Điểm tựa vững chắc

11:18 | 06/02/2022
(LĐTĐ) Như đã thành thông lệ, những ngày giáp Tết Nhâm Dần, mỗi cán bộ Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội lại bận rộn, tất bật hơn với những công việc chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động (NLĐ). “Vất vả một chút, nhưng chúng tôi không mệt mỏi, bởi hạnh phúc của cán bộ Công đoàn chính là được chăm lo, đem niềm vui đến cho đoàn viên” - ông Hoàng Thanh Sơn - Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội bộc bạch.
Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội vinh dự đón nhận Cờ thi đua xuất sắc Công đoàn Dệt May Việt Nam: Dự kiến chi 3 tỷ đồng chăm lo Tết Nhâm Dần cho người lao động
Lãnh đạo Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Với tâm niệm ấy, trong quá trình hoạt động, cùng với duy trì đồng đều các mặt hoạt động, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội luôn hướng trọng tâm vào việc thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ. Ưu tiên hàng đầu của Công đoàn ngành là chỉ đạo sát sao việc thực hiện quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của NLĐ. Kết quả, năm 2021, toàn ngành có 100% đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, 80,39% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ. Cùng đó, Công đoàn ngành chú trọng chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) thông qua việc hướng dẫn công đoàn cơ sở sửa đổi, ký mới, ký lại TƯLĐTT hết hạn. Đã có 45/66 (đạt 84,9%) bản thỏa ước còn hiệu lực được gửi về Công đoàn ngành chấm điểm, phân loại và gửi lên LĐLĐ Thành phố.

Năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Công đoàn ngành đã kịp thời kích hoạt kịch bản, phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ và chỉ đạo thành lập được 417 “Tổ An toàn Covid-19” với 1.620 người tham gia, tạo “lá chắn thép” phòng, chống dịch tận cơ sở. Công tác hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được chú trọng, tăng cường. Ngoài việc tổ chức trao 996 “Túi An sinh Công đoàn” và 450 suất hỗ trợ bằng tiền (mỗi suất 500 nghìn đồng) của LĐLĐ Thành phố cho NLĐ trong ngành, Công đoàn ngành đã tổ chức các chuyến “Xe buýt 0 đồng”, “Túi An sinh Công đoàn” hỗ trợ khẩn cấp 1.455 suất quà cho đoàn viên, NLĐ đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đồng thời trao tặng trang thiết bị phòng, chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn với tổng giá trị là 14,648 triệu đồng, hỗ trợ bữa ăn ca cho 414 đoàn viên, NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” của Công ty may liên doanh Plummy với số tiền 414 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ đoàn viên, CNLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm là trên 1,4 tỷ đồng.

Nhìn lại những việc đã làm vì đoàn viên, NLĐ, các cán bộ Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội tuy được nhẹ lòng phần nào song vẫn còn băn khoăn, trăn trở. “Kinh tế của ngành đang phục hồi nhưng dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi gây ảnh hưởng tới đời sống đoàn viên, NLĐ nên chúng tôi tự nhủ Công đoàn ngành ngày càng phải làm tốt hơn việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Đó chính là “kim chỉ nam” hoạt động để tổ chức Công đoàn luôn là điểm tựa vững chắc và có sức cuốn hút với đoàn viên”, ông Hoàng Thanh Sơn khẳng định.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này