Khi nhà nông là chủ thể của thương hiệu

09:47 | 23/12/2021
(LĐTĐ) Do chưa nhận thức được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm nên người nông dân còn thiếu mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm. Nhiều người còn cho rằng đó là việc của chính quyền, địa phương, Nhà nước nên không chủ động với việc bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của chính mình.
Giá trị thương hiệu Viettel 6 năm liên tiếp được xếp hạng số 1 Việt Nam Hà Nội sẽ có một thương hiệu hoa giấy

Cần nhìn lại giá trị của “thương hiệu”

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trong nước hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều địa phương. Hiện nay, do chưa nhận thức được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm nên cả người dân và doanh nghiệp còn thiếu mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản ở các địa phương hiện chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát. Vì vậy việc để người nông dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu là rất khó khăn.

Khi nhà nông là chủ thể của thương hiệu
Một số vùng chè Hà Nội đã đăng ký thương hiệu. Ảnh minh họa

Các sản phẩm nông sản, đặc sản ở nước ta rất nhiều và thường gắn với địa danh. Nông dân và doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi ích kinh tế trực tiếp từ những địa danh này. Tuy nhiên nhận thức của doanh nghiệp và nông dân trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản còn hết sức hạn chế chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có quá ít nông sản có thương hiệu trên thị trường hiện nay.

Ngoài ra, không đăng ký sở hữu trí tuệ thì không có công cụ pháp lý để bảo vệ các đặc sản đó, dẫn đến một số đặc sản dần bị mai một không giữ được hoặc bị lạm dụng danh tiếng mà phát triển một cách tràn lan hoặc giả mạo. Không khuyến khích được sản xuất nông nghiệp, thiếu việc làm, dẫn đến người dân bỏ nghề, bỏ làng, nông thôn bị xáo trộn, thiếu ổn định.

Những nhà sản xuất trực tiếp không có cơ hội để hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, xuất hiện các hành vi ép giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến doanh thu bị giảm mạnh, đời sống bấp bênh… Các doanh nghiệp sản xuất thì bị thu hẹp sản xuất và kinh doanh, không có nguồn hàng có chất lượng danh tiếng để cung cấp cho thị trường, kể cả xuất khẩu. Các doanh nghiệp thương mại thì thiếu nguồn hàng có chất lượng và xuất xứ rõ ràng, dẫn đến kinh doanh đơn điệu, thiếu bền vững.

Là một huyện đã bắt đầu quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản từ rất sớm, song huyện Đan Phượng cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của mình.

Ông Thiều Văn Son – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, Đan Phượng nổi tiếng với sản phẩm Bưởi tôm vàng Đan Phượng, Rượu đậu Bá Giang xã Hồng Hà, Rượu, đậu Trúng Đích xã Hạ Mỗ, Kẹo lạc Thu Quế xã Song Phượng, Giò chả xã Tân Hội, Nem Thái Cam thị trấn Phùng… Mặc dù cũng đã có những kết quả khá tích cực cho sản phẩm “Bưởi tôm vàng Đan Phượng” sau việc được cấp giấy chứng nhận thương hiệu nhưng giá trị kinh tế mang lại cho bà con thì quả thực chưa phải là lớn. Vì vậy, sau khi đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ thì cần phải có những bước xây dựng và phát triển tiếp theo mới thực sự mang lại hiệu quả.

“Bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương tại Đan Phượng bước đầu mang lại kết quả tích cực như hạn chế những rủi ro về biến động giá và mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập, tác động để quy hoạch lại kinh tế - xã hội nông thôn tại nơi có các sản phẩm nông sản đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản ở trong nước nói chung và huyện Đan Phượng nói riêng còn có ý nghĩa rất quan trọng là góp phần thúc đẩy quá trình văn minh hóa nông thôn và duy trì văn hóa truyền thống của các vùng”, ông Son khẳng định.

Đã đến lúc phải thay đổi nhận thức người dân

Tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu cho nông sản và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh”, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu nông sản, được thị trường nước ngoài đánh giá cao, nhưng 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị thấp. Nguyên nhân do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn, chỉ chiếm 1% so với các ngành khác vì phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, vốn, tích tụ đất đai đều kém. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thấy rõ được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son: “Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho các đặc sản là việc làm hết sức cần thiết và nên làm sớm. Tuy nhiên, nếu chỉ đăng ký mà không quản lý, phát triển tốt các “tài sản trí tuệ” đó, thì việc đăng ký được xem như chưa đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản truyền thống.

Trong thời gian gần đây, các câu chuyện về việc mất các thương hiệu nông sản nổi tiếng của nước ta xảy ra trên một số thị trường thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người nông dân cũng như ngành nông nghiệp.

Nhiều chuyên gia đã kêu gọi: Xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản, ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Điều đó cho thấy, việc này đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.”

Có thể khẳng định, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ mang lại rất nhiều ý nghĩa cho người dân, cho doanh nghiệp và cho cả những người sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản còn quá ít so với tiềm năng vốn có của nó.

Một trong những nguyên nhân là do nhận thức của người dân, nhất là người dân ở những vùng có chỉ dẫn địa lý gắn liền với đặc sản, về lợi ích của việc đăng ký còn chưa rõ ràng, thậm chí là họ còn hoài nghi. Một phần là do thói quen lâu nay mạnh ai người ấy làm, một phần là do khâu quản lý các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, lợi ích sau khi đăng ký cũng còn hạn chế, nên người dân không mặn mà với cái gọi là “sở hữu tập thể”.

Vấn đề bảo vệ thương hiệu cho một doanh nghiệp sở hữu và tạo dựng đã khó, việc bảo vệ thương hiệu nông sản nổi tiếng - của cộng đồng nhiều doanh nghiệp, nhiều nông dân thì còn khó hơn rất nhiều. Bởi hiện nay tâm lý nhiều người dân vẫn ỷ lại, cho rằng việc đăng ký và bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản là việc của Nhà nước chứ không liên quan đến mình. Người dân chỉ là người sử dụng, không cần quan tâm đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Việc thay đổi nhận thức của người dân là việc làm rất cần thiết và rất cần vai trò của chính quyền địa phương, của các hiệp hội và đặc biệt là từ các công ty tư vấn xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Thông qua các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, các chuyên gia cần phải có các chương trình hỗ trợ người dân, khi họ đã am hiểu về vai trò quan trọng của thương hiệu đối với sản phẩm thì tư duy của họ cũng thay đổi. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề vẫn là người dân thông qua việc xây dựng thương hiệu sẽ nhận được lợi ích như giá nông sản tăng, uy tín của thương hiệu cao và lợi nhuận thu về lớn./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này