Phụ huynh TP.HCM áp lực vì con quay lại học trực tuyến sau vài ngày đến trường

19:16 | 02/03/2022
(LĐTĐ) Chỉ sau vài ngày cho con đến trường học trực tiếp, nhiều phụ huynh tại thành phố Hồ Chí Minh lại phải tiếp tục những chuỗi ngày kèm cặp con học trực truyến, khi trong lớp xuất hiện ca F0.
F0 trong trường học tại TP.HCM dao động khoảng 200-300 ca/ngày Thân nhân ở TP.HCM, đau xót đón thi thể 4 nạn nhân vụ chìm ca nô ở Quảng Nam Tổ chức hội chợ nhượng quyền thương hiệu F&B từ Singapore vào Việt Nam

Căng thẳng vì học trực tuyến

Khi thành phố Hồ Chí Minh cho toàn bộ học sinh đến trường học trực tiếp vào ngày 14/2, nhiều phụ huynh đã rất vui mừng khi con cái của mình không còn phải học trực tuyến ở nhà, không còn lo về sức khoẻ tâm lý của con. Đồng thời, các phụ huynh cũng có nhiều thời gian hơn để tập trung vào công việc sau Tết.

Tuy nhiên, con học trực tiếp chưa được bao lâu, nhiều phụ huynh đã phải đón con về nhà và tiếp tục học trực tuyến trở lại, vì trong lớp có học sinh F0. Điều này khiến cuộc sống của không ít gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh, tưởng chừng đã được ổn định sau dịch, nay lại phải quay về cuộc sống như trước Tết.

Phụ huynh TP.HCM áp lực vì con quay lại học trực tuyến sau vài ngày đến trường
Nhiều phụ huynh ở thành phố Hồ Chí Minh áp lực vì phải kèm con học online trong khi vẫn phải hoàn thành công việc của mình.

Chị Hà Ngọc Nga (ngụ quận 9) cho biết, chị đang rất áp lực khi con trai đang học lớp 3 quay về học trực tuyến, nhất là công việc hiện tại của chị đang có nhiều việc phải hoàn thành, sau khi bị trì hoãn do dịch Covid-19.

“Con tôi đã có hơn 10 tháng học trực tuyến và sau 2 tuần đi học trực tiếp bây giờ lại tiếp tục quay lại học trực tuyến vì trong lớp có 1 ca F0. Nhà trường thông báo 7 ngày sau đi học lại. Nhưng lấy gì đảm bảo khi đi học lại không còn xuất hiện F0?”, chị Nga nói.

Chị Nga cho biết, khi con học trực tuyến đồng nghĩa với việc mẹ phải lo cơm nước 3 bữa/ngày, lo thời gian sắp xếp công việc và trông chừng con, lo cho mình tâm thái ổn định để đối mặt với những cơn cảm xúc “bất thường” do ngồi trước máy tình nhiều của con… “Thực sự đến bây giờ, tôi chính thức rơi vào tình trạng kiệt sức”.

“Dịch bệnh ai cũng khổ, nhưng thử nhìn vào phụ nữ và trẻ em, giữ nhau trong 4 bức tường của những căn hộ đô thị kéo dài gần một năm nay và chưa có hồi kết. Nếu tiếp tục chuỗi ngày đóng-mở cửa trường như thế này, mọi người sẽ thấy hậu quả của Covid-19 kinh khủng thế nào”, chị Nga nói thêm.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (ngụ quận 12) cho biết, cách đây hơn 1 tuần trong lớp của con gái đang học lớp 4 tại Trường tiểu học Phạm Văn Chiêu xuất hiện F0, nên con được về nhà học trực tuyến. Từ khi đó, chị Ngọc phải căng mình vừa chăm sóc con vừa làm công việc bán hàng của mình.

“Sau 8 tiếng nhận thông báo của thầy giáo là trong lớp có F0, phụ huynh phải đón con về học trực tuyến tại nhà 7 ngày, tôi đã bật khóc. Thực sự tôi rất căng thẳng và mệt mỏi khi tiếp tục kèm con học trực tuyến tại nhà, khi công việc vẫn cần phải làm”, chị Ngọc nói.

Chị Ngọc cho biết, việc học trực tuyến không chỉ ảnh hưởng đến cha mẹ, mà còn ảnh đến đến bản thân con cái. Khi con đã phải học trực tuyến trong thời gian dài, nếu tiếp tục học sợ gây những tác động xấu đến sức khoẻ tâm lý của con. Ngoài ra, việc học trực tuyến cũng không thực sự hiệu quả vì con tương tác ít với thầy cô, hay mất tập trung… khiến con tiếp thu kiến thức không được như những bạn học trực tiếp.

Tác động đối với tâm lý của trẻ

Thực tế, việc học sinh học trực tuyến quá lâu từng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, y tế cảnh báo sẽ có tác động xấu đến sức khoẻ của trẻ. Nhất là việc học trực tuyến sẽ khiến trẻ ít có sự tương tác trực tiếp với nhau, nguy cơ sau này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hoà nhập, giao lưu và kết nối.

Hiện nay, không chỉ trẻ mà cả bậc làm cha, làm mẹ cũng đối mặt với áp lực to lớn đối với việc học trực tuyến của con cái. Nhất là giai đoạn hiện nay, công việc của các bậc phụ huynh đã bắt đầu ổn định trở lại sau dịch. Vì thế, vừa chăm con học trực tuyến vừa tập trung vào công việc đang là một thách thức đối với nhiều bậc phụ huynh.

Phụ huynh TP.HCM áp lực vì con quay lại học trực tuyến sau vài ngày đến trường
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc học trực tuyến quá lâu sẽ khiến cho trẻ không học được các cảm xúc khi gặp người khác.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Chuyên gia dịch tễ học, nguyễn Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc học trực tuyến quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý của trẻ, do trẻ không được tiếp xúc với bạn bè, cô giáo, sau này có thể trẻ không học được cảm xúc khi gặp người khác.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, việc học trực tuyến cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất của trẻ, khi trẻ phải ngồi học liên tục nhiều giờ đồng hồ trước màn hình máy tính, nguy cơ gây ảnh hưởng đến mắt, tai của trẻ.

“Nếu vào thời điểm này nếu đã không học thì thôi, nếu học thì học trực tiếp, vì thời gian học trực tuyến đã quá lâu. Những em học sinh F0 thì cho ở nhà, những học sinh chưa F0 thì tách ra, cho tiếp tục đến trường”, bác sĩ Khanh nói.

Theo PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, việc học trực tuyến quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ, và đây cũng là một vấn đề của cả thế giới.

“Số ca nhiễm hiện nay chủ yếu là từ trẻ dưới 12 tuổi và tỷ lệ đang tăng dần, việc này gây ảnh hưởng đến việc học của trẻ, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý. Vì thế, cần phải tiêm vắc xin cho trẻ để giúp cha mẹ yên tâm, đồng thời giúp cho trẻ có thể an toàn trước Covid-19”, bác sĩ Nguyên cho biết.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần vừa qua ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế thực hiện việc xử lý F0, F1 theo quy định mới. Theo quy định, thì đối tượng học sinh tiếp xúc gần ở cấp mầm non là khi có 1 trẻ F0, cả lớp sẽ nghỉ học. Từ tiểu học THCS, THPT thì chỉ 1 nhóm học sinh được xác định là F1, các F1 này sẽ chuyển sang học trực tuyến, theo dõi 5-7 ngày theo quy định.

Trong trường hợp 1 lớp có 2 ca F0 trong 1 ngày trở lên, cơ sở giáo dục sẽ phối hợp với y tế địa phương để đánh giá yếu tố dịch tễ của các ca này để có hình thức tổ chức phù hợp. Trường hợp có 2 lớp trở lên có F0 trong trường cũng vậy. Có nhiều cách điều chỉnh: tiết chế số tiết học theo quy định, tiết chế lại các hoạt động trong trường. Chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến chỉ là phương án cuối cùng.

"Với các quy định mới các cơ sở giáo dục đang thích ứng và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Để thực hiện tốt công tác này, rất mong nhận được sự phối hợp của y tế cơ sở ở nơi cơ sở giáo dục trú đóng và nơi học sinh cư ngụ; cũng như mong sự phối hợp của cha mẹ học sinh", ông Trọng nói.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này