Phát triển xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí

17:57 | 23/12/2021
(LĐTĐ) Ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông là vấn đề môi trường cấp bách mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Nhiều quốc gia đã lên kế hoạch chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.
VinBus đưa thêm 1 tuyến buýt điện hòa mạng vận tải hành khách công cộng của Thủ đô Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam: Cần chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển Kỳ cuối: Nỗ lực hướng tới giao thông “xanh” Thúc đẩy du lịch xanh từ mô hình xe điện

Xu thế tất yếu

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên, giảng viên bộ môn Hệ thống Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Hiện xu hướng điện hóa trong linh vực giao thông đang nhận được nhiều sự quan tâm. Dễ thấy, Chính phủ đã cam kết mốc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; trong nước đã có sự xuất hiện của các doanh nghiệp sản xuất xe điện, kèm theo đó các ngành chức năng cũng đang xây dựng các khung chính sách hỗ trợ xe điện…

Cùng đó, trên thế giới nhiều quốc gia cũng hướng đến mục tiêu phát triển mạnh xe điện. Chẳng hạn, Thái Lan hướng đến 50% ô tô sản xuất và phân phối từ năm 2030 là xe điện; Indonesia hướng đến 20% sản lượng xe ô tô bán ra là xe điện và xe hybrid vào năm 2025 và tăng dần lên hơn 25% vào năm 2030…

“Trong bối cảnh quốc tế thì chúng ta có thể thấy nhiều quốc gia đã đưa mục tiêu lớn về phát triển xe điện, đây là bối cảnh hết sức thuận lợi cho chúng ta… Có thể tận dụng lợi thế là nước đi sau nhưng áp dụng dụng được công nghệ cũng như chính sách của các nước trên thế giới” - Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên nhấn mạnh.

Phát triển xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí
Đầu tháng 12, Hà Nội khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên.

Ông Đào Công Quyết – Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam thông tin: Tại các quốc gia Châu Âu, Đông Nam Á… đều có những chính sách hỗ trợ nhất định cho khách hàng mua xe điện như chuyển đổi sang xe điện hóa, hỗ trợ lệ phí trước bạ, dành ưu đãi mua xe.

Trong giai đoạn đầu phát triển xe điện, giai đoạn 2021-2030, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đề xuất các cơ quan quản lý cần có những chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí trước bạ và các loại thuế, phí liên quan cho từng dòng xe điện hóa để kích cầu thị trường; sớm đưa ra các quy định, tiêu chuẩn hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc…

Theo tìm hiểu, quanh vấn đề này nhiều chuyên gia cũng cho rằng do Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên hạ tầng cho xe điện cũng mới chỉ dừng ở những bước khởi đầu; các tiêu chuẩn của Việt Nam về phát triển loại hình phương tiện này cũng chưa có sự thống nhất.

Để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, trước hết các đơn vị quản lý cần hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin và ắc quy... Đồng thời, tối ưu hoá các trạm sạc và vị trí sạc pin bằng việc sử dụng các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo.

Nỗ lực hoàn thiện các quy chuẩn

Quanh câu chuyện chi phí “nuôi” xe điện, việc áp dụng giá điện cho các trạm sạc được tính toán như thế nào, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến cho rằng, giá điện tại Việt Nam đang phân theo ngành về thương mại, sản xuất, sinh hoạt gia đình.

Nếu sử dụng cách tính của sinh hoạt gia đình áp dụng với xe điện sẽ khiến người dân phải chịu áp mức giá cao nhất vì lượng tiêu thụ điện lớn, do đó, không thể áp dụng cách tính giá này cho người sử dụng xe điện. Nếu áp dụng giá điện cho thương mại thì đây cũng là mức giá cao, không áp dụng được.

Chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến gợi ý, nguồn điện cung cấp cho các trạm sạc nên sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng sạch) và đặc thù của loại năng lượng này là phải phát triển phân tán giống như phát triển cấp nước, cần có những tổng công ty phân phối và những điện lực tỉnh phân phối nhỏ hơn để phân phối về các trạm sạc. Như vậy, chi phí sẽ giảm đi.

Ở góc độ quản lý, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ: Trong phương tiện điện bao gồm xe hai bánh và xe bốn bánh, những năm gần đây, xe hai bánh phát triển rất rầm rộ. Các quy chuẩn liên quan đến xe hai bánh đến nay cơ bản đã có những quản lý rõ ràng.

Phát triển xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí
Tại tọa đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) cùng Lab 100RE tổ chức, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển sang sử dụng xe điện là xu thế tất yếu không thể đảo ngược và Việt Nam cần nắm bắt cơ hội.

Với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của phương tiện bốn bánh hiện tương đối nhiều, các cơ quan, ban, ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ hàng năm đều có những cập nhật, bổ sung. “Bộ Giao thông vận tải đang nỗ lực hoàn thiện các quy chuẩn sớm để kiểm soát được khi xe điện phát triển” - ông Trần Quang Hà nhấn mạnh.

Đề xuất lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, cho rằng: Động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt.

Thời gian tới, Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể. Cùng với đó là các nhóm chính sách để khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện, tạo tiền đề cho thị trường sản xuất kinh doanh xe điện vận hành. Ngoài ra, xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này