Cơ quan hành chính phường nên được tổ chức theo thiết chế Ủy ban Hành chính

19:58 | 26/01/2022
(LĐTĐ) Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm đề nghị tiếp tục, nghiên cứu, đánh giá xem xét kỹ lưỡng từng bước, thận trọng, có thể xem xét lại về việc gọi cơ quan hành chính xã, phường, thị trấn là UBND.
Cần cơ chế, chính sách để phát huy các giá trị văn hóa của quận Hoàn Kiếm Đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô

UBND quận Hoàn Kiếm vừa có báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn và đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Xem xét lại về việc gọi cơ quan hành chính xã, phường, thị trấn là UBND

Theo đó, về tổ chức của Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND quận Hoàn Kiếm có quan điểm giữ nguyên HĐND quận và không tổ chức HĐND phường, thực hiện như thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội hiện nay. Việc không tổ chức HĐND phường theo mô hình chính quyền đô thị đã đáp ứng được yêu cầu đảm bảo tinh gọn bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đối với HĐND quận, mặc dù vẫn còn có những hạn chế trong hoạt động, tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy HĐND quận cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Luật giao, từng bước thể hiện được vị trí, phát huy được vai trò và đạt hiệu quả. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, với việc phân cấp, phân quyền thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế xã hội cho chính quyền địa phương, với việc tiếp tục tổ chức HĐND quận sẽ góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh trên địa bàn một cách nhanh nhạy và kịp thời.

Đồng thời, với việc không tổ chức HĐND phường thì việc tiến hành hoạt động giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành chính phường càng cần thiết và đẩy mạnh, đảm bảo việc triển khai thực hiện đúng với chỉ đạo của cấp trên và tuân thủ pháp luật.

Cơ quan hành chính phường nên được tổ chức theo thiết chế Ủy ban Hành chính
Tọa đàm về thi hành Luật Thủ đô và đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). (ảnh: Hoàng Phúc)

Bên cạnh đó, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị tiếp tục, nghiên cứu, đánh giá xem xét kỹ lưỡng từng bước, thận trọng, có thể xem xét lại về việc gọi cơ quan hành chính xã, phường, thị trấn là UBND.

Theo quận Hoàn Kiếm, cơ quan hành chính phường nên được tổ chức theo thiết chế Uỷ ban Hành chính để đảm bảo đúng bản chất và đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính cấp xã khi không tổ chức HĐND, mặt khác, các thành viên của cơ quan hành chính cấp xã do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã bổ nhiệm chứ không phải do HĐND bầu.

Người đứng đầu được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó cần tiếp tục được nghiên cứu

Về quản lý một số các đơn vị tổ chức theo ngành dọc như Trung tâm y tế các quận, huyện có ưu điểm là đảm bảo tranh thủ sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt theo ngành dọc của cơ quan chuyên môn cấp trên, phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao theo ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành, chế độ giao ban, báo cáo, giải quyết các vấn đề phát sinh, tổ chức các chương trình, hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn lại không đảm bảo kịp thời, không tranh thủ sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền UBND quận do cán bộ không thuộc UBND quận quản lý; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ khó khăn khi cán bộ chuyên trách xuống địa bàn, tổ dân phố, cơ sở liên hệ, làm việc…

Thực tế cho thấy, hoạt động thí điểm của các Đội quản lý trật tự xây dựng đang dần chứng minh được vai trò nòng cốt của mình trong việc giúp địa phương quản lý trật tự xây dựng đô thị hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự kỷ cương hành chính trên nhiều lĩnh vực của đô thị như trật tự lòng đường, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, nếp sống văn minh đô thị...

Do vậy, quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc bổ sung quy định trong Luật Thủ đô về phân cấp cho cấp quận, huyện quản lý đối với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Trung tâm Y tế quận sẽ có nhiều ưu điểm, phù hợp tình hình thực tế để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả lĩnh vực công tác chuyên môn tại địa phương (đặc biệt các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, kịp thời như trật tự đô thị, công tác phòng, chống dịch…).

Tuy nhiên, khi được phân cấp, chuyển giao thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý thì chính quyền quận phát sinh nhiều khó khăn. Đó là thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, số lượng công chức, viên chức quận giảm mạnh, việc thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ quản lý tổ chức bộ máy sẽ gây áp lực lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, khi tổ chức bộ máy mở rộng, nhân sự tăng lên, phân cấp về địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn thì quận rất khó khăn trong việc cân đối nguồn thu, nhiệm vụ chi. Vì vậy, UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị nghiên cứu cơ chế cho các đơn vị quận, huyện được phân cấp, giao nhiệm vụ đặc thù được tăng biên chế công chức đảm bảo điều kiện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền và có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho cấp cơ sở khi thực hiện phân cấp tổ chức bộ máy và nhiệm vụ mới.

Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, cơ chế người đứng đầu được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó là nội dung đột phá rất mới, cần tiếp tục được nghiên cứu, xem xét kỹ.

Từ thực tế khối lượng công việc tại một số đơn vị, khi công chức nghỉ hưu, chuyển công tác giữa chừng chưa tuyển dụng kịp đã khiến mức độ hoàn thành công việc tại một số đơn vị còn hạn chế. Do vậy, nhu cầu sử dụng lao động hợp đồng hỗ trợ chuyên môn đối với các chỉ tiêu biên chế còn thiếu trong các đơn vị cho đến khi tuyển dụng đủ số lượng công chức, viên chức là rất cần thiết.

UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ chi thường xuyên, cần cho phép UBND quận được ký hợp đồng ngắn hạn (dưới 01 năm) để hỗ trợ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ trong khoảng thời gian nhất định trong khi chờ tuyển dụng đủ công chức, viên chức…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này