Công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện

09:39 | 23/12/2021
(LĐTĐ) Hướng về cơ sở, sát người lao động... là phương châm hoạt động xuyên suốt của tổ chức Công đoàn Thủ đô và điều này đã được thể hiện rõ nét trong phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2021.
Hiệu quả từ các đề án thí điểm Công đoàn Thủ đô đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô

Bảo vệ tốt quyền lợi người lao động

Hiện nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.453 Công đoàn cơ sở và 633.810 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 6.026 Công đoàn cơ sở, với 439.268 đoàn viên.

Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ), trong năm 2021, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động tham gia xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng hơn đến việc nâng cao số lượng cũng như chất lượng Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC), Hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc.

Công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa trao hỗ trợ cho NLĐ khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Dưới sự phối hợp chỉ đạo của các cấp chính quyền và Công đoàn Thành phố, năm 2021, đã có 3.445/3.445 đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC,VC (đạt 100%); 2.932/4.510 đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ (đạt 65,02%); chất lượng Hội nghị đã được nâng lên, tập trung vào các nội dung như: Xây dựng quy chế đối thoại, quy chế dân chủ tại cơ sở, lựa chọn bầu thành viên đại diện tập thể NLĐ tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc... đúng quy trình, bài bản, nghiêm túc theo quy định.

Có 3.534 doanh nghiệp xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (đạt 78,36%); có 99,7% đơn vị có Ban Thanh tra nhân dân, qua đó đã góp phần phát huy dân chủ, ý thức của NLĐ trong tham gia quản lý, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã thực hiện quyền đại diện tập thể NLĐ tham gia đóng góp ý kiến vào nội quy lao động của doanh nghiệp, nhằm hoàn thiện hồ sơ đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

Cũng trong năm 2021, có 34/45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động phối hợp chính quyền đồng cấp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, NLĐ trên địa bàn (đạt 75,5%) và có 52% Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại giữa Công đoàn – người sử dụng lao động – công nhân lao động để nắm bắt diễn biến, tư tưởng và giải quyết kịp thời những kiến nghị liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, CNVCLĐ.

Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)”; Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”; Đề án xây dựng Thư viện TƯLĐTT của Công đoàn Việt Nam được LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp CĐ tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.

Theo đó, LĐLĐ Thành phố đã ban hành Quyết định số 187/QĐ-LĐLĐ ngày 15/3/2021 xây dựng Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, giai đoạn 2021-2022”, Quyết định số 188/QĐ-LĐLĐ ngày 15/3/2021 về “Quy chế thí điểm hỗ trợ kinh phí đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT” triển khai đến các cấp Công đoàn.

Kết quả, đã có 3.604 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ký TƯLĐTT (đạt 68,7%); trong đó có 1.041 bản sửa đổi, bổ sung và ký mới trong năm 2021; một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết TƯLĐTT; các bản TƯLĐTT tập trung nâng cao quyền lợi NLĐ so với pháp luật quy định, như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng; thực hiện chính sách lao động nữ; đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất 15.000 đồng theo Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”...

Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ theo các quy định của pháp luật, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động trong các doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm, đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố đã kiểm tra 100 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên.

Qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra, Công đoàn các cấp, đặc biệt là Công đoàn cơ sở đã phát hiện các thiếu sót, tồn tại và đã kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết, khắc phục kịp thời. Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô còn đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của người lao động khi có vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động.

Chăm lo đời sống, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động to lớn đển mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch bệnh đã khiến hàng trăm doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hàng ngàn doanh nghiệp ảnh hưởng nhưng không phải dừng hoạt động, hàng chục ngàn công nhân lao động bị mất việc làm hoặc thiếu việc làm.

Trước tình hình đó, bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ vẫn được tiến hành thường niên như: chăm lo Tết Nguyên đán, tổ chức Tháng Công nhân, ký kết các chương trình nâng cao phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn,v.v… các cấp Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cụ thể, khi đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát (từ 27/4), các cấp Công đoàn Thủ đô đã khẩn trương triển khai, tổ chức mô hình các chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, trao “Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hỗ trợ NLĐ, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch và ủng hộ “Quỹ vắc-xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” Thành phố; hỗ trợ hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”, “Túi An sinh Công đoàn”…với tổng số tiền tính đến thời điểm hiện nay là 89 tỷ 943,342 triệu đồng cho 148.245 đoàn viên, NLĐ và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ An toàn Covid-19”.

Trong đó, LĐLĐ Thành phố đã chi 38 tỷ 038,342 triệu đồng với các hoạt động gồm: Hỗ trợ 46.027 “Túi An sinh Công đoàn”, với số tiền 9 tỷ 205,4 triệu đồng; hỗ trợ 4.200 người, với số tiền 2,2 tỷ đồng; thăm, trao quà 46 lượt đơn vị tuyến đầu chống dịch, với số tiền 2 tỷ 121,802 triệu đồng; thăm, trao quà 11 điểm cách ly tập trung với số tiền 220 triệu đồng; hỗ trợ 1.936 “Tổ An toàn Covid-19” với số tiền 1 tỷ 936 triệu đồng; hỗ trợ đoàn viên bị F0 là 477 triệu đồng; ủng hộ Mặt trận Tổ quốc Thành phố phòng, chống dịch và mua vắc xin 450 triệu đồng; ủng hộ “Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 Việt Nam” là 13 tỷ đồng.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chi 30 tỷ 394 triệu đồng để hỗ trợ 65.323 NLĐ và hỗ trợ 2.098 doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Công đoàn cơ sở hỗ trợ 17.343 người, với số tiền 21 tỷ 411 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Công đoàn đã hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bằng nhiều hình thức khác, như: trang thiết bị y tế, các nhu yếu phẩm thiết yếu... đồng thời, huy động xã hội hóa để hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, số tiền 104 tỷ 293,140 triệu đồng. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn phối hợp với chính quyền và công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê từ 30-100% cho NLĐ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Các hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, NLĐ trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “kép”, được cấp ủy, chính quyền, chuyên môn ghi nhận, doanh nghiệp đánh giá cao, NLĐ tích cực ủng hộ; vai trò, hình ảnh của cán bộ công đoàn từ Thành phố đến cơ sở được ghi nhận, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn từ đó ngày càng được nâng cao. /.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này