Hơn 1,9 triệu người lao động quay lại thành phố Hồ Chí Minh sau Tết Nguyên đán

21:08 | 10/02/2022
(LĐTĐ) Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với tình hình hiện tại dự kiến sau ngày 13/2, lực lượng lao động sẽ quay lại Thành phố đầy đủ.
Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ chạy thử nghiệm vào giữa năm 2022 Thành phố Hồ Chí Minh không có ca tử vong vì Covid-19 sau 8 tháng Người dân thành phố Hồ Chí Minh đổ xô đi mua vàng ngày vía Thần Tài

Tại cuộc họp cung cấp thông tin định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chiều 10/2, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết, có hơn 1,9 triệu lao động quay lại Thành phố làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, đạt tỷ lệ khoảng 96%.

Trong đó, số lao động tại các Khu chế xuất, khu công nghiệp là 262.000 trên tổng số 273.000 người; tại khu công nghệ cao là 49.700 trên tổng số hơn 51.700 người; còn lại hơn 1,6 triệu lao động là các doanh nghiệp bên ngoài ở các địa phương hơn 1,6 triệu.

Theo ông Lâm, với tình hình này dự kiến sau ngày 13/2, lực lượng lao động sẽ quay lại đầy đủ. Một số doanh nghiệp đã chuẩn bị được đơn hàng đến tháng 7/2022 nên chính sách thu hút và giữ chân người lao động khá chu đáo. "So với các năm trước thì năm nay tỷ lệ công nhân quay lại cao hơn, trừ một số doanh nghiệp quy mô nhỏ còn cho lao động nghỉ phép, nhưng số lượng không đáng kể", ông Lâm cho biết.

Hơn 1,9 triệu người lao động quay lại thành phố Hồ Chí Minh sau Tết Nguyên đán
Dự kiến sau ngày 13/2, lực lượng lao động sẽ quay lại thành phố Hồ Chí Minh đầy đủ.

Ông Lâm dự kiến nhu cầu lao động sau Tết tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30.000 người. Theo thống kê của hệ thống dịch vụ, việc làm, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, dệt may, da giày, lương thực thực phẩm… Trong đó, mức lương của lao động không cần trình độ chuyên môn là trên 6 triệu đồng và lao động có tay nghề có mức lương từ 8 đến hơn 10 triệu đồng.

Tại buổi họp báo, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số tiền chăm lo Tết cho người lao động trong năm nay cao hơn 1,5 lần so với các năm trước. Lượng lao động trở lại làm việc từ 5/2 - 9/2 đạt tỷ lệ cao hơn khá nhiều so với các năm.

Liên đoàn Lao động thành phố cũng cho biết sau Tết, cơ quan này ghi nhận hơn 1.000 công nhân mắc Covid-19 khi trở lại làm việc, song hầu hết là trường hợp nhẹ. Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 đối với các công nhân trên địa bàn đạt trên 86%; riêng tại các khu công nghiệp đạt trên 96%...

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, dự kiến nhu cầu nhân lực của Thành phố sau Tết Nguyên đán 2022 khoảng 44.800-55.600 lao động, tập trung ở các ngành như dệt may-giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; cơ khí; hóa chất-dược-cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ.

Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao sau Tết như kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dệt may - giày da; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực - thực phẩm; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử...

Trong quý 1/2022, nhu cầu nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 71.500 - 86.900 lao động. Trong đó nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.

Sau Tết Nguyên đán phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, một lượng lao động lớn từ các tỉnh sẽ quay lại Thành phố sau khi tình hình dịch đã ổn định và sau thời gian về quê ăn Tết, thị trường lao động sau Tết tiếp tục có những chuyển biến tích cực, sôi động trở lại.

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương thu hút nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực trẻ. Để thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, doanh nghiệp và người lao động cần linh hoạt trong quá trình tham gia thị trường lao động.

Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, chính sách tuyển dụng nhân sự phù hợp, có phương án đảm bảo về phòng chống dịch trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như các chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho người lao động. Đồng thời, lao động, cần chủ động nắm bắt cơ hội, nâng cao khả năng thích ứng, đảm bảo đáp ứng với yêu cầu công việc, đặc biệt là tác phong, đạo đức nghề nghiệp để có được việc làm ổn định và thu nhập phù hợp.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này