Huyện Mê Linh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2025

13:52 | 13/02/2022
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện Mê Linh đã đề ra các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm. Trong đó, huyện sẽ ưu tiên công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát động Tết trồng cây tại huyện Mê Linh Không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 của huyện Mê Linh gồm 17 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, về chỉ tiêu kinh tế: Huyện đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8%-8,5%/năm; thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 1.000 tỷ đồng/năm.

Về chỉ tiêu văn hóa - xã hội: Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia: 85-90%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 80-85%...

Về nhóm chỉ tiêu quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường: Tỷ lệ xã được công nhận nông thôn mới nâng cao: 50%; tỷ lệ xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu: 25%; duy trì tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch: 100%...

Huyện Mê Linh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2025
Huyện Mê Linh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2025. (Ảnh minh họa: Lương Hằng)

Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện đã đề ra một số giải pháp. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cụ thể, huyện Mê Linh xây dựng kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 theo 02 kịch bản sau đây:

Kịch bản 1: Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu tăng 8%: Mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Huyện đề ra tăng trưởng từ 8 - 8,5%. Căn cứ tốc độ tăng trưởng dự kiến năm 2021, để hoàn thành mục tiêu tăng 8% trong 5 năm 2021-2025 (cận dưới của chỉ tiêu Đại hội) thì nhiệm vụ 4 năm còn lại 2022- 2025, tổng giá trị sản xuất phải tăng bình quân từ 8,1-8,6%.

Kịch bản 2: Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu tăng 7,0-7,5%: Dịch bệnh Covid-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; đến giữa hoặc cuối năm 2022 mới thực hiện tiêm vắc xin đạt mức miễn dịch cộng đồng; một số ca nhiễm vẫn diễn ra cục bộ những năm sau đó; dịch bệnh được kiểm soát từ năm 2023; có thể xảy ra mất cân đối cung - cầu của một vài loại nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và xây dựng dẫn đến cản trở sự phục hồi của nền kinh tế; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu giai đoạn 2022-2025 tăng bình quân từ 6,9-7,4% và trung bình 5 năm 2021-2025 đạt 7,0-7,5%.

Trên 2 kịch bản trên, huyện điều hành chủ động, linh hoạt các giải pháp phát triển kinh tế xã hội theo tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”, phấn đấu tăng trưởng đạt mức cao nhất theo kịch bản 1. Căn cứ tình hình thực tế và từng địa bàn cụ thể trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để lựa chọn ưu tiên, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân và an sinh xã hội. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này