Đông” (Sơn Tây) năm vừa rồi, tâm sự với tôi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Đông Nguyễn Duy Cường cho biết, mít Sơn Đông là đặc sản xứ Đoài. Trái mít Sơn Đông có vị thơm đặc trưng, khi chín có màu đẹp, cùi dày, ít xơ; múi to đều, vàng óng, giòn, ngọt đậm. Theo ông Cường, sở dĩ trái mít nơi đây ngon và thơm hơn các vùng khác một phần xuất phát từ chất đất. Cây mít trên dải đất này sống trên đất đồi, ăn sâu bén rễ trên những vỉa đá ong, chúng vì thế cũng cứng cỏi và ngon ngọt hơn. Tôi trộm nghĩ, hai ý kiến trên, dù chẳng hẹn nhưng lại hợp, lại cùng nói về đá ong. Và ở trong những câu chuyện của họ - chính con người sinh sống trên xứ Đoài, đá ong cứ thế hồn nhiên đi vào tâm thức, trở thành một phần gắn bó trong cuộc sống.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Tôi lang thang, thả mình ở Đường Lâm để thấy bóng dáng đá ong trên cổng làng, tường rào, giếng khơi ở vùng đất này. Chính những đặc tính của đá ong đã tạo ra những tác phẩm thủ công mỹ nghệ “có một không hai”, vừa đậm nét cổ xưa, mộc mạc mà vẫn thanh thoát, mềm mại, mang một vẻ sinh động riêng có. Tại những ngôi làng quanh khu vực thành cổ, những giếng khơi được đào trong đá ong, thành giếng xây bằng đá ong, nước trong veo. Giữa những ngày hè oi ả, nguồn nước giếng luôn trong và mát đến lạ thường. Những vỉa đá ong trầm tích hình thành trong lòng đất hàng vạn, hàng triệu năm. Ngoài cung cấp mạch nước ngầm mát lành còn là vật liệu để người dân khai thác, sử dụng xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc khác.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Có một điều ít người biết, ở Đường Lâm những căn nhà nơi đây được xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng xứ Đoài xưa, đó là đá ong, là các loại gỗ quý, kèm theo là các phụ kiện như: Rơm, rạ, bùn non, trấu, đất sét mịn… Cách xây dựng nhà đá ong cũng mang đầy tính dân dã. Theo như chủ của một căn nhà cổ ở Đường Lâm kể: Nhà được xây cất bằng đá ong sẽ luôn đảm bảo không khí trong nhà mát về mùa hạ, ấm áp về mùa đông. Xưa, khi người làng chưa biết đến các vật liệu kiểu như xi măng, cát, thép… thì thời bấy giờ, việc xây dựng chỉ sử dụng đá ong kết hợp với bùn non trộn vôi để miết mạch. Đá ong gắn bó và thân thương và chân quê cũng là vì thế.

Trở lại chuyện khai thác đá ong ở Thạch Thất, khi hỏi những người làm nghề khai thác đá ong ở Bình Yên, tôi thấy không ít người lo rằng những giá trị tinh hoa cùng nét đặc trưng của nền văn hóa đá ong sẽ dần không còn khi nguồn nguyên liệu khai thác dần cạn kiệt, đẩy mức giá ngày càng cao. Những người làm nghề lo lắng vì điều ấy, cá nhân tôi cũng thấy nôn nao. Muốn gìn giữ được phần nào “báu vật” của xứ Đoài, tôi lang thang khắp nơi để gặp gỡ, trao đổi với những người thợ làm trong các xưởng chế tác và điêu khắc, càng thấm thía sự bền bỉ, tỉ mỉ của những người thợ nơi đây.

Ông Vương Văn Hùng chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi đã được đưa về nhiều vùng trong cả nước, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, thậm chí được đưa vào miền trung, thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về vật liệu xây dựng tự nhiên càng lớn. Có những nơi đặt chúng tôi điêu khắc cả một cái cổng chùa, cổng xóm hoặc một ngôi nhà. Để đáp ứng nhu cầu đó, bàn tay người thợ lại phải tự học, trở nên khéo léo và giỏi nghề hơn”.

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài

Đá ong có thể làm được nhiều công trình kỳ vĩ. Qua trò chuyện, tôi được biết ngoài ông Vương Văn Hùng, nhiều người có khả năng điêu khắc đá ong, nhưng để tạo thành tượng những con giống, tượng người có hồn, sức sống thì khó ai theo kịp ông Tăng Hữu Dũng. Ngoài ra, những thớt đá ong, những nếp nhà cổ hay công trình từ đá ong được người dân bao đời vẫn được lưu giữ như câu chuyện của cụ Vương Văn Huệ và nhà văn Hà Nguyên Huyến, những người con xứ Đoài. Với họ, hàng trăm năm qua từ bước chân cho đến tâm hồn của người dân chốn này đã mặc nhiên “ngấm” cái cốt tủy của viên đá ong.

Lững thững trên con ngõ quê, hình ảnh tia nắng sớm tinh sương len lỏi qua những tầng mây, văng vẳng đâu đó tiếng trẻ con í ới gọi nhau đến trường là tiếng các chị, các mẹ bàn tán chuyện đồng, chuyện ruộng... tôi lạc trong miền đá ong xứ Đoài như tìm về một không gian xưa của trăm năm và có cảm giác như bước chân vào vùng đất quá khứ của nhiều thế kỷ. Tất cả như lắng đọng, yên bình một cách đến lạ.

Trong "Đôi mắt người Sơn Tây" cố nhà thơ Quang Dũng viết: "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương?... Đất đá ong khô nhiều suối lệ/Em có bao giờ lệ chứa chan?"!

Vâng, những ngày này xứ Đoài rất nhiều mây trắng, nhưng đất đá ong không còn khô suối lệ. Đá ong đã được bàn tay của những người thợ, nghệ nhân "thêu hoa, dệt gấm" để dựng nên những công trình, những tác phẩm kiến trúc độc đáo góp phần làm đẹp thêm cho văn hoá xứ Đoài!

Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài
Nội dung: Đinh Luyện
Thiết kế: Đức Hà
Tiếng Chiêng Mường ngân vang giữa Thủ đô Tiếng Chiêng Mường ngân vang giữa Thủ đô

Một buổi sáng, tôi đón người bạn từ Sài Gòn ra Hà Nội trong cái nắng rực rỡ của mùa hè xứ Bắc. Bạn tôi ...

....