Tinh thần thép của nữ nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch

09:06 | 27/02/2022
(LĐTĐ) Hơn 2 năm căng mình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 là những kỷ niệm không thể quên của chị Lê Thị Thu Hiền (nhân viên khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS - Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn) và đồng nghiệp. Đó là những ngày chị mất ăn, mất ngủ, tạm xa gia đình để tập trung cho sứ mệnh của người làm công tác y tế, chăm lo sức khỏe nhân dân.
Khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức bán trú khi học sinh đi học trở lại Số smartphone cài đặt PC-Covid tại Hà Nội đạt tỷ lệ trên 62%

Ngày đi tiêm, tối đi chống dịch

Mặc dù đã có khoảng 10 năm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, nhưng với chị Lê Thị Thu Hiền, 2 năm tham gia phòng, chống dịch Covid-19 là quãng thời gian để lại cho chị nhiều kỷ niệm nhất và những bài học nghiệp vụ vô cùng quý giá.

Ngay từ khi dịch bùng phát, chị Hiền được phân công nhiệm vụ là thành viên đội đáp ứng nhanh về phòng, chống dịch Covid-19 của Trung tâm Y tế huyện. Sau này, chị Hiền đảm nhiệm thêm vai trò thư ký chương trình tiêm chủng phòng Covid-19. Chính vì vậy, cùng với đồng nghiệp, chị Hiền đã có nhiều tháng túc trực 24/24 giờ ở cơ quan để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan; phối hợp mạng lưới thầy thuốc đồng hành trong việc theo dõi sức khoẻ, chăm sóc người bệnh, phát hiện kịp thời các ca bệnh dấu hiệu chuyển nặng.

Nhớ về năm 2020, đầu năm 2021, khi dịch bệnh phức tạp và khó lường, bất kể ngày hay đêm, khi có tin báo ổ dịch mới là chị Hiền lập tức có mặt tại địa bàn, điều tra dịch tễ, khai thác lịch trình di chuyển của các ca bệnh, kịp thời xét nghiệm và khoanh vùng dập dịch; kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các khu cách ly, điểm chốt...

Tinh thần thép của nữ nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch
Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn đã thực hiện các chiến dịch tiêm chủng trong thời gian qua.

Trong đợt cao điểm của dịch bệnh, nhân viên y tế của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn còn phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện tiếp nhận hộ chiếu, ghi chép thông tin cá nhân và vận chuyển người về từ vùng dịch Covid-19 đến các khu vực cách ly tập trung; xét nghiệm diện rộng, test nhanh kháng nguyên cho người tham gia tiêm chủng, và xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao khác như ho, sốt cộng đồng… theo chỉ đạo của Thành phố đúng đối tượng, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Kể về khoảng thời gian đáng nhớ nhất, chị Hiền chia sẻ đó là khi toàn thành phố Hà Nội thực hiện chiến dịch tiêm chủng từ ngày 9-16/9/2021. Chiến dịch diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn nhưng đã hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Thời điểm đó, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch, cùng với 199 y, bác sĩ của tỉnh Thái Nguyên tăng cường, toàn huyện đã thành lập 32 điểm tiêm với 70 dây tiêm chủng. Bản thân chị Hiền và các đồng nghiệp đã làm việc bằng 200% sức lực, gần như quên ăn, quên ngủ để tiêm chủng cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Bằng những kinh nghiệm của mình, chị Hiền đã tiếp tục tham mưu cho ban Giám đốc Trung tâm y tế huyện tổ chức các điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại 26 xã, thị trấn, 5 phòng khám đa khoa trên địa bàn huyện với 44 đợt đảm bảo an toàn tiêm chủng, vắc xin về đến đâu triển khai tiêm đến đó.

Bận rộn làm việc bất kể ngày đêm, mặc cho mồ hôi có lã chã rơi, kệ cả những khi ngủ gục vì mệt, nhưng khi đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ xanh, chị Hiền và các đồng nghiệp luôn ý thức rõ vai trò và hiểu được trách nhiệm của những người làm y tế như mình trong thời điểm dịch bệnh. Chính nhờ tinh thần hết mình với công việc của đội ngũ nhân viên y tế, kết quả tiêm chủng trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã đạt kế hoạch đề ra.

Riêng năm 2021, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 14 tuổi, 15 - 17 tuổi và trên 18 tuổi đạt tỷ lệ hơn 99,9%. Hiện nay, ngành Y tế huyện đang tiến hành tiêm mũi 3, mũi bổ sung đạt tỉ lệ bao phủ gần 60%; lực lượng y tế tiến hành tiêm tại nhà cho những người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin, người cao tuổi hoặc trường hợp có nguy cơ cao. Đồng thời huyện đang tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Luôn vững tin trong trận chiến đẩy lùi dịch bệnh

Không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các cán bộ, nhân viên y tế làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến” chống dịch Covid-19, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả. Vậy nên, trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, có không ít cán bộ, nhân viên y tế dự phòng trở thành F1, thậm chí là F0.

Tinh thần thép của nữ nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch
Sự tin tưởng của nhân dân là liều thuốc tinh thần giúp đội ngũ nhân viên y tế có thêm động lực “chiến đấu” đẩy lùi dịch bệnh.

Trong thời điểm trò chuyện với phóng viên, chị Hiền cũng đang phải cách ly ở nhà vì là F0. Giọng khản đặc nhưng vẫn đầy nhiệt huyết, chị Hiền cho biết hằng ngày chị vẫn làm việc từ xa, đảm bảo tiến độ và chịu trách nhiệm toàn bộ công tác thống kê báo cáo công tác tiêm chủng của huyện.

Công việc chất chồng là thế, nhưng khi phóng viên hỏi: “Có lúc nào các chị nản lòng, muốn bỏ ngang hay không?”, chị Hiền chỉ cười, nói: “Quả thực, khi khối lượng công việc quá nhiều, chúng tôi có đôi lúc bị quá tải. Nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ của mình thì phải làm hết trách nhiệm. Chúng tôi làm việc quen đến nỗi không có khái niệm ngày nghỉ, không biết ngày thứ 7 hay chủ nhật. Hay có những anh, chị vẫn miệt mài đêm đi chống dịch, sáng về lại đi tiêm bình thường. Chúng tôi coi việc được đi làm là sự vinh hạnh, khi mình cố gắng thêm được bao nhiêu thì sẽ giảm được số ca mắc, số người tử vong vì Covid-19 bấy nhiêu”, chị Hiền nói.

Nhân dịp ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, chị Hiền tâm sự, bản thân các nhân viên y tế cũng càng cảm nhận rõ trọng trách của mình trong vai trò là người thầy thuốc, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19. Chị Hiền cũng cho biết, chính sự sẻ chia, động viên của người thân, sự quan tâm của lãnh đạo khoa và Trung tâm y tế huyện đã tạo điều kiện cho chị vượt qua khó khăn. Cùng với đó, sự tin tưởng của nhân dân chính là liều thuốc tinh thần giúp đội ngũ nhân viên y tế nói chung và bản thân chị nói riêng có thêm động lực “chiến đấu” đẩy lùi dịch bệnh, cố gắng hơn trong thời gian sắp tới.

Nhiều năm cống hiến cho công việc, bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ, chị Hiền cũng được Trung tâm Y tế huyện đánh giá là có tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm Y tế ban hành các văn bản trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Bên cạnh đó, chị cũng có tinh thần học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn được giao. Với những nỗ lực của mình, năm 2021, chị Hiền được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid- 19. Mới đây, chị Hiền cũng được đề nghị xét tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này