Hạnh phúc của ca sĩ “giời hành”

10:40 | 03/02/2022
(LĐTĐ) Hẹn ca sĩ Thái Thùy Linh vào một buổi sáng cuối năm. 2 giờ đồng hồ ngồi với chị, lúc đứng lên mới giật mình bởi dường như những câu hỏi mới chỉ chạm đến một góc nhỏ về người phụ nữ “giời hành” bất chấp hiểm nguy, một mình lao đến thành phố Hồ Chí Minh làm thiện nguyện giữa lúc dịch Covid-19 diễn ra ác liệt nhất.
MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” của Tân Nhàn được giới chuyên môn đánh giá cao Ca sĩ Văn Mai Hương khuấy động Đại nhạc hội Sóng Trẻ Festival 2021 Ca sĩ Phi Nhung qua đời sau thời gian điều trị bệnh Covid-19

Chào chị, tôi nên gọi chị là Thùy Linh ca sĩ hay Thùy Linh “giời hành”?

Linh là ca sĩ ạ. Nhưng là ca sĩ "giời hành". Bạn bè thương mến hay bảo Linh bị "giời hành" nên mới lận đận bao năm như thế vì những người yếu thế chẳng phải họ hàng thân thích, cũng chẳng nợ nần gì. Thôi thì giời hành cũng được, có sức khoẻ để được đi làm nhiều việc "giời hành" cũng là một hạnh phúc rồi.

Chị có vẻ “tham lam” nhỉ?

10 năm qua Linh vẫn “tham” thế mà. Ban đầu định cống hiến cho cộng đồng 2 năm thôi, rồi sẽ quay lại cuộc sống của mình, nhà bao việc. Nhưng chớp mắt đã sang năm thứ 11. Và... chưa có dấu hiệu dừng lại, cái hành trình "giời hành" nhiều cảm xúc này.

Hạnh phúc của ca sĩ “giời hành”
Ca sĩ Thái Thùy Linh và cộng sự giữa tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh.

Có phải những người luôn tất bật với thiện nguyện ngoài bị “giời hành” còn có yếu tố… di truyền?

Ai thì không biết, nhưng với Linh thì thật đấy. Từ bé Linh đã được thấy mẹ tích cực giúp đỡ những người xung quanh, lúc đưa người tai nạn đi cấp cứu, lúc chở giúp người đau ốm đi khám bệnh... Ông ngoại của Linh cũng là một người đặc biệt nhân hậu.

Ngày Tết xưa còn nghèo, nhưng không bao giờ ông quên cho con trâu ngoài chuồng một chéo bánh chưng, vì "cả năm nó đã kéo cày vất vả vì mình rồi, con ạ" - ông ngoại nói với mẹ Linh như thế. Linh biết ơn ông vì tính thương người "di truyền" mà ông đã truyền cho mẹ, cho Linh và Linh đang tiếp tục ươm mầm ở các con, các cháu.

Có người nói với tôi, họ đã khóc, đã khát khao chiến thắng bệnh tật khi nghe chị hát trong bệnh viện.

À, chắc anh đã gặp khán giả của chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Thật tuyệt là trong suốt 10 năm qua, Linh và các đồng nghiệp đã có may mắn được làm những chương trình hết sức ý nghĩa trong bệnh viện, được hát phục vụ không chỉ cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà còn hát cho các y, bác sĩ nghe nữa.

10 năm qua ngoài chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, còn có các chương trình “Ước mơ tí hon” (tặng đồ chơi và quà cho trẻ con trong bệnh viện); “Tết trong bệnh viện”; “Trung thu hồng trong bệnh viện”; “Giáng sinh hồng trong bệnh viện”… đã có hơn 200 chương trình như vậy diễn ra khắp nước rồi.

Tuyệt vời! Nhưng sao không thấy tên chương trình nào “gắn” tên chị vào nhỉ?

Tất nhiên là không. Ngay từ khi bắt tay tổ chức những chương trình thiện nguyện đầu tiên, Linh đã rất rõ ràng chuyện đó. Mỗi chương trình đều cần sự chung tay của rất nhiều người, Linh chỉ là người thủ lĩnh, cùng các tình nguyện viên (TNV) chuyển tải tinh thần, vật chất của các nhà từ thiện đến những đối tượng cần. Do vậy không thể “vinh danh” mình Linh.

Khi thấy Linh ở trong tâm dịch, nhiều người gửi lời chia sẻ, có những người muốn vào để cùng chung tay với Linh nhưng lại ngại vì chưa được tiêm vắc xin. Họ đâu biết khi đó Linh cũng chưa được tiêm, vắc xin lúc bấy giờ chỉ ưu tiên cho những người trên tuyến đầu chống dịch.

Anh không biết đâu, để làm chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, Linh đã mất 2 năm trăn trở và chuẩn bị. Ban đầu, đa phần mọi người không ủng hộ. Họ nghĩ là mình muốn đánh bóng tên tuổi, là lợi dụng làm chuyện khuất tất trục lợi trong bệnh viện…

Nhưng cuối cùng, khi bị thôi thúc vì ý nghĩa tuyệt vời của chương trình thì Linh vẫn quyết định làm và mọi người thấy Linh “làm sạch” nên đã nhiệt tình hưởng ứng. Hàng ngàn nghệ sĩ chuyên và không chuyên đã cùng Linh phục vụ âm nhạc miễn phí cho hàng trăm ngàn khán giả đặc biệt trong bệnh viện, suốt chục năm nay.

Không chỉ đem tiếng hát “của nhà trồng được” đến bệnh viện, nghe nói chị còn có chương trình “Mặc ấm” cho học sinh vùng cao?

Trong lúc làm chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, cuối năm 2011 Linh được một toà soạn mời đi lên vùng cao để tặng quần áo cho các trẻ em. Sau đó chương trình “Mặc ấm - Vì học sinh dân tộc miền núi” ra đời. Trong 7 năm (2011-2017) chương trình thì đem được khoảng 1,5 triệu bộ quần áo (cả cũ và mới) và hơn 100 ngàn đôi ủng, dép, đó là chưa kể đến hàng vạn cuốn sách vở, cặp sách... tặng trẻ em vùng cao.

Tôi cũng có những lần đi tặng áo ấm, sách vở cho học sinh vùng cao, nơi mở mắt ra chỉ thấy một màu xám của núi đá và có nhiều đứa trẻ mặc một manh áo chống lại sự khắc nghiệt cả mùa đông, do vậy tôi hiểu được giá trị của những con số chị vừa nói. Nhưng tôi thực sự xúc động khi biết một mình chị từ vùng chưa nhiễm dịch là Thủ đô lao vào giữa tâm dịch ở thành phố Hồ Chí Minh để làm thiện nguyện?

Và anh sẽ hỏi Linh không sợ Covid-19 hay sao mà vào đó, đúng không? Không. Tôi nghĩ 10 người thì 9 người đã hỏi chị câu đó rồi. Tôi muốn biết thời điểm chị quyết định cho chuyến đi thiện nguyện có một không hai trong đời mình.

Khi dịch Covid-19 vào Việt Nam, Linh biết mình sẽ có những chuyến đi thiện nguyện nên tìm hiểu rất kỹ về sự nguy hiểm và cách phòng chống căn bệnh này.

Tháng 7, thành phố Hồ Chí Minh chạm mốc 2.000 ca/ngày. Còn nhớ ngày 10/7, Linh có đăng dòng trạng thái trên facebook với nội dung là các tổ chức và đơn vị hoạt động thiện nguyện ở phía Nam hãy tuyển dụng Linh đi, Linh muốn được đóng góp sức mình cùng thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.

Bạn bè, người thân thì bảo Linh bị “điên”, người ta đi không được còn mình lại muốn đến. Và sau thời gian “kêu gọi” thì không nhận được sự hồi đáp tích cực của cá nhân hoặc tổ chức nào, thì Linh đã quyết định bay vào đó, không chần chừ thêm nữa.

Hạnh phúc của ca sĩ “giời hành”
Ca sĩ Thái Thùy Linh mang tiếng hát đến bệnh viện.

Chị liều!

Linh liều nhưng là liều có cơ sở, dựa trên sự chuẩn bị và tính toán kĩ càng. Việc đầu tiên là chỗ ở, anh em tình nguyện ở thành phố Hồ Chí Minh đã giúp tìm và mượn cho Linh phòng ở khách sạn mà các bác sĩ chống dịch ở. Điều đó “đảm bảo” mình sẽ không bị phong tỏa và được hỗ trợ kịp thời trong trường hợp mình lỡ bị đau bệnh.

Thứ hai là Linh gửi nguyện vọng tới chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và được gửi giấy mời vào tham gia tình nguyện chống dịch. Nhờ vậy mà mình có thể hoạt động một cách rất chuyên nghiệp và linh hoạt trên địa bàn rộng khắp thành phố, giữa những ngày giới nghiêm, phong toả đi vào lịch sử ấy.

Chị có tính đến việc mình bị Covid-19 không?

Có chứ. Trước khi vào thành phố Hồ Chí Minh Linh đã gọi điện cho một số bác sĩ, chuyên gia hiểu biết về dịch này để nhờ tư vấn. Linh đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi này với cả valy thuốc men và đồ bảo hộ. Phương án điều trị nếu bị Covid-19 cũng đã được chuẩn bị. Mình không mong đợi, nhưng sẵn sàng "nghênh chiến" nếu nó đến.

Thực tình tôi cứ nghĩ mãi mà vẫn không thể tưởng tượng được một mình chị vừa quyên góp, vừa mua hàng, vừa chuyển hàng đến các địa chỉ khắp thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?

Do cách tổ chức thôi. Linh đặt tên chương trình là “Người Việt thương nhau” và lên mạng kêu gọi được hơn 100 tình nguyện viên làm việc online, như vậy dù ở đâu các bạn cũng có thể hợp sức làm việc cho chiến dịch. Bước tiếp theo là huy động nguồn lực, đây là giải pháp vô cùng quan trọng.

Linh đi gặp các trưởng nhóm thiện nguyện với thế mạnh khác nhau, tận dụng sức mạnh của mỗi bên và hỗ trợ nhau cùng hoạt động sao cho việc cứu trợ người dân hiệu quả nhất. Đây chính là bí kíp để chiến dịch lớn mạnh cực nhanh chỉ sau ít ngày Linh trụ giữa tâm dịch.

Và chị đã đúng khi những hình ảnh của chị ở giữa tâm dịch đã khiến nhiều người chung tay cùng chị làm thiện nguyện hơn?

Vâng, nếu Linh không ở tâm dịch mà ngồi gõ phím kêu gọi như vậy thì chắc chắn sẽ không hiệu quả rồi.

Sức mạnh nào đã giữ chị ở tâm dịch lâu đến thế?

“Người Việt thương nhau” mà anh. Ban đầu Linh cũng tính chỉ đi chừng 10 ngày, vận động và trao tặng một đợt quà hỗ trợ bà con là về. Nhưng khi ở giữa tâm dịch, trong cảnh cứ mở cửa sổ phòng ra là nghe thấy tiếng còi cứu thương hú khắp mọi ngả, thì Linh hiểu là mình chưa thể quay về.

Bà con đáng thương đã đành, anh em thiện nguyện ở Sài Gòn lúc ấy cũng vất vả vô cùng. Có hôm đội thiện nguyện bốc 10 ngàn thùng mỳ tôm (phải mua nhiều mới rẻ), hơn chục người bốc từ chiều đến đêm, có người mệt quá kiệt sức ngã xuống, không nói được lời nào. Ấy mà một lúc sau lại bật dậy tu bình nước bốc hàng tiếp. Rồi những TNV ngày online tới hơn 20 giờ để trực chiến, mắt ai cũng thâm quầng trên màn hình video call.

Các bạn ấy như bị "giời hành” theo Linh. Nói vui vậy thôi, giời thương tụi mình lắm, hơn 4 tháng trời, các đồng đội của Linh không một ai bị lây nhiễm hết. Câu mà mình thường xuyên nói để động viên anh em là: Thôi thì đại dịch cũng chỉ đến 1 lần trong đời, ta còn đang thở, còn đang có sức mà giúp bà con, thì ta cùng nhau cố.

Chị ở tâm dịch hơn 4 tháng ư?

Linh vào thành phố Hồ Chí Minh 2 đợt. Xen giữa là 1 tháng về Hà Nội làm chiến dịch 11.000 quà Trung thu tặng con em cán bộ y tế dự phòng - góp phần nhỏ bé động viên tinh thần những chiến sĩ áo trắng lúc ấy đang vô cùng vất vả. Tổng thời gian hoạt động là 4 tháng, với 40 ngàn suất quà trị giá gần 10 tỷ được trao.

Hạnh phúc của ca sĩ “giời hành”
“Người Việt thương nhau”.

Ngày 30/9, khi bà con nhiều người muốn về quê và gây ùn tắc lớn ở cửa ngõ đi miền Tây, Linh bắt đầu kêu gọi mọi người quyên góp xăng cho bà con về quê. 5 tuần tiếp theo đó, chuyển sang hỗ trợ bà con về quê.

Khoảng hơn 1.000 người được đón, đưa về tận quê, đa phần là các mẹ bầu, người già, trẻ em,... tổng cộng hơn 50 chuyến. Sau đó, Linh lập một chuỗi trạm xăng và sữa 0 đồng, dọc quốc lộ đi tới miền Trung, hỗ trợ được khoảng 20.000 người nữa.

Cảm ơn chị!.

Không. Linh phải xin lỗi mới đúng. Có nhiều trường hợp Linh đã không đến được với họ. Có nhiều tin nhắn Linh và đồng đội đã không có thời gian để trả lời. Thương và áy náy vô cùng.

Có khi nào chị thấy thương chính mình không?

Có chứ. Đó là thi thoảng đọc những comment ác ý và cay độc trên mạng xã hội về những người làm thiện nguyện, là khi thấy những sự vô tình, ác ý vẫn tồn tại trong xã hội sau những đau thương và mất mát. Nhưng, cảm giác đó cũng trôi qua nhanh thôi. Linh là cái cây, việc của mình là phải khoẻ mạnh, xanh tươi.

Làm thiện nguyện như chị, có người bị Covid-19 đã không có cơ hội trở về nhà…

Vâng, nhiều người khóc thương họ và sau này thi thoảng người đời sẽ nhắc đến họ là những người ngã xuống vì công việc nhân văn này.

Chị nói đã 10 năm làm thiện nguyện với vài trăm chương trình, vậy thời gian đâu chị kiếm tiền, lo cho cuộc sống của mình?

Phải tự sắp đặt thôi. Linh làm việc đủ sống, tối giản các nhu cầu cá nhân, và cả gia đình mình cũng theo lối sống đó. Đơn giản, nhẹ nhàng.

Vậy chị có thấy “thiệt thòi” khi những năm qua ít đứng trên sân khấu không?

Có lúc cũng thấy chạnh lòng, nhưng chỉ một chút thôi. Linh đã đủ chín chắn để hiểu thế nào là được mất. Quá trình liên tục đến với các bệnh nhân khó khăn cũng cho Linh một sức mạnh tinh thần vô giá: Luôn cảm thấy mình còn quá may mắn so với quá nhiều người đang vật lộn với đau đớn và sinh mệnh trên những giường bệnh. Vì vậy Linh không thấy mình thiệt thòi. Vẫn còn may chán (cười lớn)

Đã bao giờ chị nghĩ sẽ dừng lại công việc này?

Nói thật, 10 năm qua biết bao người đã khuyên Linh dừng lại và cũng có đôi lúc muốn dừng, nhưng cứ nghĩ đến những đứa trẻ, những người thiếu may mắn trong cuộc sống là lại lao đi.

Cảm ơn chị đã dành cho Lao động Thủ đô cuộc trò chuyện nhiều cảm xúc này.

Hùng Sơn (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này