Tận dụng lợi thế EVFTA thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức

09:59 | 16/12/2021
(LĐTĐ) Là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mức độ tự do hóa cao, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tiến tới xoá bỏ phần lớn hàng rào thuế quan và tiết giảm các rào cản phi thuế quan giữa Việt Nam với EU trong đó, có Cộng hòa Liên bang Đức. Từ đó mang tới kỳ vọng về một sự tăng trưởng đột phá trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Đức.
“Điểm sáng” trong bức tranh thương mại Việt Nam - EU EVFTA – Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới

Lợi thế cho thị trường xuất khẩu sang Đức

Tại hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức thông qua Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/12, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Hiệp định sẽ dỡ bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Đức sau 7 năm và cũng xoá bỏ 98,3% số dòng thuế cho các sản phẩm của Đức nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sau 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Tận dụng lợi thế EVFTA thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thông tin Kết quả năm đầu tận dụng EVFTA trong thương mại Việt Nam – Đức.

EVFTA cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam và 12 sản phẩm của Đức giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường mỗi bên. Ngoài ra, Hiệp định cũng bao gồm rất nhiều cam kết khác về hải quan, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm công... giúp thiết lập nên các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hoá thương mại, tạo điều kiện dễ dàng cho hàng hoá của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là có cơ hội lớn từ EVFTA bao gồm giày dép, quần áo, thủy sản, các sản phẩm nhựa, hoa quả và các loại hạt và một số sản phẩm nông sản khác như gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm… Theo chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng được đánh giá là có lợi thế khi nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Đức nhờ EVFTA, đặc biệt là xe cộ, máy móc thiết bị điện, dược phẩm, các sản phẩm nhựa, sắt thép, Nhiên liệu dầu khoáng, thịt động vật và gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa, rượu bia và đồ uống…

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, những kết quả khả quan trong năm đầu thực thi EVFTA từ góc độ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU nói chung, Việt Nam - Đức nói riêng. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ EVFTA trong một năm qua để tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức như máy móc và thiết bị tăng 83,6%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 71,6%, sắt thép tăng 53,2%, máy tính và điện tử tăng 34%, thủy sản tăng 15,5%.

Tuy nhiên, để biến những cơ hội tiềm năng nói trên thành hiện thực, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu đầy đủ các nội dung cam kết của Việt Nam và Đức trong EVFTA. Cùng với đó, các doanh nghiệp cả xuất khẩu và nhập khẩu đều cần có hiểu biết kỹ càng về quy mô, nhu cầu, thị hiếu của thị trường và các quy định xuất nhập khẩu của hai bên để hỗ trợ các doanh nghiệp làm điều này.

Để kinh doanh thành công với thị trường Đức

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể kinh doanh thành công với thị trường Đức – một trong những thị trường phát triển khó tính nhất thế giới? Theo ông Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam, phía Đức nhìn nhận Việt Nam là thị trường nhiều cơ hội trong đó, có một số lĩnh vực mới như về năng lượng. Họ biết rất rõ rằng, ở Việt Nam, chỗ nào có nhu cầu phát triển năng lượng xanh. Các doanh nghiệp của Đức rất quan tâm đến các dự án phát triển điện, điện gió tại Bình Thuận và Ninh Thuận. Đây cũng là những yếu tố để thúc đẩy thương mại. Trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, sau 20 năm cùng hợp tác, phía Đức cho rằng, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng nếu năng lực tay nghề được nâng lên có thể sẽ làm được thêm nhiều việc khác nữa.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng: Trong nhiều năm qua, Đức luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Từ góc độ xuất khẩu, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại Liên minh châu Âu (EU), thứ 7 thế giới của Việt Nam năm 2020. Về nhập khẩu, Đức là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 2 EU, thứ 14 thế giới của Việt Nam. Việt Nam và Đức có cơ cấu sản phẩm bổ sung cho nhau là chủ yếu. Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp nhẹ, sản phẩm tiêu dùng và nông sản thực phẩm, và có nhu cầu cao với nhiều nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất. Trong khi đó, Đức là cường quốc công nghiệp nặng, xuất khẩu nhiều nguyên nhiên liệu và máy móc thiết bị và cũng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm.

Theo ông Phạm Hùng Tiến, để đón nhận được các dự án đầu tư mới như cơ khí chế tạo để từ đó tạo ra được những giá trị gia tăng hoặc phát triển các doanh nghiệp nội địa trở thành các nhà cung ứng đủ khả năng kết nối với các doanh nghiệp đầu tư Đức tại Việt Nam, thì cơ bản cần phải nâng cao trình độ tay nghề, trình độ khoa học công nghệ của đội ngũ người lao động.

Thời gian tới, nhu cầu sử dụng ô tô và thị trường ô tô tại Việt Nam cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng rất nhanh. Do đó, phía Đức rất mong có thể tranh thủ và tận dụng Việt Nam là thị trường trọng điểm để chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực tay nghề cho các nhà máy sản xuất, các linh kiện, phụ kiện cung cấp cho các doanh nghiệp của Đức đã và đang ở Việt Nam. Ngành lắp ráp của Việt Nam cũng thuộc về xu hướng phát triển toàn cầu hiện tại. Điều đó giúp khuyến khích các doanh nghiệp của Đức đa dạng hóa các thị trường cung cấp, đa dạng hóa các nhà cung cấp. Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng.

“Mối quan hệ hợp tác dưới góc độ thương mại giữa Việt Nam và Đức đang hình thành rất là rõ ràng và trong tương lai, nhờ vào mối quan hệ giữa 2 bên sẽ có được những sản phẩm có thể cạnh tranh tốt hơn so với các sản phẩm từ nước láng giềng dưới góc độ về chi phí và chất lượng”, ông Phạm Hùng Tiến nhấn mạnh.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu, Đức là đối tác khắt khe cả trong các quy định pháp lý và yêu cầu của người tiêu dùng. Đức cũng là thị trường có độ cạnh tranh cao với các ngành sản xuất nội địa tiềm lực lớn và nhiều đối thủ mạnh từ nước ngoài. Do vậy, để kinh doanh thành công với thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải trang bị các kiến thức, thông tin đầy đủ và cập nhật về thị trường; đồng thời, khai thác triệt để các lợi thế riêng có từ Hiệp định EVFTA./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này