Chủ động phòng chống cháy, nổ trong những ngày đầu xuân

21:14 | 15/02/2022
(LĐTĐ) Trong văn hóa thờ cúng của người Việt, việc thắp hương, đốt vàng mã vào các ngày lễ Tết, ngày rằm được người dân duy trì đến ngày nay. Không chỉ thắp hương trong nhà, đình chùa mà người dân còn có thói quen thắp hương tại công sở, chợ, ki-ốt bán hàng… Thực tế cho thấy, việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn; chỉ cần một chút lơ là, bất cẩn là tai họa có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Không xảy ra cháy, nổ lớn trong dịp Tết Nhâm Dần Ấm lòng đoàn viên, người lao động Hanoi Metro Tăng cường phòng, chống “giặc lửa” dịp Tết

Theo phong tục của người Việt, trong những ngày đầu Xuân, ngày rằm tháng Giêng Âm lịch thường xem như ngày lễ trọng, vì thế có nhiều gia đình cúng lễ, ăn uống linh đình.

Cùng với đó, những ngày đầu Xuân, ngoài việc cúng lễ ở ban thờ gia đình thì việc đi lễ tại các nơi thờ tự đình, chùa, miếu, phủ rất phổ biến. Việc dâng hương, đốt vàng mã ở trong gia đình và tại đình, đền, phủ, miếu thường diễn ra với quan niệm ngày đầu năm may mắn.

Xuất phát từ quan niệm đó đã tiềm ẩn nguyên ngân dẫn đến cháy, nổ gia tăng vào các ngày này, thậm chí còn có thể gây cháy đình, chùa do ý thức chủ quan muốn dâng “mâm cao cỗ đầy” lên chùa, phủ, hoá thật nhiều vàng, mã để mong được bình an, may mắn. Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn tiền bạc mà còn gây cháy nổ bất cứ lúc nào.

Chủ động phòng chống cháy, nổ trong những ngày đầu xuân
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ ngày đầu xuân. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, hiện nay hầu hết trong các nơi thời tự, chùa, phủ đều có biển hạn chế thắp hương, nến và đốt vàng mã, song không phải người dân nào cũng ý thức được điều đó để điều chỉnh bản thân.

Nhằm chủ động đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ những ngày đầu năm, ngoài nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ thường xuyên, theo định kỳ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an thành phố Hà Nội đều có các chuyên đề riêng, đặc biệt những ngày trước rằm tháng Giêng.

Ví dụ, trên địa bàn quận Tây Hồ, nơi được xem như điểm đến của dịp du xuân rằm tháng Giêng, trong đó có những nơi thường đông đúc khách thập phương như chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên…

Ở những danh thắng, di tích này, ngoài việc trang bị đầy đủ thiết bị PCCC và hướng dẫn Ban quản lý di tích, thắng cảnh, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Tây Hồ còn có cả lực lượng chữa cháy ở cơ sở ứng trực, kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Ông Trương Tiến Hồi - Trưởng tiểu Ban quản lý di tích phủ Tây Hồ, cho biết, hằng năm Ban quản lý đều phối hợp với Công quan quận Tây Hồ tiến hành tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy trong trường hợp cần thiết.

“Ngay tại Phủ Tây Hồ, việc thắp hương, hóa vàng cũng được hạn chế tối đa Việc thắp hương, hóa vàng đều được Ban quản lý tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân tránh lãng phí và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy”, ông Trương Tiến Hồi cho biết.

Hay như tại quận Bắc Từ Liêm, mới đây, Công an quận cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy mùa hanh khô, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các lễ hội đầu xuân năm 2022 và kế hoạch đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn.

Công an quận Bắc Từ Liêm cũng yêu cầu các phường, đơn vị tổ chức tổng kiểm tra an toàn PCCC trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở hóa chất, xăng dầu, khu di tích văn hóa…

Từ đầu năm đến nay đơn vị đã tổ chức kiểm tra 986 lượt cơ sở, lập 986 biên bản. Phát hiện 52 tồn tại, thiếu sót về PCCC phải xử phạt vi phạm theo Quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Ra quyết định xử phạt 42 trường hợp/52 lỗi vi phạm về PCCC, phạt 169,9 triệu đồng. Tạm đình chỉ 45 trường hợp, đình chỉ 30 trường hợp. Xây dựng 154 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục.

Bên cạnh đó, nội dung kế hoạch cũng yêu cầu Công an các đơn vị, phường chủ động rà soát xây dựng, chỉnh lý phương án PCCC & CNCH đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, nhất là phương án chữa cháy và CNCH đối với các công trình trọng điểm, nguy hiểm về cháy, nổ.

Việc thực hiện các phương án phải có sự phối hợp, huy động nhiều lực lượng tham gia. Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; thực hiện tốt công tác tiếp nhận tin báo cháy, nổ; làm tốt công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy. Công an quận cũng yêu cầu Công an các đơn vị, phường duy trì chế độ thường trực chiến đấu 24/24; kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, không để cháy lớn.

Để phòng, chống cháy nổ trong nhũng ngày đầu năm, dịp Rằm tháng Giêng, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo khi thắp hương, đốt nến, hóa vàng, mã, cần để mắt tới, đặc biệt khi hóa vàng, mã cần tránh xa nơi có chăn màn, quần áo và các chất dễ cháy khác...

Việc sử dụng điện thắp sáng cho ban thờ cũng cần lưu ý tắt khi đã thắp hương xong, nếu gia đình nào dùng đèn dầu thì sau khi thắp hương xong, cần tắt để tránh chuột chạy va phải, hoặc gió thổi đổ đèn có thể gây cháy lan, cháy lớn.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này