Sửa đổi các vướng mắc để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng

18:49 | 14/01/2022
(LĐTĐ) Công chứng đã trở thành “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội… Nhìn chung, việc triển khai thi hành Luật Công chứng đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đón nhận.
Năm 2022, tăng cường thanh tra các hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản Tốn thời gian, công sức giải quyết yêu cầu công chứng giấy tờ giả Chất lượng dịch vụ công chứng, trọng tài chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu

Ngày 14/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014.

Phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành ở Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan của 63 tỉnh, thành; đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện một số tổ chức hành nghề công chứng.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, Luật Công chứng (sửa đổi) sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Cụ thể, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. Công chứng đã trở thành “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự… Nhìn chung, việc triển khai thi hành Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đón nhận.

Sửa đổi các vướng mắc để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng
Hội nghị tổng kết thi hành Luật Công chứng tại điểm cầu Bộ Tư pháp

Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 2.782 công chứng viên, 1.151 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 Phòng công chứng và 1.031 Văn phòng công chứng. Các công chứng viên được bổ nhiệm theo Luật Công chứng năm 2014 đều có trình độ cử nhân luật trở lên; đều qua đào tạo, bồi dưỡng, tập sự nghề công chứng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề.

Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa, phân bổ rộng khắp gắn với địa bàn dân cư đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận các dịch vụ công chứng.

Số lượng và tính chất giao dịch công chứng ngày càng tăng

Cũng theo Bộ Tư pháp, vị trí, vai trò của công chứng ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội. Số lượng và tính chất giao dịch công chứng ngày càng tăng và đa dạng. Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31/12/2019, đa số các văn bản công chứng đều bảo đảm an toàn pháp lý. Số lượng vụ việc phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khá thấp, nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường…

Sửa đổi các vướng mắc để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến

Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện Luật, đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần được tổng kết, đánh giá toàn diện để đề xuất, kiến nghị xem xét sửa đổi.

Theo đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng hiện nay vẫn còn một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn; một số quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa đầy đủ, cụ thể như chưa có quy định về biểu mẫu liên quan đến thủ tục niêm yết (nội dung, hình thức) nên dẫn đến nhiều các hiểu khác nhau... cần được sửa đổi, bổ sung. Còn đại diện Sở Tư pháp Hải Dương đồng tình với phương án kiến nghị đưa dự án Luật Công chứng sửa đổi vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022-2024…

Tập trung sửa đổi những quy định đang gây cản trở, vướng mắc

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh những thành quả đã đạt được trong hoạt động công chứng, đồng thời chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế sau quá trình thi hành Luật.

Theo Thứ trưởng, pháp luật về công chứng đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn; trình độ của đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có việc chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra sai phạm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số còn hạn chế; cải cách thủ tục hành chính tại một số nơi chưa thực sự toàn diện, chưa có tính liên thông.

Sửa đổi các vướng mắc để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Vì vậy, cần hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực công chứng, trước hết là Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi. Trong đó, tập trung sửa những quy định đang gây cản trở, vướng mắc để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo đúng định hướng đã xác định trong Nghị quyết số 172/NQ-CP, phát triển có kiểm soát, đảm bảo sự phân bổ đều khắp của các tổ chức hành nghề công chứng trên các địa bàn, nhất là địa bàn có nền kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề công chứng.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về về vị trí, vai trò của nghề công chứng, công chứng viên trong việc đảm bảo an toàn pháp lý đối với các hợp đồng, giao dịch.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng; phát huy vai trò tự quản của Hội Công chứng viên các địa phương, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này