Xử lý vi phạm chưa nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật

18:00 | 15/02/2022
Bộ Tư pháp vừa có báo cáo tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương triển khai nhiệm vụ năm 2022 Thị xã Sơn Tây: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng mạnh về cơ sở Năm 2022: Hà Nội thí điểm mô hình mới về phổ biến, giáo dục pháp luật

Thúc đẩy đổi mới công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL

Qua 5 năm thực hiện Chương trình, đến nay các mục tiêu PBGDPL cho các đối tượng cụ thể cơ bản đạt được; nhiều nơi tỷ lệ đạt khá cao (Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành phố Hà Nội, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Bến Tre...), góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân

So với giai đoạn trước, điểm nổi bật của giai đoạn này là Chương trình đã tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL. Về nội dung PBGDPL, đổi mới theo hướng đa dạng, chủ động, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời nắm bắt và đáp ứng các vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, trong đó việc triển khai phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành đã được thực hiện tương đối đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Chương trình đã tạo bước chuyển biến mới thực sự về chất khi bắt đầu thực hiện thông tin, truyền thông về chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa PBGDPL với công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Xử lý vi phạm chưa nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến - một hình thức phổ biến pháp luật hiệu quả trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát.

Về hình thức PBGDPL, đây là giai đoạn đánh dấu bước chuyển quan trọng từ áp dụng chủ yếu các hình thức PBGDPL truyền thống sang áp dụng các hình thức PBGDPL mới, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đưa hoạt động này trở nên sinh động, mới mẻ, sáng tạo, hấp dẫn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhiều đối tượng.

Qua thực hiện Chương trình, Đề án đã phổ biến kịp thời các quy định pháp luật gắn với nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và nhân dân, bám sát nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn.

Từ đó, góp phần quan trọng nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Đáng quan tâm, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu chặt chẽ

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như công tác PBGDPL tại một số địa phương còn chưa bám sát với yêu cầu của thực tiễn, đôi khi vẫn mang tính thời vụ, thiếu xuyên suốt và hệ thống; một số địa phương còn chưa chủ động, linh hoạt trong xây dựng các mô hình, phương pháp, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế. Ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân trong toàn xã hội chưa có chuyển biến rõ rệt… PBGDPL là hoạt động có tính xã hội cao, không phát sinh lợi nhuận nên khó thu hút sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chính sách xã hội hóa; công tác tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu chặt chẽ; xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả PBGDPL.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về PBGDPL, đáp ứng công tác PBGDPL trong tình hình mới; triển khai sâu rộng các nhiệm vụ theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn, Quyết định số 1521/QĐ-TTg gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo thực hiện các Đề án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp thực hiện PBGDPL của các cơ quan, tổ chức, địa phương.

Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản, coi đây là giải pháp quan trọng để gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng PBGDPL về lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm. Đổi mới hoạt động PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở; có trọng tâm, trọng điểm.

Thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL và coi đây là giải pháp căn cơ để đổi mới, đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu tự học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, chính quyền số…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này