Lễ mừng thọ - khắc sâu đạo lý "uống nước nhớ nguồn"

22:10 | 06/02/2022
(LĐTĐ) Mỗi độ Xuân về, mừng thọ người cao tuổi là nghi lễ cổ truyền, là một nét đẹp văn hóa vốn có từ lâu đời của người Việt Nam. Qua lễ mừng thọ, con cháu có dịp thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với ông bà cha mẹ, xã hội thể hiện được sự trọng vọng tôn kính đối với những bậc cao niên.
Nghệ An: Dừng tổ chức Lễ mừng thọ, đến tận nhà thăm hỏi tặng quà, động viên người cao tuổi Vinamilk đồng hành tổ chức Lễ mừng thọ và chăm sóc sức khoẻ cho 1.000 người cao tuổi

Những ngày đầu Xuân, nhiều gia đình và địa phương đã tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện sự kính già, trọng lão của thế hệ trẻ đối với các bậc cao niên.

Việc tổ chức thượng thọ có thể có nhiều hình thức, quy mô từ lớn đến nhỏ, tùy vào điều kiện và lòng thành của con cháu, việc chủ trì trượng thọ cho các cụ cao tuổi có thể do con cháu trong nhà tự tổ chức hoặc làng xóm hay thậm chí là Nhà nước, các tổ chức xã hội, tôn giáo đứng ra tổ chức đối với những cụ có đóng góp, cống hiến cho đất nước hoặc đức cao vọng trọng.

Hiện nay, tuỳ theo cấp độ dịch tại từng nơi mà các địa phương sẽ quyết định việc có hoặc không tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Lễ mừng thọ - khắc sâu đạo lý
Cụ Nguyễn Thị Đào (Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phấn khởi khi được con, cháu, dâu, rể tổ chức lễ mừng thọ tại nhà.

Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và để xã hội thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người cao tuổi. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Thời xưa, ngoài 50 tuổi là đã được tổ chức lễ mừng thọ. Tuy nhiên, ngày nay do xã hội phát triển, mặt bằng dân sinh, dân trí cao, tuổi thọ con người được nâng cao hơn nên thường lễ mừng thọ chỉ được tổ chức vào các năm 70, 80, 90…

Bước sang tuổi 80, cụ Nguyễn Thị Đào (Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phấn khởi khi được con cháu trong nhà tổ chức lễ mừng thọ. Cụ Đào tâm sự: "Năm nay do dịch Covid-19 nên tại địa phương không tổ chức lễ mừng thọ nhưng tôi vẫn rất vui khi được các con, các cháu đến mừng thọ, chúc rượu và tặng tranh.

Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời. Ngũ Phúc bao gồm năm yếu tố là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất, trong đó có tôi. Vì thế, rất dễ hiểu khi ngay trong đời sống thường nhật, trong những lời chúc tụng, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Tôi cho rằng tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng".

Thông thường, những nghi thức trong lễ mừng thọ phụ thuộc vào phong tục của từng nơi, từng địa phương mà có cách tổ chức khác nhau. Nhưng về cơ bản, thường thì lễ mừng thọ sẽ do con cháu trong nhà tổ chức riêng. Rồi sau đó, vào dịp đầu Xuân, ở đình làng sẽ tổ chức một lễ mừng thọ chung cho các bậc cao niên trong làng.

Theo phong tục, trong ngày mừng thọ, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ, tặng một số lễ vật nhỏ như: Tấm áo, chiếc khăn hay làm thơ, câu đối, tặng chữ, tặng tranh… để ông bà vui lòng.

Có thể ở đâu đó, vẫn còn việc tổ chức thượng thọ tại làng xã được cho là linh đình, tốn kém và gây ra nhiều phiền phức cho thực khách. Thế nhưng, không thể phủ nhận đây là nét đẹp văn hoá truyền thống cần được gìn giữ, phát huy bởi lẽ trên đời này không gì có thể thay thế tấm lòng của cha mẹ, ông bà đối với chúng ta. Hôm nay, những ai đang còn cha mẹ, ông bà thì hãy biết trân trọng và hãy làm cho họ hạnh phúc nhất.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này