Ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển

09:21 | 03/02/2022
(LĐTĐ) Năm 2021, ngành Ngoại giao đã nỗ lực đẩy mạnh công tác ngoại giao toàn diện phục vụ phát triển, với ngoại giao kinh tế làm nòng cốt, góp phần đưa đất nước vượt qua những thời khắc sinh tử và đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển bất chấp những thách thức to lớn của dịch bệnh.
Cơ hội tái cấu trúc kinh tế toàn cầu Thị trường lao động hứa hẹn phục hồi, phát triển Vùng Thủ đô và khát vọng vươn tầm khu vực

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh cho biết, triển khai tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII về ngoại giao tiên phong thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành Ngoại giao đã nỗ lực đẩy mạnh công tác ngoại giao toàn diện phục vụ phát triển, với ngoại giao kinh tế làm nòng cốt, góp phần đưa đất nước vượt qua những thời khắc sinh tử và đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển bất chấp những thách thức to lớn của dịch bệnh.

Điểm lại những kết quả nổi bật của công tác ngoại giao kinh tế năm qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh khẳng định, chắc chắn dấu ấn nổi bật nhất của ngoại giao kinh tế năm qua chính là thành công ngoạn mục của ngoại giao vắc xin được triển khai một cách thần tốc, đạt kết quả vượt kỳ vọng, góp phần đẩy nhanh kỷ lục tốc độ tiêm chủng, cho phép đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi lại nền kinh tế bị tổn thất nghiêm trọng.

Có những thời điểm cả nước căng mình giãn cách, phong tỏa để đối phó với dịch bệnh mà do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan mục tiêu đạt 150 triệu liều vắc xin mà Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ đề ra từ đầu năm tưởng chừng không thể đạt được, thì chỉ sau một vài tháng quyết liệt triển khai chiến lược ngoại giao vắc xin, đến cuối năm 2021, Việt Nam đã nhận hơn 192 triệu liều vắc xin bao gồm cả viện trợ và mua thương mại, vượt 30% kế hoạch đề ra, cùng nhiều trang thiết bị và liều thuốc điều trị hiệu quả.

Việt Nam tiếp nhận gần 1,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 do Pháp và I-ta-li-a trao tặng
Việt Nam tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 do Pháp và Ý trao tặng. Đây là kết quả tích cực của công tác ngoại giao vắc xin.

“Từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp nhất thế giới, Việt Nam đã vươn lên nằm trong nhóm đầu sáu nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đây là thành công hết sức ấn tượng, với quyết định đúng đắn, kịp thời triển khai chiến lược vắc xin và nỗ lực hết mình của công tác ngoại giao vắc xin của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Ngoại giao đóng vai trò quan trọng, đã giúp đất nước vượt qua được tình thế hiểm nghèo nhất”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh nhấn mạnh.

Ngoài kết quả ấn tượng nêu trên, công tác tham mưu, nghiên cứu được Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hết sức chú trọng. Bộ Ngoại giao đã tham mưu, đề xuất các chủ trương lớn, chính sách phù hợp và giải pháp quyết liệt, cụ thể cho Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có quyết sách kịp thời, hiệu quả, nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép.

Công tác hỗ trợ các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp cũng ngành Ngoại giao được đẩy mạnh nhằm góp phần tranh thủ xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và tháo gỡ khó khăn trong quan hệ với các nước để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác kinh tế trên mọi lĩnh vực.

Theo đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến trực tiếp và trực tuyến để thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm đối tác, thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh của ta như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày... Việt Nam đã tận dụng được thời cơ, không để lỡ nhịp trong tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.

Các hoạt động hội nhập quốc tế tiếp tục được ngành Ngoại giao thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất. Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh tiến trình phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm đưa hiệp định quan trọng này chính thức có hiệu lực không chậm trễ từ ngày 1/1/2022 như đã thỏa thuận.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện cũng tích cực hỗ trợ các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA; tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác kinh tế đa phương quan trọng, các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng…

Với Việt Nam, năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm tạo đà cho sự phục hồi kinh tế - xã hội và tạo lập nền tảng cho các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và sau đó như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra. Phát huy những kết quả đã đạt được, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 sẽ tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tận dụng các khuôn khổ quan hệ để tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa nước ta với các đối tác chủ chốt, đối tác tiềm năng, qua đó tiếp tục tranh thủ xu hướng phục hồi của các nước và các cơ hội hợp tác trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thứ hai, đẩy mạnh các nội hàm ngoại giao mới gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng bền vững, tận dụng tối đa những thành tựu của chuyển đổi số, trong đó bao gồm ngoại giao công nghệ, ngoại giao biến đổi khí hậu, ngoại giao nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại giao tập đoàn, ngoại giao y tế…

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động phối hợp, hỗ trợ, phục vụ trên cơ sở quán triệt tư tưởng ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, ngoại giao kinh tế sẽ chú trọng các biện pháp hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động, tận dụng lợi ích của các FTA thế hệ mới và khuôn khổ, diễn đàn hợp tác kinh tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và các hoạt động kinh tế - xã hội của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; tranh thủ, tận dụng các mạng lưới đối tác, tư vấn quốc tế, đối thoại chính sách kinh tế cho Việt Nam.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong tình hình mới. Nâng cao năng lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế cho ngành Ngoại giao cũng như các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh nhấn mạnh, ngoài những nhiệm vụ trên, chúng ta cần kiểm điểm, tổng kết hơn 10 năm triển khai Chỉ thị 41 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và trên cơ sở đó xây dựng một Chỉ thị mới của Ban Bí thư về đẩy mạnh triển khai đồng bộ toàn diện công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030 như một kim chỉ nam cho các hoạt động ngoại giao kinh tế của đất nước nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng trong thời gian tới, nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững, hướng tới những mục tiêu chiến lược 2030-2045, với khát vọng hùng cường cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này