Ngăn chặn “bà hỏa” dịp cuối năm

09:34 | 16/12/2021
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy tại chung cư, nhà cao tầng… gây thiệt hại lớn về vật chất cho người dân. Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), lực lượng chức năng đã có nhiều phương án phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ, đặc biệt là thời điểm cuối năm.
Cẩn trọng với “bà hỏa”! Xóm trọ công nhân và nỗi lo “bà hỏa”

Tăng cường diễn tập

Ngày 14/12, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại ngôi nhà 5 tầng thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng tiếp tục cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn cho người dân, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.

Ngăn chặn “bà hỏa” dịp cuối năm
Vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà 5 tầng ở ngõ 126, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Lê Thắm

Thực tế, không chỉ riêng khu vực đông dân cư mà các khu vực chung cư, tòa nhà văn phòng cao tầng cũng tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Đối với những địa điểm cháy là các tầng cao, thì khả năng dập lửa, hạn chế thiệt hại hoặc cứu hộ người dân cũng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Vậy nên, để hạn chế nguy cơ cháy nổ dịp cuối năm cũng như nâng cao hiệu quả của hoạt động PCCC, lực lượng PCCC&CNCH tại các quận, huyện đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp cùng các tòa nhà, chung cư, văn phòng thực hiện diễn tập, đồng thời kiểm tra điều kiện PCCC tại các chung cư, tòa nhà văn phòng.

Mới đây, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an thành phố Hà Nội) đã tổ chức diễn tập cứu nạn, chữa cháy có sự phối hợp nhiều lực lượng tại khu căn hộ Vinhomes Times City Park Hill Premium, quận Hoàng Mai. Buổi diễn tập có khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ PCCC &CNCH tham gia với tình huống cháy, nổ giả định phức tạp nhất kèm theo các yêu cầu, quy định kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình chung cư, nhà cao tầng, khu căn hộ cao cấp... Theo đó, sự cố đó là trong quá trình đun nấu tại quầy bếp khu vực Shophouse tầng 2 tòa nhà P11, do đầu bếp sử dụng lửa quá to, lửa bùng lên gây cháy, chập hệ thống điện. Nhân viên bếp hoảng loạn chen nhau thoát nạn, xô đẩy làm đổ, vỡ các kệ đồ bắt gặp nguồn nhiệt gây cháy lan trên diện rộng. Hệ thống chữa cháy tự động của cơ sở không được kích hoạt do đang trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng.

Đám cháy nhanh chóng lan ra toàn bộ khu vực Shophouse. Do vận tốc cháy lan lớn, nên trong thời gian ngắn, đám cháy đã phát triển nhanh kèm theo mật độ khói dày đặc tỏa ra xung quanh và lên các tầng, đe dọa tính mạng của hàng trăm con người có mặt tại tòa nhà. Ngay khi nhận được tin xảy ra cháy, lực lượng PCCC cơ sở đã triển khai các hoạt động cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn thoát nạn; sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để tổ chức công tác chữa cháy ban đầu; thông báo qua hệ thống loa của tòa nhà, đồng thời gọi điện báo cháy cho Công an Thành phố Hà Nội. Lực lượng PCCC&CNCH sử dụng xe thang và thang dây nghiêng đưa người từ trên cao xuống nơi an toàn…

Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết, buổi diễn tập thành công, an toàn đúng theo kịch bản, phương án đề ra. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ, tác chiến hiệu quả xử lý sự cố cháy và cứu người mắc kẹt giả định. “Buổi diễn tập là biện pháp tuyên truyền trực quan sinh động đồng thời là biện pháp kiểm tra sự phối hợp giữa các lực lượng, thiết bị chữa cháy để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng phó khi có cháy, nổ xảy ra. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của lực lượng PCCC Thành phố, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi người dân có nhiều nhu cầu hoạt động tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy”, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định.

Chủ động phòng tránh

Qua tìm hiểu, việc xảy ra cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có các nguyên nhân chủ yếu như do chập điện, sự cố máy móc, thiết bị trong các tòa nhà. Đặc biệt, ở các khu chung cư cao tầng, điện được lắp mạch ngầm nên việc phát hiện ra rò rỉ, sự cố khó khăn. Nếu như điện bị chập mạch và gặp các vật dễ cháy, bắt lửa thì đám cháy sẽ bùng phát rất nhanh. Do các hộ gia đình thường bố trí vật dụng sinh hoạt trên lối thoát nạn như thang bộ, cửa đi… làm tăng mức độ nguy hiểm khi có cháy xảy ra, làm ảnh hưởng đến công tác tự thoát nạn, cứu nạn và cứu hộ. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khách quan như, phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn công trình được xây dựng không phù hợp với đặc điểm thực tế của tòa nhà; nhiều cơ sở không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn định kỳ theo quy định. Không phổ biến, hướng dẫn người dân sống trong tòa nhà các biện pháp thoát nạn khi sự cố xảy ra…

Thiếu tá Ngô Việt Dũng - Đội phó Đội PCCC&CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm: Cùng với việc chủ động phòng tránh của người dân, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng là rất quan trọng. Riêng đối với Bắc Từ Liêm, hàng năm, quận thường tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, diễn tập phương án chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và người dân theo thực tế tại các nhà chung cư trên địa bàn. Đồng thời, in hàng chục nghìn cuốn cẩm nang về phòng cháy, chữa cháy theo đúng đặc thù trong hộ gia đình chung cư và phát tới tận tay người dân để họ nắm được cách phòng tránh. Bên cạnh đó, quận cũng lập danh sách các công trình xây dựng vi phạm về PCCC và kiên quyết xử phạt theo đúng quy định.

Để đảm bảo an toàn PCCC của người dân, theo Thiếu tá Ngô Việt Dũng - Đội phó Đội PCCC&CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm: Các khu chung cư, nhà cao tầng phải nghiêm túc thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, đây là yếu tố quyết định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC sau này của công trình. Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Công an quy định về thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC đối với các công trình xây dựng.Trong quá trình thực hiện thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng tại các gian phòng, căn hộ trong các toà nhà cao tầng, người sử dụng cần nắm và thực hiện các biện pháp cơ bản sau nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nhà cao tầng, cụ thể: Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở gần nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong khu vực tầng 1 hoặc tầng hầm các nhà ở nhiều tầng phải cách xa nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín, phải sắp xếp gọn gàng không gây cản trở lối thoát nạn. Không đưa xe đạp điện lên các tầng để sạc điện. Không bố trí nơi sạc xe đạp điện cùng với khu vực xe máy tại khu vực gara xe và phải quy hoạch khu để sạc xe đạp điện ra khu vực riêng và có biện pháp bảo đảm an toàn PCCC phù hợp. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này