Quan trọng là quyền lợi được đảm bảo

11:38 | 17/03/2022
(LĐTĐ) Tăng thời gian làm thêm từ 40 giờ lên đến 72 giờ/tháng không quá quan trọng bằng việc đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng và sức khỏe của người lao động trong thời gian làm thêm giờ. Vì thực tế, do đặc thù công việc, có những ngành nghề, lĩnh vực, đơn vị nhiều lao động phải làm thêm giờ vượt trần quy định để hoàn thành tiến độ.
Tăng giờ làm thêm: Đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người lao động Tăng thời giờ làm thêm: Có nên "mở toang" cho các ngành nghề? Tăng giờ làm thêm phải đảm bảo thỏa thuận bình đẳng, trả công xứng đáng cho người lao động
Quan trọng là quyền lợi được đảm bảo
Ảnh minh họa.

Theo dự kiến, ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức nới trần làm thêm giờ được Chính phủ đề xuất. Theo tờ trình của Ban soạn thảo, quy định mới về thời gian làm thêm là nâng số giờ làm thêm trong một tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc theo Bộ luật Lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng số giờ làm thêm như dự thảo là quá cao, cần phải xem xét. Song trên thực tế, chưa tính đến lĩnh vực doanh nghiệp, trong suốt 2 năm qua xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều lao động trong các lĩnh vực y tế, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang (gọi tắt là tuyến đầu chống dịch) đã phải làm thêm vượt rất nhiều thời gian quy định.

Thậm chí, một số cơ quan quản lý Nhà nước, để kịp tiến độ công việc, không ít người lao động phải làm thêm giờ với thời gian cao hơn nhiều lần so với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật. Đề cập nội dung này, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các báo đã trích dẫn công khai dẫn chứng mà Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đưa ra.

Đấy là chưa kể, khi toàn xã hội bước vào trạng thái bình thường mới để thích ứng an toàn với đại dịch, các doanh nghiệp đã xốc lại sản xuất- kinh doanh, bù đắp đơn hàng cho đối tác, nên hầu hết lao động phải tăng ca sản xuất. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng quy định tăng trần về thời gian làm thêm để quản lý là đúng đắn, song để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động còn quan trọng hơn nhiều.

Ví dụ, do đặc thù công việc, một cơ quan, xí nghiệp phải huy động cán bộ, nhân viên làm thêm để đạt tiến độ công việc. Để hoàn thành, người lao động phải làm thêm số giờ vượt trần, thậm chí vượt rất xa quy định về khung giờ làm thêm. Vậy chế tài nào đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động? Từ tiền công, tiền lương, chế độ đảm bảo sức khỏe. Vì nếu tuân theo đúng quy định thì công việc không kịp tiến độ.

Nhưng nếu làm thêm quá quy định lại vi phạm luật, hoặc nếu người lao động đồng ý thì cơ quan chủ quản, chủ sử dụng lao động không biết căn cứ vào đâu để tính tiền công, tiền lương làm thêm?

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động bằng cách nâng tối đa số giờ làm thêm trong tháng, cơ quan soạn thảo cũng cần bổ sung phụ lục về cách tính tiền công, tiền lương khi người lao động làm thêm quá khung giờ quy định trong thời gian đặc thù cụ thể để người lao động không bị thiệt.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này