Để người lao động chạm tới “giấc mơ” sở hữu nhà giá rẻ

10:26 | 03/02/2022
(LĐTĐ) Việc giá đất tăng cao đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh các sản phẩm nhà ở cho người lao động có mức thu nhập thấp. Việc chi phí đầu vào, đền bù, giải phóng mặt bằng tăng tác động đến giá thành căn hộ. Hệ lụy của cơn sốt "đất lạnh" ảnh hưởng trực tiếp tới “giấc mơ” sở hữu nhà giá hợp túi tiền của người lao động, công chức.
“Bắt mạch” thị trường bất động sản cận Tết Nguyên đán 2022 Các điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 7 loại hình nhà ở tại Việt Nam hiện nay

Tại tọa đàm “Đừng để giá nhà đất xa tầm tay người lao động” diễn ra đầu năm 2022, ông Vương Duy Dũng - Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay, năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, song giá bất động sản biến động tăng.

Tuy vậy, giá thay đổi tùy từng phân khúc, từng loại bất động sản và không phải tất cả các loại đều tăng cũng như các phân khúc tăng giống nhau. Những biến động trên sẽ ảnh hưởng đến giá nhà đất và khả năng đáp ứng nhà ở cho người thu nhập thấp.

Để người lao động chạm tới “giấc mơ” sở hữu nhà giá rẻ
Hệ lụy của cơn sốt "đất lạnh" ảnh hưởng trực tiếp tới “giấc mơ” sở hữu nhà giá hợp túi tiền của người lao động, công chức. (Ảnh minh họa: BT)

Theo ông Vương Duy Dũng, câu chuyện giải quyết nhà ở thu nhập thấp luôn được Chính phủ quan tâm, được nghiên cứu ban hành từ rất lâu, bắt đầu tư khi có Luật Nhà ở từ 2005, sau đó 2009 Thủ tướng cũng ban hành các Quyết định 65, 66, 67 để hỗ trợ phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị.

Đến 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 188, năm 2014 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 100… Các chính sách này đã phát huy những kết quả đáng kể, nhất là sau 2011, khi Chính phủ có chiến lược phát nhà ở quốc gia.

Từ 2011 đến 2020 đã phát triển hàng chục triệu m² nhà ở xã hội, đáp ứng nhà ở cho một bộ phận người thu nhập thấp ở đô thị. Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn các điểm hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguyên nhân đầu tiên khiến giá bất động sản tăng thời gian qua là do cung cầu. Trong những năm gần đây, nhất là trong 2020 và 2021, những dự án được duyệt, được mở bán giảm đi rất nhiều khiến cho lượng căn hộ ra thị trường ít. Trong khi đó, bình thường người dân đã có nhu cầu, tâm lý sở hữu một căn nhà có điều kiện tốt và dịch bệnh lại khiến cho nhu cầu này càng tăng lên.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, ông Hà Ngọc Phi Hải - Tổng Giám đốc Khải Hùng Group, cho hay, giá bất động sản, nhân công, vật liệu xây dựng tăng… sẽ tác động đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó xây dựng được nhà ở xã hội giá rẻ với mức giá khoảng vài trăm triệu đồng.

Theo ông Hải, trước dịch Covid-19, giá bất động sản đã lên cao, thời điểm dịch lại tăng thêm, điều này dẫn đến các doanh nghiệp khó xây dựng được những căn hộ giá rẻ cho người dân. Các doanh nghiệp rất cần Nhà nước, Ngân hàng Chính sách hỗ trợ để được sử dụng những quỹ đất công, tận dụng xây những căn nhà có mức giá rẻ, phù hợp với người dân có thu nhập thấp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hữu Nghĩa:

Tại thời điểm này, nếu đầu tư căn hộ giá rẻ sẽ có giá 25-30 triệu đồng/m², nếu vượt mức trên thì người lao động không có khả năng với tới. Một căn hộ 50m² có giá khoảng 1,5 tỉ đồng, mức giá này với nhiều người lao động cũng quá xa vời, ít nhất phải để dành 500 triệu đồng, vay 1 tỉ đồng, nếu lãi suất cao thì người vay không kham nổi dù vay 25-30 năm.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, cơ cấu giá thành để ra được một căn hộ cho thấy khó để có căn hộ giá thấp. Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị đầu tư, kế đến là giai đoạn đầu tư.

Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư thì việc mua đất sẽ có chi phí lớn nhất, kế đó là quy hoạch thiết kế, đóng tiền sử dụng đất. Chi phí lớn thứ hai là chi phí tài chính, kế tiếp là lợi nhuận nhà đầu tư mong muốn, từ đó doanh nghiệp tính ra giá căn hộ. Sau thị trường sơ cấp kể trên, đến thị trườngthứ cấp, tức mua đi bán lại.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho hay sắt chiếm tỉ trọng giá thành lớn trong cơ cấu một tòa nhà nhưng thời gian qua giá sắt tăng gấp đôi, gạch, nhân công tăng và lại thiếu… nhiều yếu tố trên cũng khiến cho giá căn hộ tăng. Nếu những chi phí trên không tăng đột biến, trong khi giá nhà tăng đột biến, cần phải xét lại nguyên nhân từ đâu, có thể là nguồn cung khan hiếm dẫn đến nhà đầu tư tăng lợi nhuận lên.

Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng về mặt chính sách, thực tế hiện nay đã có Nghị định 100, Nghị định 49 để làm nhà ở xã hội, trên lý thuyết khá ổn, còn thực tế triển khai lại có nhiều vướng mắc, có ưu đãi nhưng rất khó hưởng, gần như không có. Cụ thể, trong 5 năm qua làm nhà ở xã hội mà doanh nghiệp phải vay với lãi suất nhà ở thương mại, dẫn đến không thể có giá nhà rẻ bởi doanh nghiệp không có tiền để tái cấp bù lãi suất ngân hàng.

Bên cạnh đó, có ưu đãi là làm nhà ở xã hội được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy hoạch, hoặc tăng mật độ xây dựng lên 50%, nhưng trong Nghị định 49 không nói về tầng cao và dân số. Do đó, ông Nghĩa đề nghị phải làm rõ một số nội dung trong Nghị định, kèm theo các điều kiện trên. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề cập cần có những ưu đãi để doanh nghiệp hào hứng làm nhà ở xã hội, trong đó tính toán về giá đất theo giá thị trường.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này