Làng quất Tứ Liên chủ động phòng, chống dịch

12:34 | 03/01/2022
(LĐTĐ) Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các nhà vườn trồng quất tại Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đã bắt đầu bước vào giai đoạn “tăng tốc”. Tuy nhiên, vừa chăm cây, những người nông dân vừa canh cánh nỗi lo tìm đầu ra, vừa chủ động tuân thủ thực hiện tốt các quy định phòng, dịch.
Quất Tứ Liên trĩu quả, sẵn sàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022 Nghệ nhân tạo sức bật cho làng quất Tứ Liên Quất cảnh bonsai, hình dáng độc lạ có giá hàng chục triệu đắt khách dịp cận Tết

Người trồng lo lắng tìm đầu ra

Phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) có nghề truyền thống là trồng quất cảnh, với hơn 20ha nhà vườn, gần 500 hộ trồng quất. Năm nay, nơi đây vẫn chủ yếu là những dòng quất cảnh bonsai. Để có được những cây quất quả to, thế đẹp, người nông dân đã phải một nắng hai sương, bận rộn chăm sóc cả năm. Thời điểm này các chủ vườn đang tập trung những công đoạn chăm sóc cuối cùng cho vườn quất của mình kịp phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Làng quất Tứ Liên chủ động phòng, chống dịch
Chủ vườn tập trung những công đoạn chăm sóc cuối cùng cho vườn quất của mình kịp phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Theo các chủ vườn, thông thường tầm cuối tháng 11 âm lịch, thương lái các nơi tấp nập đến lấy hàng, các khách lẻ cũng bắt đầu đến tham quan và chọn mua về trưng Tết, tuy nhiên năm nay, thị trường quất kém sôi động hơn so với các năm.

Lý giải về điều này, các chủ vườn cho biết, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khách buôn e dè, nhập hàng với số lượng ít hơn. Đối với khách ở các tỉnh, thành khác, do họ phải khai báo, thực hiện cách ly y tế khi ra - vào địa phương, do đó họ ngại di chuyển, chọn nhập quất cảnh ở những khu vực lân cận. Đặc biệt, dịch bệnh khiến thu nhập của người dân giảm, sức mua hoa, cây cảnh trang trí Tết cũng giảm theo.

Đang tỉ mỉ dùng dây thép nhỏ, buộc tạo dáng cho các cành quất, anh Trần Huy Quân (chủ vườn Quân Thúy), hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng quất cảnh cho hay: “Để có những chậu quất đẹp, phục vụ thị trường Tết, các nhà vườn nơi đây phải bỏ công chăm sóc trong cả một năm. Năm nay gia đình tôi cung cấp ra thị trường 1.000 gốc quất, tuy nhiên thời tiết không thuận lợi cho cây quất sinh trưởng, mưa, sương muối nhiều nên cây ít lộc hơn. Chưa kể dịch bệnh khiến thu nhập người dân kém hơn, đầu ra của quất cảnh năm nay khó hơn, giá thành cũng giảm nhiều”.

Cùng chung nỗi lo, ông Nguyễn Bá Phương (chủ vườn Phương An) cho biết: Tết Nguyên đán năm trước các nhà vườn tại làng quất nơi đây cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay chỉ mong thời tiết, thuận hòa, dịch bệnh được kiểm soát, thế nhưng không thể lường trước được dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như vậy. Vụ quất năm nay, gia đình ông đã chủ động giảm số lượng cây trồng nhưng vẫn rất lo lắng về đầu ra.

“Khác với không khí phấn khởi sắp Tết như mọi năm, năm nay các hộ trồng quất đều thấp thỏm lo đầu ra cho vườn quất. Để đảm bảo có được giá “thuận mua vừa bán”, chúng tôi phải lấy sức làm vốn. Những nhà năm trước thuê thêm nhân lực chăm cây thì nay cũng cắt giảm, cố gắng tự làm để giảm chi phí thuê nhân công”, ông Phương chia sẻ.

Chủ động các biện pháp phòng dịch

Bên cạnh những nỗi lo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại làng nghề trồng quất, Ủy ban nhân dân (UBND) phường Tứ Liên đã triển khai ký cam kết phòng, chống dịch, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ đối với 100% chủ nhà vườn và nhân viên của các vườn. Đồng thời, chỉ đạo 12 Tổ Covid cộng đồng thường xuyên nhắc nhở các hộ trồng quất và nhân dân đến mua khai báo y tế, thực hiện nghiêm túc “5K”.

Làng quất Tứ Liên chủ động phòng, chống dịch
Các nhà vườn đều dán mã QR, nhắc nhở khách tuân thủ các biện pháp phòng dịch

UBND phường đã kêu gọi xã hội hóa được hàng nghìn chai nước sát khuẩn và khẩu trang y tế cấp phát cho các chủ nhà vườn. Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm phòng, chống dịch, phường còn đồng hành cùng nhân dân làng nghề duy trì phát triển kinh tế, giúp bà con làng nghề tạo logo, xây dựng thương hiệu quất cảnh Tứ Liên để phát triển kinh tế làng nghề.

Ghi nhận tại các nhà vườn, thời điểm này có khá nhiều người ra, vào bán mua, tham quan. Tại đây, chủ vườn và khách đều chấp hành đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn. Anh Trần Huy Quân cho biết: “Gần Tết khách tới tham quan, mua quất trưng Tết tăng cao, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhà vườn đã ký cam kết và tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Chúng tôi đã tạo, dán mã QR trước cửa vườn, nhắc nhở khách thực hiện quét mã, tuân thủ nghiêm quy định 5K”.

Song song với đó, để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, người dân làng quất Tứ Liên đã linh hoạt, chủ động tìm hướng bán hàng phù hợp với tình hình dịch. Trong đó, các nhà vườn tăng cường bán hàng online. Nhiều chủ vườn đã đăng tài hình ảnh vườn quất đến khách hàng qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook, kết hợp livestream, qua đó hai bên trao đổi giá và thống nhất vận chuyển đến nơi tiêu thụ một cách nhanh chóng, tiện lợi, an toàn. Cách làm này đã và đang giúp các nhà vườn nơi đây tăng kết nối với khách hàng, thêm kênh để tiêu thụ sản phẩm, giúp người trồng vượt qua khó khăn giữa mùa dịch.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này