Doanh nghiệp vận tải TP.HCM chật vật vì giá xăng dầu tăng "phi mã"

17:44 | 03/03/2022
(LĐTĐ) Giá xăng dầu tăng liên tục từ tháng 12/2021 đến nay, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng, nhiều doanh nghiệp trong số đó đã phải tăng giá cước để bù lại chi phí dôi ra do giá xăng dầu tăng cao.
Phụ huynh TP.HCM áp lực vì con quay lại học trực tuyến sau vài ngày đến trường F0 trong trường học tại TP.HCM dao động khoảng 200-300 ca/ngày Thân nhân ở TP.HCM, đau xót đón thi thể 4 nạn nhân vụ chìm ca nô ở Quảng Nam

Chật vật vì giá xăng dầu

Vừa hoạt động ổn định trở lại sau dịp Tết Nguyên đán 2022 chưa được bao lâu, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách phải "than trời" khi giá xăng tăng phi mã. Trong kỳ điều hành giá ngày 1/3 của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 giá 26.070 đồng, xăng RON 95 là 26.830 đồng, dầu diesel là 21.310 đồng một lít. Đây đã là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay.

Giá xăng tăng quá nhanh, khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách trở tay không kịp, doanh thu theo đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ cũng không thể tăng giá cước một các "chóng vánh" như giá xăng, vì tăng giá cước đồng nghĩa với việc có thể mất khách hàng. Trong khi đó, giá xăng dù tăng cao đến đâu, thì khách hàng vẫn luôn trung thành, vì đây "máu huyết" của phương tiện vận tải.

Doanh nghiệp vận tải TP.HCM chật vật vì giá xăng dầu tăng
Các tài xế xe khách chật vật vì giá xăng tăng cao, trong khi lượng khách lại giảm.

"Khách hay hàng đến nay chưa ổn định lắm, nhưng giá xăng dầu lại cao ngất ngưỡng. Chúng tôi hoạt động lại ở giữa tháng 11/2021 và tận đến hơn 20 Tết Âm lịch xe mới bắt đầu có khách để chở. Những ngày tháng về trước, đã có lúc tôi định từ bỏ nghề, bán xe để trả nợ", ông Trương Bích, chủ xe Sáu Tình, tuyến xe Đà Nẵng - TP.HCM nói.

Ông Bích hiện là trụ cột chính của gia đình gồm 4 thành viên, thu nhập hàng tháng của ông trong thời điểm dịch bệnh có lúc không tới 6 triệu. Chi phí sinh hoạt, học phí cho con cái... đè nặng khiến ông phải chạy vạy, làm thêm nghề tay trái để có đồng ra đồng vào.

Lý giải về ý định bán xe để trả nợ, ông Bích cho biết, cách đây vài năm, ông đã phải đi vay ngân hàng góp với tiền tiết kiệm và vay mượn của người thân để mua xe khách, mới mong muốn sau này sẽ có cuộc sống no ấm hơn. Nhưng trong năm 2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, ông buộc phải cho xe "phơi nắng" suốt nhiều tháng trời, chi phí sinh hoạt cộng với lãi suất ngân hàng khiến ông phải nghĩ đến phương án cuối cùng là bán xe để trả nợ.

"Bây giờ hết dịch nên cũng đỡ hơn một chút, trung bình mỗi ngày cao nhất có 25 khách với giá vé 450.000 đồng/người. Hàng hóa sụt giảm nhiều so với ngày 20 Tết âm lịch. Tính hết chi phí xăng dầu, lương nhân viên, thì lời còn vài trăm nghìn. Giá cả tăng cao, dịch bệnh chưa hết thì có đồng vào đồng ra là mừng rồi", ông Bích nói.

Doanh nghiệp vận tải TP.HCM chật vật vì giá xăng dầu tăng
Ngành vận tải hành khách sau 1 năm chống chọi với dịch bệnh, đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Cùng chung cảnh ngộ, Bà Hồ Thị Thu Phượng (chủ nhà xe Phương Sa, tuyến Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu đi bến xe Miền Đông) cho biết, vào năm 2020, bà có 4 chiếc xe hoạt động ở bến Miền Đông. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Phượng đã bán bớt 2 chiếc để trả lãi ngân hàng đã vay mua xe trước đó.

Bà Phượng cho rằng, tình hình làm ăn nhà xe của mình chỉ mới ở mức tạm ổn thời điểm cận và sau Tết. Hiện nay, bà vẫn đang gặp khó vì giá xăng dầu lại tăng cao chóng mặt.

"Bình quân mỗi tháng tôi trả lãi ngân hàng cho 2 chiếc xe còn lại, khoảng gần 50 triệu đồng. Những khoản thanh toán này phải đủ và đúng hạn, nếu không sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Và tôi là điển hình của những người nộp lãi trễ, phạt là chuyện bình thường", bà Phượng nói.

Doanh nghiệp xin tăng cước

Chia sẻ với phóng viên, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cho biết, với tình hình giá xăng dầu tăng phi mã như hiện tại, các doanh nghiệp taxi chỉ có hai phương án là tăng giá cước hoặc chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, dù chọn bất kỳ phương án nào cũng sẽ có thiệt hại ít nhiều cho các doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp taxi bây giờ chịu cũng hết nổi rồi, có lẽ sẽ tăng giá cước. Tuy nhiên việc tăng giá như thế nào và khi nào vẫn chưa biết. Nếu tăng giá cao để bù lại mức tăng của xăng dầu thì sợ mất khách, không tăng thì chịu lỗ còn tăng ít thì không ăn thua. Doanh nghiệp hiện vừa hoạt động vừa trông chờ xem giá xăng diễn biến thế nào để có quyết định tăng cước hay không", ông Hỷ nói.

Doanh nghiệp vận tải TP.HCM chật vật vì giá xăng dầu tăng
Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đã xin tăng giá cước 20% tại Bến xe Miền Đông.

Ông Hỷ cho biết thêm, xăng dầu đối với các phương tiện vận tải là "máu huyết" vì thế nếu muốn hoạt động thì cần phải có xăng dầu. Hiện nay, trong cơ cấu giá thành thì nhiên liệu chiếm từ 25-30%, do đó, nếu xăng dầu vẫn tiếp tục tăng thì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

"Xăng dầu tăng thì giá cước tăng, mà khi đó nhiều loại hàng hóa khác cũng tăng theo. Hệ lụy là người dân chịu hết", ông Hỷ nói.

Liên quan đến việc này, ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông thông tin, hiện tại đơn vị đã nhận được kê khai điều chỉnh giá vé tăng 20% của 11 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến. Theo quy định liên quan đến kê khai giá vé vận tải hành khách, các đơn vị sẽ gửi đề xuất lên cơ quan quản lý là Sở Giao thông Vận tải ở các tỉnh/thành phố.

Hiện, có 140/153 đơn vị vận tải đã hoạt động trở lại tại bến kể từ sau khi thành phố Hồ Chí Minh khôi phục kinh tế trong trạng thái "bình thường mới". Tuy nhiên, lượng khách bình quân đạt khoảng 7.000 khách/ngày, con số này chỉ đạt 42% so với tháng 2/2021, còn so với thời gian trước dịch chỉ đạt khoảng 32%.

Đây là các nguyên nhân khiến đơn vị vận tải phải điều chỉnh tăng giá vé lên 20%. Nếu tính từ đầu năm 2022 cho tới kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng dầu tăng khoảng 6%. Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân chưa thể phục hồi như trước. Lượng khách chỉ còn khoảng 40% – 50% so với cùng kỳ các năm.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này