Hà Nội: Xem xét nâng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện cao hơn mức hỗ trợ theo quy định

17:16 | 01/03/2022
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH tự nguyện cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (10%, 25% và 30%) cho người có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Nội, từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện an sinh cho người dân Trao tặng 150 sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn Hà Nội: 3 tháng cuối năm, phấn đấu mỗi xã/phường/thị trấn có 60 người tham gia BHXH tự nguyện

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.

Kế hoạch được ban hành nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy và các chính sách, pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố về công tác BHXH tự nguyện.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố trong công tác BHXH tự nguyện; thường xuyên xác định phát triển BHXH tự nguyện là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hà Nội: Xem xét nâng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện cao hơn mức hỗ trợ theo quy định
Lễ ra quân tuyên truyền tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: BHXH Việt Nam).

Cụ thể, phấn đấu đến giai đoạn đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện trên 3% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 55%.

Giai đoạn đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 10% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 65%.

Để đạt mục tiêu trên, cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở và trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân khi tham gia BHXH; tham gia BHXH tự nguyện nhằm tự bảo đảm cuộc sống khi về già, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội…

Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt để phổ biến, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trên địa bàn Thành phố.

Theo Kế hoạch, BHXH Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH tự nguyện cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (10%, 25% và 30%) cho người có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Nội, từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, khó khăn từ nguồn tài chính từ Ngân sách Thành phố, nguồn viện trợ, nguồn xã hội hóa, các quỹ từ thiện hợp pháp,...

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH tự nguyện cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, chú trọng cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nâng cao chất lượng phục vụ; thực hiện thu BHXH tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, qua ứng dụng trực tuyến của ngân hàng, xác nhận thời gian tham gia BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định.

Nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức BHXH Thành phố trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; kịp thời hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ khó khăn cho người tham gia BHXH tự nguyện.

UBND Thành phố giao BHXH Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về chính sách BHXH tự nguyện; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng công tác BHXH tự nguyện với nhiều hình thức.

Giao Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, chủ trì, tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định; phối hợp nghiên cứu, đề xuất tăng mức hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH tự nguyện cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ từ ngân sách Thành phố, ngân sách các quận, huyện, thị xã, nguồn viện trợ, nguồn xã hội hóa, các quỹ từ thiện hợp pháp,...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này