Vựa lá dong lớn nhất, nhì miền Bắc vào vụ Tết

16:02 | 18/01/2022
(LĐTĐ) Cứ mỗi dịp cuối năm, làng trồng lá dong Tuấn Dị (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) bắt đầu hối hả với việc thu hoạch lá để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Từ hàng trăm năm nay, thôn Tuấn Dị được coi như là một trong những vựa lá dong lớn nhất, nhì của miền Bắc.
Tết đến sớm với người lao động huyện Thường Tín Nhịp Tết rộn ràng, xuân ấm áp Để mọi người đều có Tết

Nhộn nhịp vào vụ Tết

Thôn Tuấn Dị (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30km là nơi nổi tiếng với nghề trồng lá dong gói bánh chưng truyền thống. Trước Tết 2 tuần, từ đầu làng tới ngõ xóm đâu đâu cũng tràn ngập những tấm lá xanh mướt mọc hai bên đường hoặc lối vào nhà. Trải qua hàng trăm năm, dân làng Tuấn Dị vẫn bám trụ với nghề.

Những người lớn tuổi trong làng cho biết, lá dong ở đây đã được trồng từ rất lâu đời, dù ít dù nhiều nhà ai cũng đều có một vườn dong xanh mướt. Cũng bởi vậy mà hiện tại trong làng có đến khoảng 60% các hộ lấy nghề trồng lá dong là thu nhập chính. Từ xưa đến nay, lá dong Tuấn Dị không chỉ nổi tiếng ở đất Hưng Yên mà còn được mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng...

Vựa lá dong lớn nhất, nhì miền Bắc vào vụ Tết
Ông Khương Văn Vinh (thôn Tuấn Dị) cho biết, năm ngoái lá dong cháy hàng, đến cận Tết vẫn còn phải đi "mót" lá dong cho khách. Ảnh: K.Tiến

Những ngày này, không khí thu hoạch, cắt tỉa, mua bán lá dong ở thôn Tuấn Dị rất sôi động. Trước đó, lá dong được thu hoạch sớm để chuyển đi đến các vùng phía Nam, đặc biệt là xuất khẩu phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt kiều ở các nước Nga, Đức và một số nước Đông Âu khác. Lá dong nay đã vào mùa, các cây cao vút cho lá xanh mơn mởn, trong vườn thấp thoáng bóng dáng người cắt lá với đôi tay thoăn thoắt, rộn rã tiếng nói cười.

Bà Khương Thị Tuyết (người dân thôn Tuấn Dị) cho biết: “Lá dong ở đây được thị trường ưa chuộng bởi nó là lá dong quê, lá dong sạch. Nó có nhiều ưu điểm hơn hẳn lá dong rừng vì bầu lá to và rộng, lá mỏng nhưng dai không giòn như lá dong rừng đặc biệt là có một màu xanh óng ả. Gói bánh chưng bằng loại lá này thì bánh có màu xanh tự nhiên, thơm rền, không dễ bị ôi thiu. Chính vì vậy mà từ hàng ngàn đời nay, lá dong ở đây được xem như một trong những loại “đặc sản” dành cho Tết”.

Vựa lá dong lớn nhất, nhì miền Bắc vào vụ Tết
Thôn Tuấn Dị là một trong những vựa lá dong lớn nhất, nhì của miền Bắc. Ảnh: K.Tiến

Người dân cho biết, có được những ưu điểm như trên là do phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Nhiều người đã đến đây mua giống về trồng nhưng cây cũng không cho năng suất chất lượng bằng. Cũng chính vì ưu điểm của loại lá dong này mà lá dong ở đây luôn được giá hơn so với nơi khác.Vì vậy mà nghề trồng lá dong cho thu nhập chính ở vùng quê này. Nhờ cây dong mà cuộc sống của họ sung túc, ổn định hơn nên bà con luôn bám lấy đất, gắn bó với cây dong, tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề.

Ông Khương Văn Vinh (thôn Tuấn Dị) cho hay: “Gia đình tôi có đến hơn 2 mẫu tổng cộng cả ruộng và vườn và đi thuê thêm để trồng lá dong. Nhà tôi bán lá dong quanh năm, tuy nhiên trong vòng 10 ngày bán lá Tết thu hoạch được gấp nhiều lần so với ngày thường. Thời điểm gần Tết, tại các nhà vườn, giá lá dong thường được giá hơn thường ngày. Năm ngoái cháy hàng, mãi đến 28, 29 Tết vẫn còn phải đi "mót" lá dong mà bán cho khách”.

Ăn, ngủ bên vườn dong

Theo bà Trương Thị Bắc, người đã có kinh nghiệm trồng lá dong mấy chục năm nay, cho biết, để có được những lứa lá dong đẹp đón Tết Nguyên đán, người trồng cũng phải có kinh nghiệm nhất định. Cây lá dong vẫn đòi hỏi phải chăm sóc đúng cách để có được chất lượng lá cao nhất. Qua nhiều năm trồng loại cây này, bà rút ra kinh nghiệm chăm cây lá dong bằng cách bón phân gà vào các gốc cây, luôn giữ ẩm cho đất vườn, nên cây dong cho nhiều lá hơn.

“Để lá lên đều, không bị rách, quăn thì cứ hai tháng tôi phun thuốc sâu một lần, cho đến tháng Chạp thì ngừng phun để bắt đầu thu hoạch. Bên cạnh đó phải thường xuyên phải tỉa lá chân để những lá phía trên luôn được rộng bản, xanh tốt. Để tàu lá dong có cuống dài, phiến rộng, khoảng cách giữa các bụi lá cũng luôn được giữ ở mức khoảng 80cm”, bà Bắc cho biết.

Vựa lá dong lớn nhất, nhì miền Bắc vào vụ Tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng Tuấn Dị thường tấp nập kẻ mua, người bán

Cũng theo bà Bắc, ngày Tết đến ai cũng mong muốn mình có những tấm lá dong đẹp để gói bánh chưng. Do vậy, những ngày này người dân thôn Tuấn Dị phải vất vả gấp 10 lần so với ngày bình thường. Vì là đại lí cấp 1, vừa trồng lại vừa buôn lá dong để xuất đi nơi khác cho nên vào mỗi dịp Tết đến nhà bà Bắc nhộn nhịp xe cộ, cứ xe này vừa đi là xe khác lại đến.

"Dịp Tết hầu như tôi phải tập trung nhân lực từ người nhà, rồi thuê thêm, hầu như là không được nghỉ ngơi. Ngày nào cũng vậy cả gia đình phải dậy từ 1,2h sáng để bắt đầu công việc của mình, người thì đếm lá, xếp lá, người thì tỏa đi các chợ bán. Vào những ngày cao điểm, hầu như chúng tôi làm việc 20/24h một ngày”, bà Bắc cho biết...

Không chỉ riêng gia đình bà Bắc mà những ngày giáp Tết, dân làng Tuấn Dị lại đều ăn ngủ bên những vườn dong nhà mình để sẵn sàng có những bó lá dong đẹp, đều tăm tắp, tươi mới, xuất đi khắp nơi. Người dân nơi đây đón không khí Tết sớm nhất và cũng là muộn nhất bởi lá dong được cắt và xuất hàng từ 10 tháng Chạp cho đến tận 30 Tết mới hết khách. Lúc đó, dân làng mới lục đục đi sắm Tết cho gia đình mình.

Đã có hàng ngàn năm trồng và chăm sóc loại cây này, cho nên người dân thôn Tuấn Dị có rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Theo những người dân ở đây thì cây lá dong là loại cây dễ trồng và không khó chăm sóc. Đây là loại cây trồng một năm nhưng lại được thu hoạch nhiều năm. Người ta chỉ cần ươm một lần là những năm sau chỉ việc chăm bón và thu hoạch.

Cây dong là loại cây ưa bóng râm nên bà con nơi đây thường tận dụng trồng xen với chuối, hay trồng trong vườn dưới những tán sấu. Cứ hàng tháng bà con ở đây lại đi dọn chân lá một lần, đến tầm tháng 9 là ngưng cắt, chăm thúc cây cho lá to và đẹp để phục vụ mùa Tết. Sau khi thu hoạch, cây được loại bỏ hết phần lá thừa và cuống, bón phân, phủ trấu và tưới nước giữ ẩm.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này