Khởi động Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”

17:50 | 16/12/2021
(LĐTĐ) Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, ngày 15/12, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký văn bản số 3259/Ctr-TLĐ về Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, người lao động Đổi mới, nâng tầm hoạt động công đoàn trong tình hình mới

Chương trình nhằm tiếp tục cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” và triển khai chủ đề hoạt động năm 2022 “Chăm lo việc làm, đời sống người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.

Khởi động Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”
Thông qua Chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn vận động đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ra sức thi đua, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Theo đó, Chương trình đề ra mục tiêu: Trong năm 2022 và 2023, đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, người lao động cả nước đóng góp 1 triệu sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn.

Cụ thể: Giai đoạn 1 (Từ nay đến hết tháng 5/2022): Thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022 với mục tiêu 300.000 sáng kiến (sáng kiến được tính từ 1/9/2021).

Giai đoạn 2 (Từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023): Chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII với mục tiêu 700.000 sáng kiến.

Về nội dung triển khai, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị từng cán bộ, đoàn viên, người lao động nỗ lực vượt khó, không ngừng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và đất nước.

Trong đó, cán bộ công đoàn đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động đáp ứng yêu cầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; chủ động nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất; bản lĩnh, tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết các nhiệm vụ được giao với mục tiêu “Tất cả vì đoàn viên, người lao động”. Tích cực tham gia phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, phát huy trí tuệ, hiến kế, đề xuất, thực hiện các giải pháp, biện pháp mới, khoa học, khả thi, thiết thực, hiệu quả trong quá trình tổ chức hoạt động và triển khai nhiệm vụ công tác, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ chuyên trách.

Song song với đó, các cấp Công đoàn cần vận động đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ra sức thi đua nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động; là những hạt nhân tích cực tham gia phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và “Năng suất cao, chất lượng tốt”, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững;

Vận động đoàn viên là cán bộ, công chức các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo, đổi mới quy trình làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, thực hiện cải cách hành chính gắn với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đồng hành cùng các đơn vị và doanh nghiệp vượt khó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, ngành và đất nước. Tham gia tích cực và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”;

Vận động đoàn viên là cán bộ, viên chức, người lao động các đơn vị sự nghiệp đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ, dịch vụ và hiệu quả kinh doanh; tích cực sáng tạo, tham mưu thực hiện tốt cơ chế tự chủ và có giải pháp thích ứng trong tình hình mới;

Vận động CNVCLĐ thực hiện các công trình, đề án, đề tài khoa học, nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị, sáng kiến cải tiến kỹ thuật... góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Về cách thức triển khai, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức thực hiện Chương trình trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ ở cơ sở được trực tiếp tham gia.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này