Để người lao động thực sự tiếp cận được nhà ở

13:22 | 15/03/2022
(LĐTĐ) Mặc dù thời gian qua chúng ta đã ban hành các chính sách về nhà ở xã hội để người thu nhập trung bình, thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở. Thực tế, trên địa bàn cả nước cũng đã có nhiều khu nhà ở xã hội được xây, đưa vào sử dụng, song nhìn chung cung chưa đáp ứng đủ cầu, giá nhà vẫn tương đối cao so với người có thu nhập trung bình.
Thiếu trầm trọng nhà ở giá rẻ nhưng dư thừa nhà ở cao cấp Nỗ lực cao nhất để cung cấp nhà ở chất lượng cho người dân thu nhập thấp Đảm bảo chính sách an sinh cho công nhân
Để người lao động thực sự tiếp cận được nhà ở
Ảnh minh họa.

Để khắc phục những bất cập về nhà ở và quản lý kinh doanh bất động sản, ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Thủ tướng đã đôn đốc Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Liên quan đến Luật Nhà ở, Chỉ thị nêu rõ: “Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực các bộ đáp ứng việc phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính; hoàn thiện các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư các nguồn lực cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, để bảo đảm chính sách an sinh xã hội về nhà ở”.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng sớm bổ sung hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật Nhà ở để trình các cấp có thẩm quyền xem xét nhằm sớm đưa các quy định liên quan đến việc xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Như chúng ta đều biết, Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 /2015. Qua hơn 6 năm thực hiện, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện do một số quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan khác, một số quy định đến nay đã không còn phù hợp với thực tế hoặc pháp luật nhà ở còn thiếu quy định, chưa điều chỉnh được hết các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.

Đặc biệt, liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các quy định còn chung chung dẫn đến việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm so với kế hoạch, giá nhà còn cao so với mặt bằng thu nhập của công nhân lao động và người có thu thập trung bình; đã thế quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở công nhân lại chưa tương xứng…

Nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, giá nhà vẫn khá cao, trong khi việc quản lý kinh doanh bất động sản còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng đầu cơ bất động sản làm méo mó thị trường, đẩy giá bất động sản tăng cao khiến người thu nhập trung bình, thu nhập thấp càng khó tiếp cận. Đơn cử trong quản lý kinh doanh, sở hữu bất động sản ở các nước, ngoài việc sở hữu 01 nhà ở, nếu sở hữu từ 2 căn trở lên thì việc chịu thuế rất cao.

Tuy nhiên, ở nước ta thời gian qua, rất nhiều người sở hữu một lúc 2 đến khá nhiều nhà ở và đất ở. Sở hữu bất động sản là tài sản là vấn đề được pháp luật bảo đảm quyền tư hữu, vấn đề chính vì công tác quản lý lỏng lẻo, nên người có tiền “đổ xô” đi kinh doanh theo hình thức đầu cơ để chốt lãi dẫn đến giá nhà đất cứ trượt dài (ngược kim đồng hồ so với mức thu nhập thật của đại bộ phận người dân).

Vì thế, việc Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh việc sửa đổi 2 đạo luật quan trọng trên chắc chắn sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giúp người dân nói chung, người lao động có thu nhập trung bình và thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này